Cheo leo Ðưng K'Nớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Gần đây, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm những điểm có nguy cơ sạt lở trước đây ở xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng) tiếp tục đứng trước tình trạng báo động. Đồng thời, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới khiến nhiều hộ dân tại xã Đưng K’Nớ thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ sạt lở ập xuống bất cứ lúc nào.
Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng trên những vị trí cheo leo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất

Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng trên những vị trí cheo leo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất

Là địa bàn vùng xa thuộc huyện Lạc Dương, Đưng K’Nớ có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết, địa chất tại địa phương chủ yếu là đất sét pha cát, tính kết dính không cao, độ dốc lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Mặt khác, trên địa bàn xã không có khu vực nào có mặt bằng thuận lợi để triển khai xây dựng các khu dân cư tập trung. Thay vào đó, người dân trong xã chủ yếu xây nhà dọc theo trục các tuyến đường chính; tập trung nhiều nhất là hai bên đường, dọc đường Trường Sơn Đông. Nhìn chung, khi xây nhà, người dân chỉ có vài mét đất mặt tiền bằng phẳng, còn diện tích lớn là bờ ta luy âm, khi xây dựng cần phải đóng, ép cọc để đổ bê tông sàn mới có mặt bằng xây nhà. Đây là điều rất đáng lo ngại, nhất là khi xã Đưng K’Nớ mưa nhiều và kéo dài, rất dễ xảy ra tình trạng sụt, trượt lở đất.

Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ, chúng tôi tìm đến gia đình ông Kơ Dơng Ha Lem, ngụ tại Thôn 1, lúc này gia đình ông đang gia cố lại bờ ta luy âm. Ông Ha Lem cho biết, năm 2021, gia đình ông xây dựng một căn nhà mới kiên cố với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Kể từ đây, ông và gia đình những tưởng sẽ không còn cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về. Thế nhưng, chỉ sau 2 mùa mưa, phần đất sau nhà, phía bờ ta luy âm của gia đình đang có dấu hiệu sạt trượt nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ ngôi nhà có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng thực hiện là hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt. Riêng huyện Lạc Dương được phê duyệt Dự án Bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai Thôn 1 và 2, xã Đưng K'Nớ, bố trí ổn định cho 100 hộ dân với quy mô đầu tư 70 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù, căn nhà của ông Ha Lem được xây dựng rất kiên cố, tuy nhiên, nền đất chính của căn nhà được tạo nên từ việc đổ đất lên, phần phía sau tạo nên một bờ ta luy âm cao hàng chục mét. Bên cạnh đó, điều bất cập là gia đình ông lại không xây dựng hệ thống thu gom nước mưa. Do đó, mỗi khi có mưa lớn, lượng nước chảy trên đường lại đổ dồn về, thậm chí các máng xối nước của căn nhà ông cũng đổ thẳng trực tiếp xuống phía bờ ta luy. Hiện nay, phần đất bờ ta luy âm của gia đình ông đã bắt đầu nhão nước; đồng thời, xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún khiến gia đình ông vô cùng bất an.

Đây cũng là thực trạng chung, đáng báo động tại xã Đưng K’Nớ khi người dân tiến hành xây dựng nhà ở. Theo ông Thân Văn Hữu, vì điều kiện đặc thù về tự nhiên nên 85 - 90% nhà ở của người dân trên địa bàn xã đều có bờ ta luy. Khi xây dựng nhà ở, người dân chưa tính toán thật kỹ đến khâu chống sạt, trượt đất; đồng thời, không có phương án thu gom nước, để nước mưa chảy tự do dễ gây xói mòn đất chân bờ ta luy. Theo thống kê, hiện, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân có nhu cầu về đất ở. Trong đó có hơn 50 hộ sinh sống tại các vùng nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân này không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư tại khu dân cư K’Nớ 5 nên vẫn chưa có quỹ đất để giải quyết nhu cầu của các hộ dân trên.

Để ứng phó với nguy cơ xảy ra sụt lở đất, trước mắt, địa phương đã nhanh chóng cập nhật, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, tiến hành cắm biển cảnh báo trước khi mưa bão đến; đồng thời, lập các phương án tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng sạt lở đất nếu phát hiện các sự cố bất thường có thể xảy ra. Về phương án lâu dài, sau khi đánh giá một cách chính thức có cơ sở, khoa học về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới, địa phương sẽ có phương án di dời, sơ tán những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở.

Riêng trong những ngày mưa cao điểm vừa qua, UBND xã Đưng K’Nớ đã phân công thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xuống các thôn, tổ dân phố nhắc nhở, đôn đốc các hộ dân khẩn trương nạo vét mương thoát nước xung quanh nhà, khơi thông dòng chảy để hạn chế sạt lở đất, ngập úng nhà ở, nhất là những nhà ở có ta luy âm, dương cao, có nguy cơ sạt lở do mưa lớn gây ra. Đối với nhà ở của người dân có nguy cơ sạt lở, mất an toàn, UBND xã cương quyết đưa tài sản và người dân đến nơi ở tạm an toàn. Chủ động sử dụng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi ở tạm, trú, tránh cho người dân; bảo đảm cho người dân không thiếu chỗ ở tạm, thiếu các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.