Chào con của mẹ !

8 giờ tối 28.11.2022, chúng tôi ở Khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Chị Lê Thị Thương (37 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) sắp bước vào ca phẫu thuật bắt con không mong muốn…
Rơi vào cảnh thai kỳ nhiều bệnh lý, các sản phụ vừa phải đối mặt với chuyện sống còn trong cơn vượt cạn, vừa gian nan cùng con kiên cường chiến đấu để giữ lấy sự sống cho con. Chị Thương là một trong những sản phụ như vậy. Tiếng khóc sau chào đời của đứa bé chính là điều diệu kỳ để bắt đầu cho một hy vọng cứu sống con, dù còn gian nan phía trước.

Chị Hoàng Thị Tâm ấp bé trai ở phòng chăm sóc Kangaroo, BV Từ Dũ. Ảnh: Ngọc Dương
Chị Hoàng Thị Tâm ấp bé trai ở phòng chăm sóc Kangaroo, BV Từ Dũ. Ảnh: Ngọc Dương
Phập phồng tiếng khóc đầu tiên
Trước đó, ngày 22.11.2022 chị Thương nhập viện gấp ở tuần thai thứ 33 vì bệnh lý huyết áp cao, men gan tăng, nguy cơ tiền sản giật. 37 tuổi, lần đầu mang thai lại là thai đôi, vợ chồng chị Thương mừng lo lẫn lộn chờ ngày con chào đời.
Chiều 25.11.2022, bác sĩ (BS) ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện (BV) Hùng Vương gặp chị Thương, thông báo chị có thể phải chấm dứt thai kỳ vì men gan tăng gấp 3 sau lần khám trước. Một em bé trong cặp song sinh cũng bị suy dinh dưỡng, giảm máu tưới nuôi dưỡng thai, tình trạng cả mẹ lẫn con ngày một xấu đi... Vợ chồng chị Thương phập phồng âu lo bước vào ngày vượt cạn không mong muốn.
30 phút sau ca mổ, nữ hộ sinh (NHS) Nguyễn Bích Hồng đẩy chiếc xe chở hai bé gái sinh đôi lại sát bàn mổ cho chị Thương nhìn con, vui mừng nói: “Con khỏe mẹ nha. Bé đầu 2,2 kg, bé sau 1,7 kg. Chào mẹ đi con…”. Người mẹ trẻ khẽ gật đầu và trào nước mắt nhìn hai bé đang khóc rất to. Khoảnh khắc ấy khiến hầu hết y BS ở phòng sanh và chúng tôi đều cảm thấy thật xúc động. Bởi sau sinh, bé khóc càng to là dấu hiệu bé khỏe và có thêm cơ hội vượt qua những nguy cơ của bệnh lý sinh non.

Bàn tay bé xíu của con anh Phạm Nhân Trung.
Bàn tay bé xíu của con anh Phạm Nhân Trung.
Ngay sau đó, NHS Bích Hồng đưa hai bé vào phòng hồi sức sơ sinh để BS theo dõi qua một loạt xét nghiệm như siêu âm tim phổi, bụng, não, hô hấp. Bé được đưa qua Phòng Hồi sức tích cực để tiếp tục chăm sóc. BS Phạm Huyền Quỳnh Trang, người đón bé từ khoa sanh về, chỉ định cho một bé của cặp song sinh vào nằm lồng ấp, thở ô xy qua cannula (hỗ trợ hô hấp). Còn bé gái nhẹ cân hơn vốn bị suy dinh dưỡng, thiếu máu tưới trong thai kỳ được điều trị bằng phương pháp NCPAP (thở ô xy áp lực dương liên tục qua mũi).
BS Quỳnh Trang chia sẻ: “Hai bé may mắn là có cân nặng khá và chỉ suy hô hấp nhẹ nên khả năng sẽ được xuất viện sớm”. Vừa lúc này, ba của hai bé là anh Nguyễn Thanh Long, 40 tuổi, được vào thăm con. Anh hồi hộp, bối rối khi thấy hai con đang nằm trong lồng ấp. Người đàn ông lần đầu làm cha luống cuống đi qua đi lại hai lồng ấp có hai bé gái đang khóc rất to và nói nhiều lần: “Cố lên con gái ơi, ba nè! Kiên cường nha con gái!”. Dù đã được BS gọi ra vì hết thời gian thăm con, anh Long vẫn nấn ná chạy qua chạy lại để được nhìn hai cô con gái thêm lần nữa.
BS Quỳnh Trang dặn ông bố đang lóng ngóng cố rướn nhìn hai con trước khi về chăm vợ: “Anh ráng hỗ trợ mẹ vắt sữa, nếu mẹ chưa có sữa thì đăng ký ở Ngân hàng sữa mẹ thanh trùng cho bé uống trước. Giờ anh về đi, vợ anh sắp được xuống phòng”.

Vợ chồng anh Phạm Nhân Trung chăm con. Ảnh: Ngọc Dương
Vợ chồng anh Phạm Nhân Trung chăm con. Ảnh: Ngọc Dương
Kiên cường vì con
Trong các sản phụ đang nuôi bé sinh non bằng phương pháp Kangaroo mà chúng tôi được gặp, có lẽ gian nan nhất là những bà mẹ đã hiếm muộn lại có thai kỳ xấu và phải sinh sớm. Chị Trần Thị Nhung, 31 tuổi, quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nghẹn ngào chia sẻ: “Vợ chồng mình hiếm muộn, may mắn mang thai đôi, một trai, một gái. Trước đó, mình mất một năm đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, chịu không biết bao nhiêu đau đớn vì thuốc men và chọc hút để kích trứng, thụ thai. Nên khi sinh con ra, thấy con gắn dây dịch truyền tĩnh mạch rồi vô các loại thuốc, thương con lắm. Chắc bé đau nhiều mà chỉ biết khóc”.
Chị Nhung nhập viện cấp cứu do bị các cơn gò dọa sinh non ở tuần thứ 23, phải truyền rất nhiều thuốc để giữ thai. Vừa tạm ổn thì chị Nhung lại mắc Covid-19. Một tuần sau đó, chị Nhung vỡ ối, buộc phải sinh con. Bà mẹ trẻ cũng vừa mất một trong hai bé sinh đôi: “Bé gái em chưa được ôm một lần nào hết, con mất sau 4 ngày sinh…”. Chị Nhung bật khóc kể, dù chị luôn tự nhắc mình kiên cường vì đứa con còn lại vẫn đang phải thở ô xy tại BV Hùng Vương.

Khoa Sơ sinh, BV Hùng Vương có 100 giường bệnh, lúc đông có thể lên tới 120 giường và hiếm khi nào trống. Khoa có 117 nhân viên, nhưng cũng thường bị quá tải công việc. Ca sinh non nhất mà khoa từng điều trị là 24 tuần tuổi, nặng 680 gr. Ca nhẹ cân nhất là 500 gr. Hai ca này đều được hồi sức thành công cả mẹ và bé.

Ở Khoa Kangaroo của BV Từ Dũ, chị Hoàng Thị Tâm (32 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng đang cố gắng giữ lại đứa con sau ca sinh non ở tuần 26. Chị Tâm nằm viện suốt 2 tháng trước sinh để ráng giữ thai nhưng cuối cùng vẫn phải sinh sớm. “Hai vợ chồng mình khóc suốt, từ những ngày đi cấy thai cho tới khi biết tin vui đậu được hai phôi. Rồi lại nơm nớp lo khi đi khám dị tật cho con trong thai kỳ. Cho tới khi tạm ổn, chưa kịp vui thì lại tụt thai ở tuần 23. Lúc đầu BS nói mình ráng sinh thường nhưng sau quyết định mổ để cứu hai bé một cách tốt nhất bởi mình có nguy cơ tiền sản giật. Sinh được hai cậu con trai, bé lớn 1 kg, bé ra sau chỉ 800 gr, mừng lắm. Nay bé được 31 tuần rồi, nhưng lại mất một bé”, chị Tâm nghẹn ngào.

Trẻ sinh non và phương pháp Kangaroo

Trẻ được gọi là sinh non nếu chào đời khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như khuyết tật phát triển, bại não, khiếm thị và khiếm thính cao hơn. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Phương pháp Kangaroo (Kangaroo Mother Care) chăm sóc trẻ sinh non hoặc nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực người mẹ. Phương pháp này được áp dụng dựa trên việc quan sát những kangaroo mẹ chăm sóc con bằng cách đặt con nằm trong túi phía trước ngực mẹ.

Cũng tại BV Từ Dũ, trong Khoa Sơ sinh, anh Phạm Nhân Trung (35 tuổi, quê Tiền Giang) và vợ nằm hai giường ở hành lang ấp con hơn 1 tháng qua. Vợ anh vượt ải tử thần khi chạy đua với thời gian từ Tiền Giang lên TP.HCM. Anh Trung kể lại: “Tối 16.10.2022, vợ tui bị đau bụng dữ dội. Vợ mang thai ba nên lo lắm. Đến Bến Lức vợ bị xỉu, tui hối tài xế chạy đại tới BV Từ Dũ. Vô tới cấp cứu, anh bảo vệ đẩy xe cho mẹ bé vào mổ luôn. Lúc này đầu một bé đã chòi ra, BS nói may không vỡ tử cung. Trễ xíu là nguy hại tính mạng cả mẹ và ba bé”. Ba bé gái chào đời lần lượt nặng 900 gr, 800 gr, 750 gr, nhưng bé nhỏ nhất qua đời vì ngạt...
Ôm đứa con chỉ bé bằng nắm tay nằm trên ngực mình, anh Trung nói rằng nghe nó thở phập phồng thấy thương…
(còn tiếp)
Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà nổi ở Trường Sa

Nhà nổi ở Trường Sa

Nhiều ngư dân câu mực ở Quảng Ngãi, Quảng Nam kể lại, năm 1998 đã đi bạn trên tàu câu mực ở thành phố Đà Nẵng. Từ năm 2000 đến nay, nghề câu mực ở Đà Nẵng giảm dần nên ngư dân về quê đóng tàu và bắt đầu những chuyến đi dài ngày ròng rã và tàu cập vào hoặc đi qua hầu hết các đảo Sơn Ca, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Gạc Ma,…
Trà măng, đừng đánh mất!

Trà măng, đừng đánh mất!

Tác giả Lục Vũ từ thế kỷ 8 có miêu tả loại trà quý nhất là trà măng trong tác phẩm Trà Kinh. Trong số 34/63 tỉnh thành Việt Nam sở hữu cây trà, đến nay Lai Châu và Hà Giang phát hiện trà măng - một niềm tự hào của ngành trà Việt.
Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.
Phía sau hoa hồng

Phía sau hoa hồng

Những bông hoa hồng và những lời chúc tụng tràn ngập trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thật trong ngày 8/3. Nhưng phía sau đó, sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.
Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trời ngả về chiều. Trong lớp sương mù bảng lảng bay trên đỉnh đồi làng Đăk Chum I (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (46 tuổi) cùng gần chục người khác đang miệt mài chăm sóc vườn dâu tây. Những luống dâu xanh mướt với quả đỏ mọng trải dài trên đỉnh đồi Đăk Chum I là hướng đi mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Những “bông hồng thép”

Những “bông hồng thép”

Tại Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân, có những người phụ nữ dù công việc chính hàng ngày là nhân viên văn thư, nấu ăn, hay quân y thì họ vẫn thường xuyên luyện tập trong môi trường khắc nghiệt với quyết tâm rất cao để trau dồi, nâng cao ý chí, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn được giao như bao cán bộ, chiến sĩ nam tại đơn vị. Không chỉ mạnh mẽ, can trường mà những “bóng hồng” ở đơn vị đặc biệt này còn vô cùng duyên dáng, đảm việc nước, giỏi việc nhà.
Biên cương thao thức

Biên cương thao thức

Trong sự trầm mặc của núi đồi, giữa đại ngàn biên cương, nơi chỉ nghe nói thôi, người ta đã nghĩ đến xa xôi, hoang vắng, có những con người vẫn luôn thao thức vì sự bình yên của quê hương, đất nước.
Gập ghềnh phận mồ côi

Gập ghềnh phận mồ côi

(GLO)- Ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, song trước sóng gió cuộc đời, nhiều em nhỏ ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) phút chốc trở thành mồ côi. Thiếu vắng tình thương của cả cha mẹ, tương lai của các em bỗng hóa gập ghềnh.
“Cõng” phim về làng

“Cõng” phim về làng

(GLO)- Giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, những “người lính” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật vẫn thầm lặng đến từng buôn làng vùng sâu, vùng xa chiếu phim phục vụ người dân. Họ là những thành viên của Đội chiếu phim lưu động thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai).
Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Bao năm nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã cung cấp hàng trăm tin báo để chính quyền vào cuộc ngăn chặn và chống việc lợi dụng “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh để trục lợi. Nhờ đó, nguồn gene thuần chủng được bảo tồn và “chiêu bài” lợi dụng thương hiệu sâm để trục lợi bị phanh phui.