Công ty 74: "Bà đỡ" trên địa bàn biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao đời sống người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng biên giới nơi đơn vị đứng chân.
Thượng tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Công ty 74-cho biết: Công ty đang quản lý, chăm sóc và khai thác gần 7.000 ha cao su và hơn 12 ha cà phê. Diện tích cao su của Công ty trải rộng trên địa bàn 24 thôn, làng thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 3 huyện (Đức Cơ và Ia Grai, tỉnh Gia Lai; huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Thực hiện chủ trương mở rộng vườn cây đến đâu phát triển dân cư, xã hội đến đó, Công ty đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí lại các cụm, điểm dân cư theo quy hoạch sản xuất, đảm bảo thế trận quốc phòng-an ninh. Từ chỗ chỉ có 150 cán bộ, chiến sĩ khi mới thành lập, đến nay, Công ty có 3.034 lao động, trong đó có 1.652 lao động là người dân tộc thiểu số địa phương. Cùng với đó, các đội sản xuất được bố trí xen kẽ với 24 thôn, làng hình thành 6 cụm, 18 điểm dân cư dọc tuyến biên giới với hệ thống điện-đường-trường-trạm được đầu tư đồng bộ. Năm 2006, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su trên diện tích 9,6 ha với 2 dây chuyền sản xuất, công suất 10.500 tấn/năm; hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ sinh học. Công ty cũng đang áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và 9001:2015.
Những năm gần đây, trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá mủ cao su xuống thấp, Đảng ủy-Ban Giám đốc đã nỗ lực tìm hướng đi phù hợp. Từ đó, đơn vị đã tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả quản lý; thực hành tiết kiệm triệt để nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; ổn định tiền lương; phát triển thêm ngành nghề như xây dựng trang trại nuôi bò thịt quy mô 1.000 con/năm. Nhờ đó, các chỉ tiêu về khối lượng, giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Lãnh đạo Công ty 74 trao nhà “Mái ấm tình thương” cho người lao động nghèo. Ảnh: V.H
Lãnh đạo Công ty 74 trao nhà “Mái ấm tình thương” cho người lao động nghèo. Ảnh: V.H
Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và xóa đói giảm nghèo, Công ty đã đầu tư làm 355 km đường nhựa, bê tông, cấp phối phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân; nâng cấp nhà máy thủy điện công suất 400 kW, lắp đặt hàng chục trạm biến áp, xây dựng 600 km đường điện các loại. Cùng với đó, Công ty xây dựng 2 trường THCS bàn giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương; xây dựng 1 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 với 17 điểm trường, có 110 giáo viên, gần 1.300 học sinh; 1 bệnh xá quân-dân y kết hợp với 25 giường bệnh.
Làng Tang (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) là nơi có nhiều bệnh nhân phong sinh sống. Hiện trong làng còn 33 người vẫn mang di chứng của căn bệnh này, sức lao động rất hạn chế. Làng có 36 hộ thì đều thuộc diện nghèo. Hiểu được những khó khăn ấy, Công ty 74 thường xuyên quan tâm, giúp đỡ người dân nơi đây. Già làng Kpui Hin chia sẻ: “Làng mình cảm ơn Công ty 74 nhiều lắm. Năm 2015, Công ty đã xây tặng làng 1 nhà văn hóa với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo. Đặc biệt, vào mùa giáp hạt, Công ty đều hỗ trợ gạo cho dân làng. Dân làng mình coi các cán bộ, chiến sĩ của Công ty như người nhà”.
Không chỉ làng Tang, Công ty 74 còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai thực hiện nhiều nội dung cụ thể, thiết thực tại những nơi có các đội sản xuất của đơn vị đứng chân như: hỗ trợ lương thực mùa giáp hạt, khám bệnh miễn phí, đóng góp các quỹ, hỗ trợ các đoàn thể hoạt động, tặng quà gia đình chính sách, người có công, người già neo đơn. Năm 2006, Công ty triển khai thực hiện thành công mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Từ 30 cặp hộ gắn kết ban đầu, đến nay, con số này đã tăng lên gần 1.000 cặp hộ. Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động 1.652 người dân tộc thiểu số địa phương vào làm công nhân, tạo nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, Công ty có 19 đội sản xuất kết nghĩa với 24 thôn, làng trên tuyến biên giới.  
Những việc làm cụ thể, thiết thực của Công ty 74 thời gian qua đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương ngày càng đồng bộ, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời xây dựng thế trận lòng dân và khu vực phòng thủ trên tuyến biên giới ngày càng vững mạnh.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.