Quân đội tích cực giúp dân xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố thế trận lòng dân.



Sau khi được UBND tỉnh Gia Lai phân công giúp 35 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, 16 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát những hạng mục, tiêu chí phù hợp để triển khai thực hiện. Đầu tiên, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thông qua các tổ, đội công tác dân vận, hoạt động kết nghĩa, huấn luyện hành quân dã ngoại... Tiếp đến, các đơn vị triển khai cho cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở, trực tiếp tham gia giúp dân khi cần. Theo thống kê, riêng năm 2018, các đơn vị quân đội đã huy động 44.209 ngày công giúp dân làm mới và tu sửa 243,2 km đường giao thông liên thôn, 112,4 km kênh mương; xây mới 61 nhà chính sách, nhà tình nghĩa, nhà đồng đội trị giá trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn tham gia sửa chữa trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình nước sạch và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 10.479 lượt người.

Bộ đội giúp dân làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) di dời nhà ở.      Ảnh: A.H
Bộ đội giúp dân làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) di dời nhà ở. Ảnh: A.H



Tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2018, Đại tá Nguyễn Văn Thế-Phó Chính ủy Quân đoàn 3-cho hay: Trong năm, các đơn vị của Quân đoàn đã tham gia gần 21 ngàn ngày công lao động tập trung làm mới 8 km đường bê tông, sửa chữa 40,65 km đường giao thông, nạo vét 24,5 km kênh mương, sửa chữa và xây mới 40 ngôi nhà... Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị của Quân đoàn còn thường xuyên phối hợp, trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương về kinh nghiệm bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đoàn viên và phát huy vai trò của các hội, đoàn thể trong tập hợp, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, việc duy trì có hiệu quả các mô hình, chương trình giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững của các đơn vị quân đội đã ngày càng củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó quân dân. Trong số đó phải kể đến mô hình “Bếp ăn tình thương” và chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giúp gần 70 cháu học sinh nghèo trên khu vực biên giới; Binh đoàn 15 có mô hình “Gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” và tạo việc làm cho lao động dân tộc thiểu số... Riêng các đơn vị trực thuộc Quân khu 5, như: Lữ đoàn Pháo binh 368, Sư đoàn Bộ binh 2, Lữ đoàn Công binh 280, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo thông qua mô hình “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo” và “Hũ gạo vì người nghèo”. Theo Thiếu tá Lê Bá Văn-Chính trị viên Tiểu đoàn 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ và tổ chức thực hiện chặt chẽ, an toàn. Trong năm 2018, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia hơn 1.200 ngày công giúp nhân dân xã Krong (huyện Kbang) trồng rừng, phát triển sản xuất và di dời, sắp xếp dân cư ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện)... “Dự kiến trong tháng 4 này, đơn vị sẽ triển khai cho 20 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp 2 hộ dân ở huyện Đức Cơ, gồm: bà Phạm Thị Hồng (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) và bà Siu Pheng (thôn Mook Đen 1, xã Ia Dom) dọn dẹp vườn, đào hố chuẩn bị trồng cà phê. Đây là 2 hộ nghèo mà đơn vị nhận giúp đỡ thoát nghèo”-Thiếu tá Văn cho biết.

Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp dân làm cỏ lúa.              Ảnh: A.H
Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp dân làm cỏ lúa. Ảnh: A.H



Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị quân đội cũng đã tích cực tổ chức lực lượng phối hợp di dời, chỉnh trang hàng trăm ngôi nhà, vườn rau cho nhân dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện); làng Bi Yông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa)… và tham gia xóa nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ.

Bằng những việc làm thiết thực, những người lính Cụ Hồ tiếp tục để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân, đồng thời được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đã có 8 tập thể và 4 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018”.

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.