Vượt qua lằn ranh sinh tử: Hành trình tây nam vượt 'bão' dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến lúc này, khi hành trình đã kết thúc, chúng tôi vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà mình đã có thể đi qua những tháng ngày đại dịch Covid-19 khốc liệt, ken đặc những biến cố như vậy.
Chỉ mỗi một biến cố ấy thôi, trong điều kiện bình thường, cũng có thể đủ để hạ gục tâm trí một con người. Xin được phép gọi hành trình bi tráng ấy là hành trình tây nam vượt qua bão dịch.
Bắt đầu ở phía tây thành phố
Ngày 1.8.2021, sau cuộc hội ý chớp nhoáng trong chuyến thị sát của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mệnh lệnh được đưa ra: Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM sẽ ngay lập tức xây dựng một trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 để kịp đáp ứng tình hình.
Vào thời điểm ấy, hơn 300 y bác sĩ (BS) của BV đã tỏa ra khắp các BV dã chiến trong thành phố, và một lượng rất lớn khác đang tập trung cho chiến dịch tiêm vắc xin, xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Trong tay chưa có gì kể cả nhân sự, trang thiết bị và cả kinh nghiệm vận hành một trung tâm hồi sức trong điều kiện dã chiến. Chúng tôi chỉ có lòng nhiệt huyết và khao khát dấn thân vì thành phố, vì đồng bào.
Ngày hôm sau, những nhân viên y tế đầu tiên lên xe đi về phía tây thành phố. Sau 12 tiếng đồng hồ gấp gáp đẫm mồ hôi, chúng tôi cũng tạm biến một tầng lầu trống của BV Thành Đô (Q.Bình Tân) thành nơi có thể nhận bệnh hồi sức nặng nhất với máy thở, monitor theo dõi, bơm tiêm điện, xét nghiệm hoàn chỉnh; và hậu cần đầy đủ nhất có thể, từ khẩu trang chống dịch cho đến các thuốc chuyên dùng.

Đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Ảnh: NVCC
Đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Ảnh: NVCC
Rồi bệnh nhân (BN) đầu tiên cũng đến, một BN suy hô hấp nguy kịch đang được thở máy. Chúng tôi, cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn đồng nghiệp khác trên khắp thành phố này, lao vào trận chiến bằng nhiệt huyết thanh xuân và trái tim của những người mặc blouse trắng.
Đêm đầu tiên ấy đã đi vào tâm khảm những người trong tâm dịch như một khoảnh khắc vĩnh viễn không thể xóa nhòa, bởi nó đã đánh dấu một chặng đường hơn nửa năm giông bão khốc liệt, đau thương song hành cùng hạnh phúc, tuyệt vọng xen lẫn với niềm tin, bi tráng hòa quyện cùng tự hào. Và trên tất cả, đó là tình người, tình đồng bào thấm đẫm trong từng bước chúng tôi hành quân cùng thành phố đi qua cơn bão dịch.
Trong tháng 8 và tháng 9 nóng bỏng, chúng tôi đã phải tiễn đưa không ít người bệnh nguy kịch; nhưng cũng không ít lần niềm vui vỡ òa trong nước mắt khi một cuộc cấp cứu thành công, một cuộc đời được giữ lại, một đốm lửa niềm tin được thắp lên trong đêm tối. Niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những người mặc áo blouse trắng vững bước tiến đi qua những tháng ngày khó khăn nhất của thành phố, cũng như của cả cuộc đời hành nghề cứu người của mình.
Có vô vàn kỷ niệm để kể lại, nhưng có lẽ một khoảnh khắc không thể nào quên là lần ấy, giữa đêm, một nữ BS trưởng tua trực còn rất trẻ gửi cho tôi một tin nhắn với biểu tượng mặt khóc. Tôi hốt hoảng sợ điều mình lo lắng nhất từ khi bắt đầu cuộc sống dã chiến: ngã lòng. Tôi hỏi dồn dập. BS ấy chỉ trả lời: “Em mừng quá nên khóc thôi. Em đã rút được nội khí quản cho BN”. Tôi thở phào và nghe lòng mình hân hoan như muốn nhảy lên reo to giữa đêm.
Việc rút nội khí quản là chuyện thường ngày đối với một BS hồi sức, nhưng trong thời điểm khốc liệt ấy, khi mà rất nhiều đồng nghiệp cho rằng một BN Covid-19 đã thở máy cũng đồng nghĩa với án tử; thì việc từ rất sớm trong hành trình gian khó của mình, một BN thở máy được cứu sống lại trở thành liều thuốc nâng đỡ tinh thần vô giá cho những người trực tiếp giành giật mạng sống của đồng bào mình từ tay tử thần. Động tác rút ống thở ấy như một chiến thư không khoan nhượng trước tất cả những tàn khốc mà Covid-19 có thể gây ra.
Cuộc “không vận” hồi sức về phía nam
Giữa tháng 10.2021, khi tình hình dịch đã tạm lắng, các đoàn chi viện cho TP.HCM từ miền Bắc và miền Trung dần rút về, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ tiếp quản Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Việt Đức ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Lúc ấy, trung tâm của chúng tôi còn 78 BN. Để sáp nhập 2 trong số 6 trung tâm hồi sức lớn nhất của thành phố lúc ấy và để có một địa điểm lâu dài hơn cho việc chống dịch, chúng tôi quyết định chuyển toàn bộ BN nặng của mình về phía nam thành phố, nơi có gần 30 BN nặng mà BV Việt Đức đã cứu chữa cho đến lúc ấy.
Vậy là cuộc vận chuyển hồi sức có lẽ lớn nhất đến thời điểm đó đã được tiến hành trong 18 giờ. Toàn bộ BN được vận chuyển an toàn về Bình Hưng, trong khi không ít nhân viên y tế tham gia vận chuyển đã phải được cấp cứu vì cường độ công việc căng thẳng và vì tinh thần hăng hái đến quên cả giới hạn chịu đựng của bản thân.

Chạy CRRT (lọc máu ngoài thận) cho bệnh nhân Covid-19 tổn thương thận cấp
Chạy CRRT (lọc máu ngoài thận) cho bệnh nhân Covid-19 tổn thương thận cấp
Chưa kịp nghỉ ngơi sau những tháng ngày căng mình vì bão bệnh, chúng tôi lại đối mặt với làn sóng bệnh thứ 2 vào cuối tháng 10.2021. Ban đầu, BN chủ yếu đến từ các xã vùng ven của H.Bình Chánh như Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Chúng tôi lại đến tận địa bàn các xã để nắm tình hình và hỗ trợ các đồng nghiệp tuyến trước, những người cũng chỉ vừa mới trở về từ các BV dã chiến vốn muôn vàn nhọc nhằn trước đó.
Rồi dịch tái bùng phát, không chỉ ở Bình Chánh mà cả Bình Tân, Q.6. Lại những hối hả, lại những lưng áo ướt đầm, những tấm che mặt mịt mù mồ hôi, lại những đêm sâu, lại những chuyến xe giải cứu xuất phát bất kể lúc nào dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng. Giường bệnh tiếp tục mở rộng, máy thở huy động tối đa, ECMO được tiếp viện...
Lần này, tổng lượng bệnh trên thành phố không nhiều như trước nhưng vì nhiều BV dã chiến đã giải thể, các trung tâm hồi sức còn lại phải đưa vai gánh thêm phần việc. Như những chiến sĩ bị thương trong trận đánh trước chưa kịp hồi phục nay lại phải tiếp tục xông trận, có không ít y BS đã quỵ ngã giữa phiên trực vì quá sức.
Ngoài cấp cứu BN, chúng tôi còn lo cấp cứu chính đồng nghiệp - đồng đội của mình. Có người sau đó đã hỏi: “Vậy các bạn có ngã lòng không?”. Không! Chưa bao giờ chúng tôi thấy ngã lòng. Chính những áo trắng vừa ngã quỵ trong phiên trực ấy, ngay khi vừa hồi tỉnh đã nhoẻn miệng cười, tiếp tục mặc bảo hộ vào chăm bệnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Chính cái tình người da vàng máu đỏ, trách nhiệm của công dân và thiên lương của nghề đã truyền cho chúng tôi sức mạnh đó. Sức mạnh để đi qua hơn nửa năm bão dịch để góp phần bé nhỏ của mình đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường, năng động vốn có của mình.
Vĩ thanh
Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM chỉ là một phần rất nhỏ trong lần ra quân của toàn TP.HCM trong biến cố lịch sử quan trọng vừa qua. Câu chuyện của chúng tôi, dĩ nhiên kể về chúng tôi, nhưng đó cũng là hình ảnh của hàng vạn y BS, hàng triệu người dân thành phố cũng như trên khắp dải đất hình chữ S mến yêu này.
Ngày 8.2.2022, BN cuối cùng của trung tâm cũng đã được chuyển về điều trị ở một BV không Covid-19. Đứng trước cổng trung tâm, chúng tôi bất chợt nhận thấy những tán phượng trên đại lộ Nguyễn Văn Linh đã xanh nõn nà từ lúc nào. Những chiếc lá xanh vươn lên bầu trời lồng lộng như một ẩn dụ tươi mới và ấm áp về những ngày xanh đang đến.
Chúng tôi, những chiến sĩ áo trắng cùng nhiều màu áo khác, đã kết thúc hành trình tây nam của mình để hồ hởi hòa vào đại lộ dẫn lối đến tương lai cùng thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình này.
Theo PGS-TS Lê Minh Khôi (Phó giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19, Trưởng phòng Khoa học - đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM/TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.