Cổ tích miền thốt nốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Hơn 40 năm trước, bộ đội Việt Nam cứu tôi thoát chết khỏi tay PolPot. Giờ bộ đội Việt Nam lại giúp con tôi khỏi mù chữ, được đi học nên người. Ơn này chúng tôi mãi mãi không quên'.
 
Lực lượng biên phòng và bảo vệ biên giới hai nước VN - Campuchia làm lễ chào cờ tại mốc đại 275. Ảnh: M.T.H
Đón chúng tôi trước cửa nhà dưới tán cây đa cổ thụ giữa vườn thốt nốt, bà Men Vi (57 tuổi) xúc động: “Hơn 40 năm trước, bộ đội Việt Nam cứu tôi thoát chết khỏi tay PolPot. Giờ bộ đội Việt Nam lại giúp con tôi khỏi mù chữ, được đi học nên người. Ơn này chúng tôi mãi mãi không quên”.
Nhà bà Men Vi ở ấp Bat Day, xã Kouk Thnok, H.Angkor Borei (Takeo, Campuchia). Từ ngã ba biên giới, nơi gặp nhau của 3 con sông Phú Hội - Bình Di - Lò Gò, ngồi xuồng máy chạy theo dòng Lò Gò sang ấp Bat Day chừng 20 phút là thấy một căn nhà lá chênh vênh trên những cọc gỗ, tựa vào thân cây đa cổ thụ...
Cứu 2 đời người
Năm 1977, bà Men Vi 15 tuổi đã chứng kiến quân PolPot nhiều lần đánh chiếm cồn nổi trên sông Bắc Ðai (nay là sông Tắc Trúc thuộc ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, H.An Phú, An Giang), bắn súng sang Đồn biên phòng Bắc Đai (nay là Đồn biên phòng Nhơn Hội), phục kích bắt cóc người dân Việt Nam... “Cuối năm 1977, PolPot bắt chúng tôi bỏ nhà cửa ruộng vườn vào sâu trong nội địa. Một số thanh niên trong độ tuổi lao động thì ở lại xây dựng nông trường quân sự mang tên “Trại nông binh”, vừa làm kinh tế vừa chuẩn bị đánh nhau lớn với Việt Nam”, bà Men Vi kể và nhớ lại: “Phải sống tập trung như trong trại tù. Ăn uống thiếu thốn. Ai làm việc lơ là sẽ bị đánh đập, thậm chí tra tấn đến chết. Nhiều lần chúng tôi phải giấu giếm ăn cua, ếch nhái sống để có sức cầm cự”.
Cuộc sống như ác mộng của bà Men Vi và những người dân Angkor Borei chỉ thực sự chấm dứt khi đầu tháng 1.1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) An Giang phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đồng loạt tấn công địch, khôi phục lại toàn bộ tuyến biên giới và đến ngày 7.1.1979, biên giới An Giang hoàn toàn được giải phóng. Trong dòng người tìm về quê ở hai bên biên giới có gia đình bà Men Vi.
Lấy chồng, sinh đến 9 đứa con nhưng cuộc sống gia đình bà cứ mãi lần hồi kiếm ăn từng bữa. Ông chồng Nganh Si năm nay 60 tuổi vẫn phải đi làm thuê tít tận thị trấn huyện. Mấy đứa con học hết lớp 1 - 2 đều phải bỏ dở, ở nhà đi bắt cua ốc như ba mẹ hơn 40 năm trước sống qua ngày. Duy nhất cậu út Sau Ly Hua được cả nhà dồn sức cho đi học, năm nay 13 tuổi lên lớp 6 Trường Bat Day.
“Nó lên đến lớp 6 cũng là nhờ BĐBP Việt Nam. Hồi lớp 3 khó khăn quá, đã cho nó nghỉ học. Các chú BĐBP Nhơn Hội biết chuyện, sang động viên cho nó đi học và giúp đỡ đều đặn mỗi tháng 500.000 đồng để mua sách vở, quần áo, gạo muối đi học. Thi thoảng, các chú sang thăm, mua tặng từ bột giặt đến nước tương”, bà Men Vi kể và xúc động: “Hơn 40 năm trước, bộ đội Việt Nam cứu tôi thoát chết khỏi tay PolPot. Giờ bộ đội Việt Nam lại giúp con tôi khỏi mù chữ, được đi học nên người. Ơn này chúng tôi mãi mãi không quên”.
 
Đại úy Nguyễn Đình Phương, Chính trị viên phó Đồn BP Nhơn Hội, trao tiền hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ cho bà Men Vi và con trai Sau Ly Hua
Ấm tình Kà Tum
15 tuổi, nhưng Yông Ty (ở phum Boeng Chroung, xã Choam, H.Memot, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia) nhỏ thó, ngơ ngác trong căn nhà làm bằng những thân tre đập dập, mái trống hoác. Hoàn cảnh của Yông Ty tội nhất phum: vừa ra đời 6 tháng thì mẹ mất đột ngột vì bệnh hiểm nghèo; vài năm sau bố cũng bỏ đi, để lại cậu bé cho bà nội Soc So (81 tuổi) nuôi nấng.
Nghèo kiệt quệ, bà nội Soc So gắng gượng nuôi cháu bằng những thân rau dại mọc ngoài đồng mà bà hái hằng ngày đổi gạo. Mỗi ngày chỉ nấu 1 lon gạo vào buổi sáng để ăn cả ngày và nước đun sôi làm canh, muối trắng làm thức ăn. Những ngày mưa gió không thể ra ngoài, hai bà cháu sống bằng bát cơm hàng xóm san sẻ. Trong căn nhà xiêu vẹo, thứ duy nhất được gọi là tài sản là chiếc giường ọp ẹp. Anh Mot Noeu, Chủ tịch xã Choam, chỉ căn nhà gọn gàng, bảo: “Yông Ty rất chăm chỉ, đi học về là dọn dẹp, nấu nướng, không bao giờ để bà phải nhắc” rồi xúc động: “Cũng nhờ có BĐBP Kà Tum nên bà cháu mới có gạo muối đều đặn”.
Kể chuyện cậu bé Yông Ty, phải nhắc đến thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tròn (Đồn biên phòng Kà Tum, H.Tân Châu, Tây Ninh) - người thường được anh em bộ đội gọi là “người vận chuyển” bởi hằng tháng anh đều xin phép sang thăm bà cháu cậu bé ít nhất 1 lần, chuyến nào cũng lễ mễ hàng quà của mọi người gửi. Cứ trước mỗi năm học mới, anh Tròn rủ rỉ kể chuyện Yông Ty với anh em bạn bè và xin từ bộ quần áo, cuốn vở cây bút, cho đến gạo muối, thức ăn khô và gom góp tiền học phí cho cậu bé đi học.
“Quần áo, sách vở nhiều thì chia thêm cho bọn trẻ lân cận”, thiếu tá Tròn chia sẻ: “Bạn bè anh em quen, khi biết chuyện đều tự nguyện góp mỗi tháng chút gạo muối, thực phẩm, quần áo cho bọn trẻ bên ấy. Riêng Yông Ty còn được đồn Kà Tum nhận đỡ đầu, mỗi tháng bộ đội quyên góp 500.000 đồng cho cháu có khoản ăn học đều đặn hết lớp 12. Bọn trẻ khác quốc tịch, nhưng cũng như con mình ở nhà”.
Giúp bạn không nề hà
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh BĐBP, thường được anh em gọi là “bậc thầy đối ngoại”. Xuất thân từ Phòng Đối ngoại BĐBP chuyên trách tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, về công tác tại BĐBP tỉnh An Giang với chức danh phó chỉ huy trưởng rồi chuyển sang làm Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, ông thông thuộc từng đường biên, mốc giới và luôn kịp thời giải quyết mọi sự vụ. Những dịp lễ tết của bạn, ông xuống TP.HCM huy động các cá nhân, doanh nghiệp giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng giáp biên phía Campuchia.
Cũng từ sự gần gũi gắn bó này, khi là Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, ông đã mạnh dạn đề xuất và được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý tổ chức chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia” giữa BĐBP Tây Ninh với Tiểu khu Quân sự và Ty Công an Svay Rieng từ 28 - 29.12.2016 tại Tây Ninh. Chương trình lần đầu tiên được tổ chức đã thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước; đẩy mạnh quan hệ phối hợp quản lý bảo vệ biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... “Muốn có hòa bình, phải giữ được bình yên và hữu nghị truyền thống giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới”, thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương chia sẻ.
Không để các thế lực lợi dụng phá hoại quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Chiều 27.8, tại An Giang, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đoàn Campuchia tham dự chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2019 trong hai ngày 27 - 28.8. Trao đổi về quan hệ phối hợp công tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị phía Bộ Quốc phòng Campuchia phối hợp chặt chẽ, cùng nhau ngăn chặn, giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng Hiệp định về quy chế biên giới, Thỏa thuận của Chính phủ hai nước trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, xuyên tạc, vu cáo, phá hoại quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia...

Tham dự Chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia (cấp bộ tư lệnh) năm nay phía Việt Nam gồm thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan trực thuộc; Ủy ban Biên giới (Bộ Ngoại giao); thường trực Tỉnh ủy, UBND 9 tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia... Đại biểu Campuchia gồm đại diện Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Hiến binh (Quân đội Hoàng gia), Cục Biên giới (Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia), Tổng cục Công an quốc gia, Tổng cục Di trú (Bộ Nội vụ) và lãnh đạo chính quyền, tiểu khu quân sự, ty công an, bộ chỉ huy hiến binh cùng các đơn vị biên phòng, cảnh sát bảo vệ biên giới của hai tỉnh Takeo, Kandan.

Trong khuôn khổ chương trình, các hoạt động trước giao lưu gồm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân khu vực biên giới tỉnh An Giang (Việt Nam) và 2 tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia); trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho học sinh hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập xuất sắc ở An Giang, Takeo, Kandal; tặng 60 con bò giống cho người dân An Giang, Takeo, Kandal... Các hoạt động tổ chức trong giao lưu gồm Hội nghị bàn tròn giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với 5 đoàn Campuchia; lễ chào cột mốc chủ quyền và tổ chức tuần tra song phương tại cột mốc đại 275 (Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang); khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia; diễn tập liên hợp đấu tranh, truy bắt tội phạm ma túy...

Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.