Miền đất bao dung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ là những người dân quê từ khắp mọi miền đất nước. Người nọ chỉ người kia, người đi trước rủ người đi sau, họ lần lượt vào TP HCM, hình thành nên xóm trọ cùng làm một công việc nào đó.
 
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xóm bắp 
Nằm trong một con hẻm cụt trên đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM là xóm trọ nhỏ luôn sực nức mùi bắp xào, khoai nướng. Chiều chiều, khoảng 20 chiếc xe đẩy từ đây túa ra, rong ruổi khắp các con đường, góc phố để bán những món ăn dân dã - ngoài bắp xào chủ lực còn có khoai nướng, trứng luộc…
"Xóm có hơn chục nhà, sống tập trung thành dãy. Mỗi phòng trọ chừng 15 m2 là mái ấm của những gia đình tha hương" - ông Trọng ở xóm bắp cho biết. Xóm trọ cũng có vài phòng chỉ một người lầm lũi, không chồng, không vợ, hằng ngày mải miết bán buôn với hy vọng kiếm được ít tiền gửi về quê nhà.
Phần lớn dân xóm bắp là người từ Hà Tây (Hà Nội), Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… vào.
 
Cư dân xóm bắp rong ruổi mưu sinh. Ảnh: NGỌC HÂN
Buổi trưa, xóm bắp gần như tách biệt với những ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành. Những chiếc xe đẩy im lìm nghỉ ngơi dọc lối đi, bếp than đã tàn lửa, xoong nồi vừa rửa úp ngược còn nhỏ nước long tong. Vài người đàn ông cởi trần cặm cụi lột vỏ bắp rồi lẩy hạt ra. Vài phụ nữ chốc chốc ra trước phòng trở khay bắp đang phơi…
Anh Nguyễn Hữu Thìn, quê Hà Tây (cũ), cho biết trước đây anh sống cùng mẹ và vợ ở khu này, mỗi người một xe bắp đi bán đêm. Đến đầu năm 2013, tin đồn "bắp luộc bằng pin" rộ lên nên nhiều người tẩy chay, không ăn nữa. Cả nhà anh lầm lũi kéo về quê. Sau một thời gian chật vật bên mấy sào ruộng, vợ chồng anh quyết định quay lại xóm bắp.
"Mình làm ăn lương thiện, luộc nồi to bằng than, bắp ủ trong rổ bọc kín bao lại để giữ nhiệt nhưng người ta lại nói mình ủ pin. Sau khi biết chúng tôi bị oan, nhiều người kéo đến mua ủng hộ với chiến dịch "giải cứu bắp". Thế là bà con tiếp tục nối nghề" - anh Thìn nhớ lại.
Chị Võ Thị Tám, quê Hà Giang, đã 13 năm vào trọ ở xóm bắp. "Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Ở quê nhà thì không làm gì cho thu nhập được như vậy" - chị bảo.
Ẩn sau những chiếc xe đẩy cũ kỹ là cả bầu trời ước mơ giản dị của người dân quê xóm bắp. Ông Phạm Văn Bình, quê Bắc Giang, tâm sự: "Làm ăn ở quê thất bại, nghe lời người quen, vợ chồng tôi vào TP HCM bán bắp xào. Không bao lâu, vợ tôi bỏ đi vì chê cảnh nghèo khó. Một mình tôi nuôi 2 con ăn học, nay con gái lớn đã vào đại học năm nhất. Tôi chỉ mong sao sau này, các con mình có nghề nghiệp ổn định".
"Dân 77"
Góc đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP HCM cóhơn 20 gánh hàng rong chuyên bán đồ ăn vặt, bánh tráng trộn. Những gánh hàng giống hệt nhau, từ món ăn cho đến cách bài trí. Đólà"lãnh địa" của những người đàn bà"dân 77" từ Bình Định vào.
Ởđây không cócảnh kèo nài. Những phụ nữ đứng tuổi đon đả mời chào khách bằng chất giọng nhà quê đặc sệt. Hôm nào cũng vậy, họ kiên nhẫn đợi khách từ 9 giờ sáng đến tận 0 giờ khuya, rồi kéo nhau về ngủ ở khu trọ cạnh chân cầu Ông Lãnh (quận 4).
 
Góc phố hàng rong của "dân 77". Ảnh: Ý LINH
Khi chúng tôi gọi món bánh tráng trộn, bà Hường xởi lởi: "Ở đây có phần 10.000 đồng và phần 15.000 đồng, muốn ăn nhiều thì cô thêm bánh, không tính tiền". Rồi bà vớ cái thau, hai tay trộn thoăn thắt. Những bịch bánh tráng trộn hấp dẫn, ngon lành được cột gọn ghẽ nhanh chóng trao cho khách. Khách hàng chủyếu mua mang đi, ít ai lê la vỉa hè bởi những gánh hàng của "dân 77" đều không có bàn ghế.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, bà Hường chỉ được học đến lớp 3 rồi lập gia đình khi vừa 20 tuổi. Sau khi sinh 2 con, bà vào TP HCM lập nghiệp. Ban đầu loay hoay tìm đủ thứ việc và luôn lo lắng "nửa chữ bẻ đôi không biết, làm sao sống ở vùng đất sôi động thế này?" nhưng rồi bà cũng dần bám trụ được. Bà tập tành làm bánh tráng trộn, chế biến món ăn vặt khiến bao người trẻmê tít.
Với những đôi quang gánh chất đầy bánh tráng, thay vì rong ruổi khắp nơi, "dân 77" chọn góc đường cố định ngồi bán ngày này qua tháng nọ. "Cày cục cả ngày cũng kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Nghề này không giàu được nhưng đủnuôi sống bản thân và chắt chiu, tích cóp mỗi tháng vài triệu đồng gửi về gia đình. Vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn đỡcơ cực hơn việc cày cuốc ở quê nhà" - một phụ nữ bày tỏ.
Cưu mang
Vừa bước vào một căn nhà trong xóm trọ chật chội ở con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP HCM, chúng tôi đã thấy hơn 10 người xúm xít xếp từng tờ vé số chuẩn bị đi bán. Căn nhà cũ kỹ này có đến 40 người thuê trọ. Ai già yếu hay đau chân thì ở tầng trệt, người trẻ khỏe hơn lên tầng 2 và căn gác nhỏ.
Nhà này cũng là đại lý vé số của ông Lương Vĩnh An, quê Phú Yên. Thuở đầu, ông vào TP HCM làm thợ hồ, sau chuyển sang bán vé số vì tuổi cao, sức yếu. Một lần về quê, thấy bà con chòm xóm sau mùa lúa nhọc nhằn chẳng dư dả gì lại không có việc làm, ông rủ họ cùng vào TP HCM.
Tìm chỗ trọ là căn nhà nêu trên, ông An gọi hơn 10 người vào ở. Người này rủ người khác, dần dần nhà trọ đông đến mức tối đến, ông A ngủ thì bà B phải đi bán vé số để nhường chỗ. Xung quanh nhà này còn có khoảng 10 chỗ trọ với gần 100 người "xứ nẫu" thuê ở bán vé số, phần đông là già cả, tàn tật.
 
Những người "xứ nẫu" chuẩn bị đi bán vé số. Ảnh: LÊ PHONG
Đang trò chuyện với chúng tôi, nghe trên tầng 2 có tiếng khóc văng vẳng, ông An vội chạy lên. Một cụ ông đang sụt sùi với xấp vé số trên tay. "Lại bị tụi xấu tráo vé số cũ phải không? Để đó chút tui tính, cụ xuống bếp ăn cơm đi" - ông An động viên.
"Chút tui tính" của ông An khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Ông đến từng người xung quanh, rút một tờ từ xấp vé số trên tay mỗi người và ai cũng tỏ vẻ đồng tình. Sau khi gom được hơn 10 tờ vé số, ông trao cho cụ già - khi đó mắt vẫn còn rơm rớm. Quay sang chúng tôi, ông An giải thích: "Bà con ở đây cưu mang nhau vậy đó".
Người bán vé số vào đây ăn ở, ông An chỉ thu tượng trưng 5.000 đồng/ người/ ngày. "Ban đầu, tôi miễn phí nhưng sau đó không kham nổi vì mỗi tờ vé số họ lấy bán, tôi chỉ lời 200 đồng. Bà con ở đây cũng nhất quyết đóng góp ít nhiều để phụ tiền cơm, điện, nước và để cảm thấy ăn ở thoải mái hơn" - ông cho biết.
Trong cuốn sổ ở góc nhà, tôi đọc được những dòng ghi chép: "Ông Hòa đưa bà Chín 4 triệu đồng lo cho con gái bị tai nạn ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Sáu Còi mượn ông Kiệt 2 triệu đồng gởi về quê trả tiền phân, tiền giống…". Ông An bày tỏ: "Cuốn sổ này tui ghi lại để bà con nhớ lúc khó khăn ai giúp ai, sau này về quê đáp nghĩa. Ở quê giúp nhau đã quý, khi tha phương kiếm sống mà hỗ trợ nhau thì càng đáng trân trọng hơn".
Phong Hân-Linh My (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.