"Nóng" cuộc chiến bảo vệ rừng Sơ Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cánh rừng ở xã Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai) đang ngày đêm bị lâm tặc “xẻ thịt”. Tuy nhiên, đơn vị chủ rừng, chính quyền và ngành chức năng địa phương vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này.
 Lâm tặc lộng hành
Đầu tháng 12, theo chân anh N.-một người dân địa phương, chúng tôi có chuyến đi sâu vào rừng Sơ Pai. Ở giữa rừng, chúng tôi phát hiện một con đường đất khá lớn, rộng hơn 2 m, trên nền đất vẫn in hằn vết bánh xe đầu kéo. Hai bên đường, những cây rừng nhỏ và cây bụi bị phát dọn sạch sẽ để mở lối cho xe đi. Anh N. cho hay, nếu người dân đi hái xoay, lấy mật ong hay lấy nấm thì chỉ đi xe máy trên con đường mòn, còn đường lớn này là do lâm tặc mở để đưa xe đầu kéo vào rừng chở gỗ. Từ đường Trường Sơn Đông, chỉ mất vài chục phút đi bộ giữa cơn mưa rừng rả rích, chúng tôi đã phát hiện ra những gốc gỗ xoay nằm trơ trụi.  Xung quanh gốc cây, vết dầu nhớt dùng cho cưa lốc vẫn còn vương vãi; những tấm bìa gỗ và ngọn cây nằm ngổn ngang. Chỉ tay vào một gốc xoay có đường kính khoảng 1 m, anh N. cho biết, cây xoay này có chiều cao hơn 20 m. Với đường kính cây khoảng 1 m, ước tính, lâm tặc đã lấy đi hơn 10 m3 gỗ xẻ.
Trong quá trình xâm nhập vào “điểm nóng” phá rừng Sơ Pai, chúng tôi rất bất ngờ vì nhiều cây gỗ lớn có giá trị cao mọc ngay bên lề đường, thậm chí ở rất gần trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai (gọi tắt là Công ty) cũng bị lâm tặc đốn hạ. Cụ thể, tại Km 280 đường Trường Sơn Đông có một chốt bảo vệ rừng của Công ty nằm ngay ngã ba đường liên xã đi xã Đak Smar và xã Krong. Từ chốt bảo vệ rừng này, chúng tôi đi theo con đường liên xã chỉ gần 300 m đã phát hiện ra một con đường có dấu vết của xe đầu kéo. Lần theo dấu vết này chừng 50 m, chúng tôi thấy một gốc cây gội nếp vừa bị chặt hạ. Gốc cây này có đường kính khoảng 0,8 m, xung quanh ngổn ngang nhiều bìa gỗ. Lật lớp cành cây còn vương lá, chúng tôi phát hiện một hộp gỗ đã được xẻ kích thước 60 x 20 cm, dài 2 m mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển. Ở phần gốc, lâm tặc đã dùng một số bìa gỗ cùng lốp xe đốt xóa dấu vết để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Cách vị trí này không xa, chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 gốc lim xẹt-loại gỗ quý thuộc nhóm II có đường kính 0,6-0,8 m bị đốn hạ.
Một cây lớn bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc. Ảnh: V.N
Một cây lớn bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc. Ảnh: V.N
Tiếp tục hành trình đến Km 275 đường Trường Sơn Đông, chỉ tiến vào khoảng 30 m, chúng tôi lại phát hiện 2 gốc cây gội nếp bị chặt hạ. 2 cây gỗ này nằm giữa khu vực rẫy cà phê mà người dân lấn chiếm đất của Công ty để canh tác. Giữa khoảng trống rộng lớn, đứng tại đường Trường Sơn Đông có thể quan sát rất rõ vị trí các cây gỗ cao lớn này. Thế nhưng, lâm tặc vẫn đốn hạ và vận chuyển số lâm sản này đi mà không bị phát hiện, ngăn chặn. Trong số này, một cây gội có đường kính khoảng 1,2 m, khối lượng gỗ đã bị lấy đi ước tính hơn 15 m3. Có cây mới chỉ bị cưa gục, trên mặt gốc, nhựa ứa ra trắng đục vẫn còn dính tay. Tại khu vực Km 270 và Km 269 đường Trường Sơn Đông đi vào bên trong rừng chừng 300 m, gần trạm bảo vệ rừng buôn Lưới của Công ty, rừng cũng đang bị rút ruột. Thậm chí, khoảng 15 giờ  ngày 11-12, khi chúng tôi đứng gần một gốc cây vừa bị lâm tặc cưa hạ nhưng chưa kịp “xẻ thịt” thì xung quanh vẫn vang rền tiếng cưa lốc.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty-cho biết: “Chúng tôi không hề tiếp tay cho lâm tặc, nhưng đúng là không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ giữ rừng một cách triệt để. Lâm tặc hiện giờ rất đông, lại manh động. Việc nhân viên giữ rừng bị đe dọa xảy ra như cơm bữa, thậm chí là bị hành hung. Lâm tặc thường lợi dụng lúc đêm hôm, mưa gió và tận dụng các con đường giao thông thuận lợi để vận chuyển gỗ. Bởi thế, nhiều khi, lâm tặc chỉ cần 15 phút là đã cưa xong cây và vận chuyển gỗ đi nơi khác. Khi lực lượng bảo vệ rừng có mặt thì cây chỉ còn trơ gốc”.
Một thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ được Công ty TNHH một thành viên Lâm nhiệp Sơ Pai phát hiện đưa về trụ sở. Ảnh: V.N
Một thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ được Công ty TNHH một thành viên Lâm nhiệp Sơ Pai phát hiện đưa về trụ sở. Ảnh: V.N
Cũng theo ông Hợi, 3 nhân viên bảo vệ rừng của Công ty chuẩn bị phải hầu tòa vì để mất rừng. Đây được xem là một vụ án điểm thể hiện quyết tâm giữ rừng của các ngành chức năng huyện Kbang. Theo đó, 3 nhân viên trên gồm: Nguyễn Hiếu Dũng (SN 1986), Đinh Huỳnh Vương Lạc (SN 1976, cùng trú tại xã Sơ Pai) và Lê Tiến Hưng (SN 1988, trú tại thị trấn Kbang) bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.    
Trước đó, các nhân viên này được giao quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn dọc trục đường Trường Sơn Đông từ nhà ở phân trường I đến giáp lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng. Trong khoảng thời gian từ ngày 2-5 đến 13-9-2017, các nhân viên này đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ rừng để lâm tặc vào rừng khai thác trái phép 33 cây gỗ tại lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 60 với tổng khối lượng hơn 47,7 m3, trị giá quy thành tiền hơn 138 triệu đồng. Trong số này, các nhân viên chỉ phát hiện được 7 cây bị chặt phá nhưng không báo cáo cho lãnh đạo Công ty. Đến ngày 13-9-2017, khi đoàn liên ngành của huyện đi kiểm tra khu vực trên thì mới phát hiện có 32 cây gỗ dổi thuộc nhóm III và 1 cây gỗ giẻ đỏ thuộc nhóm V bị chặt hạ.
Vụ phá rừng này trước đó cũng đã được Công an huyện Kbang khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Tuy nhiên, đến ngày 12-6-2018, khi đã hết hạn điều tra mà chưa chứng minh được người thực hiện hành vi khai thác gỗ nên Công an huyện đã tạm đình chỉ điều tra vụ án. Cũng liên quan đến việc để xảy ra tình trạng phá rừng, 2 lãnh đạo của Công ty đã bị cách chức vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Hà-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-cho biết, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 192 vụ; năm 2018 giảm còn 120 vụ với tổng số lâm sản bị tạm giữ và thiệt hại là 361,26 m3. Tuy vậy, ông Hà cũng thừa nhận, tình trạng đưa phương tiện độ chế, cưa xăng vào rừng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn không giảm so với năm trước. Ông Hà chỉ ra nguyên nhân rằng một số đơn vị chủ rừng có biểu hiện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm. Thậm chí, có trường hợp còn tiếp tay, thông đồng với lâm tặc.
Bài toán nan giải
Ông Nguyễn Văn Hợi cho biết, Công ty hiện có 9 chốt bảo vệ rừng trên diện tích 7.600 ha rừng tự nhiên nhưng chỉ có 15 nhân viên. Các chốt này thực tế chỉ là nơi ăn ở của nhân viên bảo vệ rừng chứ không có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện qua lại. Bên cạnh đó, vì nhân lực ít nên chốt không có người trực 24/24 giờ mà phải thường xuyên đi tuần tra trong rừng. “Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chỉ được hưởng chế độ thấp mà công việc đối mặt với rất nhiều áp lực. Cũng đã có nhiều người bị kỷ luật, cách chức, cho thôi việc, thậm chí là đổ máu và phải đi tù nữa. Có lẽ cần phải có một cơ chế đặc thù để bổ sung nhân lực, chế độ, quyền hạn cho nhân viên bảo vệ rừng và sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan hữu quan”-ông Hợi nói.
Theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai, trong năm 2018, đơn vị này đã phát hiện 5 vụ khai thác gỗ trái phép trên lâm phần của mình với tổng khối lượng 47,2 m3. Trong đó, 1 vụ có khối lượng hơn 22,5 m3; 1 vụ khối lượng hơn 21,6 m3; 3 vụ có khối lượng hơn 3 m3. Bên cạnh đó, đơn vị này phát hiện 6 vụ vận chuyển gỗ trái phép với tổng khối lượng hơn 9,8 m3; 6 vụ cất giữ gỗ trái phép với khối lượng hơn 30,9 m3. Trong khi đó, UBND xã Sơn Lang cho biết, từ đầu năm 2018, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan hữu quan phát hiện, bắt giữ 31 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tạm giữ hơn 90 m3 gỗ các loại cùng 2 xe Uoát, 1 xe ô tô 7 chỗ, 48 xe máy độ chế và 9 cưa xăng.

Về phần chính quyền địa phương, ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho rằng, xã Sơ Pai có hệ thống giao thông thuận lợi khi nằm trên trục chính đường Trường Sơn Đông, giáp ranh với nhiều địa bàn như thị trấn Kbang, xã Sơn Lang… nên công tác tuần tra, truy quét lâm tặc gặp khá nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân xã cũng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tham gia phối hợp với đơn vị chủ rừng và các đoàn liên ngành của huyện nhưng kinh phí được cấp cho lực lượng này quá thấp. Ông Tuyển cho hay, lực lượng dân quân, Công an xã chỉ được cấp 7 triệu đồng/năm nên chỉ đủ tiền… xăng xe. “Xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con không được phá rừng mà phải nhận khoán rừng để bảo vệ. Tuy nhiên, người nhận khoán khó sống được với rừng vì kinh phí chi trả thấp nên tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn vẫn còn rất nan giải”-ông Tuyển cho hay. 
Ông Trương Thanh Hà đề xuất: “Ủy ban nhân dân các xã, các chủ rừng phải tăng cường các biện pháp quyết liệt trong công tác tuần tra, truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng tận gốc. Đồng thời, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho lâm tặc để xảy ra phá rừng. Các chủ rừng cũng cần xem xét thay đổi đối tượng giao khoán rừng để nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng giao khoán cho nhóm hộ có đủ năng lực, kết hợp ràng buộc hợp đồng giao khoán chặt chẽ đi kèm chế tài khi rừng bị phá. Bên cạnh đó, đề nghị Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã phân công một số cán bộ xã, công an xã, dân quân… tham gia vào các nhóm hộ nhận khoán”.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.