Kbang: Tìm hướng đi mới cho thổ cẩm truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” được Hội đồng Anh tài trợ, chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và cộng sự đang nỗ lực lưu giữ nét đẹp của thổ cẩm truyền thống, đồng thời phát triển sản phẩm hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho đồng bào Bahnar tại địa phương. 
Lưu giữ vẻ đẹp thổ cẩm
Cuối năm 2021, chị Trần Thị Bích Ngọc đã đề xuất ý tưởng thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Và dự án do chị làm chủ nhiệm đã trở thành 1 trong 4 đề tài của Gia Lai được Hội đồng Anh chấp thuận tài trợ. Chị Ngọc cho biết, với 19 thành viên, dự án triển khai thực hiện 3 hoạt động chính là tư liệu hóa quy trình dệt thổ cẩm truyền thống để xây dựng giáo trình; tổ chức truyền dạy dệt thổ cẩm; phát triển sản phẩm mới dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống. Hướng đi của nhóm thực hiện dự án là dựa vào những mẫu hoa văn dệt thổ cẩm để thiết kế thành những trang phục mới tinh gọn hơn, có tính ứng dụng cao hơn nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống cốt lõi của trang phục thổ cẩm truyền thống.
Từ đầu năm đến nay, nhà rông làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) là nơi chị em phụ nữ thường xuyên lui tới để tham gia lớp truyền dạy dệt thổ cẩm. Lớp học được tổ chức một cách hệ thống, bài bản với những bài học “vỡ lòng” từ trồng bông đến kéo sợi, nhuộm màu sợi chỉ, căng khung và thực hành dệt thổ cẩm.
Chị Trần Thị Bích Ngọc (bìa phải) và các thành viên trong nhóm thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Ảnh: Hà Duyệt
Chị Trần Thị Bích Ngọc (bìa phải) và các thành viên trong nhóm thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng”. Ảnh: Hà Duyệt
Dưới sự dẫn dắt của 2 nghệ nhân Đinh Thị Hiền và Đinh Thị Lăm, lớp học tập trung phát triển những dải hoa văn truyền thống để làm nên sản phẩm mới có tính ứng dụng cao. Chị Đinh Thị Lách (làng Kgiang) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết một chút về dệt thổ cẩm. Từ khi triển khai dự án và được chị Hiền, chị Lăm hướng dẫn tận tình, tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật dệt đẹp hơn. Đặc biệt, việc dệt những dải họa tiết nhỏ là điều mới mẻ, hấp dẫn”.
Còn nghệ nhân Đinh Thị Hiền thì bày tỏ: “Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi cố gắng hướng dẫn chị em luyện tập dệt vải, truyền lại những kỹ thuật cơ bản nhất để họ thấy rằng thổ cẩm Bahnar đẹp đến thế nào. Bên cạnh những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, chúng tôi hướng dẫn chị em dệt những sản phẩm mới bằng sợi công nghiệp với họa tiết của thổ cẩm Bahnar nhằm phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch, qua đó giúp người dân có thêm nguồn thu nhập”.
Hướng đi mới cho thổ cẩm Bahnar
Sau 5 tháng triển khai, Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” đã hoàn thành và bước đầu mang lại nhiều hy vọng cho đồng bào Bahnar tại địa phương với nghề dệt truyền thống. Giáo trình “Dệt thổ cẩm Bahnar” ra mắt gồm 23 bài học cơ bản là sản phẩm đầu tiên của dự án. Qua giáo trình này và sự truyền dạy của 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm dày dạn kinh nghiệm, làng Kgiang đã có thêm 15 phụ nữ Bahnar cơ bản thành thạo quy trình dệt thổ cẩm truyền thống. Trước mắt, nhóm thực hiện dự án đã giới thiệu 15 mẫu váy và 2 mẫu áo dài cách tân dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống với mức giá chỉ 300-400 ngàn đồng/bộ. Cùng với đó là một số phụ kiện thời trang như: dải cột tóc, dây đeo tay thổ cẩm… có hình thức bắt mắt.
Là thành viên tham gia thực hiện dự án và chủ biên giáo trình “Dệt thổ cẩm Bahnar”, Tiến sĩ Vũ Huyền Trang-giảng viên chuyên ngành Thiết kế-Thời trang (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: Thiết kế mới sử dụng chất liệu co giãn thoải mái, phù hợp với hoạt động hàng ngày nhưng vẫn giữ nguyên phom dáng truyền thống và vẻ đẹp của các mảng dệt thổ cẩm. Điều này cũng nhằm giúp sản phẩm dễ dàng cạnh tranh hơn khi đưa ra thị trường. “Với các bà, các mẹ, mình giữ nguyên tính truyền thống đó là màu đen của nền. Đối với các chị em muốn tạo ra cái mới, mình đưa các phương án là màu xanh chàm, đỏ, vàng đất để chị em lựa chọn. Mình cũng đã cách tân áo dài của người Kinh và đưa những dải họa tiết thổ cẩm của người Bahnar vào làm điểm nhấn, đây là sản phẩm đã có sự giao thoa văn hóa với trang phục của người Kinh. Mong muốn của nhóm thực hiện dự án là các bộ trang phục này có thể lan tỏa đến tất cả phụ nữ Bahnar”-Tiến sĩ Trang kỳ vọng.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Cố vấn các dự án tại Gia Lai của Hội đồng Anh-cho rằng: Dự án này đã tiến hành được song song hai việc là nghề dệt truyền thống của người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng đã được bảo tồn, đồng thời nâng sản phẩm này lên, đưa nó trở thành trang phục mà đồng bào có thể mặc hàng ngày chứ không còn phụ thuộc vào những lễ hội nữa. “Bằng việc kết hợp các dải hoa văn truyền thống với chất liệu vải thông thường có ngoài thị trường đã giúp giá thành sản phẩm hạ xuống, chỉ bằng 1/4 giá trị của thổ cẩm truyền thống”-Tiến sĩ Vân nói.
Giữa đời sống hiện đại có sự du nhập của nhiều nền văn hóa, việc làm mới những sản phẩm truyền thống có thể coi là một bước chuyển mình cho phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để bước chuyển đó phát huy hiệu quả dài lâu và trở thành sinh kế mang lại giá trị thiết thực thì không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo của nhóm thực hiện dự án mà cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của ngành Văn hóa và nỗ lực của chính đồng bào Bahnar trong gìn giữ vẻ đẹp truyền thống thổ cẩm của dân tộc mình. Chị Trần Thị Bích Ngọc-cho biết: “Chúng tôi dự định thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm; thông qua đó sẽ phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới có ứng dụng hoa văn, họa tiết của người Bahnar như: trang phục cho nam giới, trang phục cho trẻ em, túi xách, vòng đeo tay… có chất lượng; quảng bá các sản phẩm và tìm đầu ra cho các sản phẩm. Hy vọng đây sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Kbang, đem lại giá trị kinh tế cho đồng bào Bahnar và tạo động lực để tiếp tục bảo tồn nghề dệt thổ cẩm”.
HÀ DUYỆT

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.