Chiếc khố của đồng bào Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tấm khố, chiếc váy gắn với tập quán ăn mặc của nhiều tộc người, trong đó có các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Khố thường chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên, trong một số tư liệu, hình ảnh lại có cả một số phụ nữ mặc loại trang phục này. 
Chiếc khố là một phần quan trọng trong tập quán ăn mặc của các dân tộc miền núi vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Người M’Nông có câu: “Hạt cơm không còn vào ruột/Giọt nước không còn vào bụng/Chiếc khố không còn dính lưng/Lời nói không còn phát ra” (Ý nói: không có cơm, không có nước, không có khố và không còn lời nói con người không sống được). Lúc đầu, chiếc khố được làm bằng sợi vỏ cây, thô ráp, không màu mè, cốt để che nửa phần dưới của cơ thể, sau này mới được chải chuốt, thêm thắt bởi sợi bông, chỉ màu để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn. Mỗi dân tộc thường có 3 loại khố: khố trắng, khố đen, khố hoa. Khố hoa dệt bằng chỉ màu, hạt cườm, chú trọng trang trí ở 2 đuôi khố với nhiều hoa văn đẹp. Loại khố này thường dài từ 5 đến 7 vòng lưng. Ở các đuôi khố có đính nhiều chiếc lục lạc to nhỏ. Khi di chuyển, hai đuôi khố đưa qua đưa lại, làm cho những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau, tạo nên tiếng nhạc nhẹ theo bước chân. Ngày xưa, người giàu sang mới được sở hữu loại khố này. Khi đi dự lễ hội, người mang khố hoa được tôn quý.
 Đàn ông Giẻ Triêng mặc khố, đội mũ hình chim trong lễ hội ăn than. Ảnh: Tấn Vịnh
Ảnh: Tấn Vịnh
Chiếc khố có giá trị về mặt vật chất. Người ta dệt khố để đổi lấy những vật ngang giá khác. Dân tộc M’Nông có câu: “Một chiếc khố đủ quấn sừng trâu”, nghĩa là một chiếc khố đủ đổi con trâu. Đàn ông Ê đê, Jrai có loại khố kteh knga là loại khố hoa. Đặc biệt, chiếc khố kpin ktêh là kiểu trang phục đặc biệt của các tù trưởng ngày xưa. Loại khố này có tua ở hai đầu rủ dài quanh hông. Người sử dụng có thể quấn thêm những dải khăn, vải quý. Ta có thể tìm được những lời tả về lối trang phục đóng khố trong sử thi Ê Đê: “Đam San tháo khố cũ, quấn khố mới, áo này chưa vào vừa lòng, chàng lấy áo khác. Chàng quấn một khố sọc rằng gập bỏ múi (kpin briung kut), mặc một áo dày nút (ao kier boh anut)”. Đồng bào Cơ Tu còn có loại khố được trang trí bằng hoa văn cườm chì, nặng hơn 1 kg. Đó là loại khố sang trọng của những gia đình giàu có trong vùng.
Gần đây, qua tư liệu hình ảnh chụp trước năm 1945, người ta thấy khá nhiều phụ nữ ở Tây Nguyên cũng đóng khố. Họ đặt câu hỏi vì sao có kiểu ăn vận này? Có phải trước kia, khi các bà, các chị chưa đủ vải để làm váy thì tạm đóng khố? Hay trước kia, các bà, các chị cũng bình quyền với đàn ông trong dùng đồ mặc dưới, nữ giới có thể thích váy hay khố đều được? Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên thì đúng là có hiện tượng này, nhất là ở tộc người M’Nông, Xtiêng... Trong công trình “Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Đức Thịnh đã viết: “Ngày nay, chiếc khố chỉ còn thấy nam giới mặc, nhưng nếu căn cứ vào các di vết của khố còn lưu lại trên chiếc váy của một vài dân tộc như Xtiêng, Thái... thì có người cho rằng đã có một thời cả nam lẫn nữ đều dùng y phục này. Nếu lần theo lịch sử của chiếc váy thì khởi nguyên của nó cũng từ chiếc khố bằng lá, vỏ cây, bằng vải mảnh rồi tiến triển thành loại váy mảnh không khâu như váy của phụ nữ một số dân tộc hiện nay”. Ngày thường hoặc khi đi rẫy, đi rừng, bắt cá... họ mặc váy, quấn tấm vải như chiếc khố cho tiện lợi. Vào dịp lễ hội, họ mặc váy mới, quấn thêm tấm vải ở nửa thân trên. Tấm khố ngắn gọn còn giúp tiết kiệm vải, để dành “cái mặc” đầy đủ cho người thân, con cái trong gia đình. Loại hình choàng quấn (còn gọi là y phục không được may đo) như khố là “trang phục tối cổ” nên lúc đầu có thể chưa phân biệt rõ hai loại khố và váy. Vậy, phụ nữ Tây Nguyên ngày xưa đóng khố là việc không lạ, đúng với tập quán sử dụng trang phục, thời điểm xuất hiện, hoàn cảnh, điều kiện sinh sống của cư dân lúc đó.
Có thể khẳng định, chiếc khố là di sản thời trang làm nổi bật cái hồn cốt của một vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên. 
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.