Rộc Tưng-Gò Đá: Từ những phát hiện chấn động đến di tích quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những bí ẩn từ thẳm sâu lòng đất lần đầu được vén mở qua các cuộc khai quật khảo cổ học ở quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới. Những công bố khảo cổ trong 5 năm (2014-2019) của các nhà khoa học trong nước và quốc tế khiến các sử gia phải viết lại lịch sử loài người, đồng thời thỏa mãn phần nào khát khao của con người trong hành trình đi tìm nguồn gốc.
Thay đổi lịch sử khảo cổ học Việt Nam
Theo dấu khảo cổ học vùng đất Gia Lai và Bắc Tây Nguyên trong gần nửa thế kỷ, đối với PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử-nguyên nghiên cứu viên cao cấp (Viện Khảo cổ học Việt Nam), việc di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia không chỉ khẳng định giá trị quốc gia về lịch sử văn hóa của các di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ An Khê, mà còn nêu rõ trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc của địa phương theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa. Sự kiện này cũng đánh dấu thành tựu quan trọng trong hợp tác quốc tế nghiên cứu khảo cổ học giữa Việt Nam và Liên bang Nga 10 năm qua, đồng thời mở ra một triển vọng mới trong quy hoạch phát triển văn hóa du lịch bền vững ở An Khê trong con đường hội nhập và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho hay: Di tích Rộc Tưng-Gò Đá tại An Khê là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất từ trước tới nay, khẳng định vị trí của vùng đất An Khê, Việt Nam trong bản đồ di tích Đá cũ thế giới.
“Những phát hiện ở Rộc Tưng-Gò Đá đã kéo dài thời gian xuất hiện loài người về xa xưa trên vùng thượng du sông Ba đến 80 vạn năm, mang đến một bước ngoặt trong nhận thức lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư ở Việt Nam và vị trí của nó trong bản đồ phát triển nhân loại”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân cho biết.
Việc công nhận di tích quốc gia đối với quần thể di tích này chỉ là bước đầu để quảng bá các giá trị đặc biệt của di tích một cách rộng rãi hơn. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê-thông tin: “Viện Khảo cổ học Việt Nam đã ký kết chương trình nghiên cứu 5 năm với Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga để tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học tại khu di tích này”. Như vậy, việc tiếp tục hợp tác nghiên cứu, tìm đến tận cùng để đưa ra ánh sáng những điều huyền bí còn ẩn sâu trong lòng đất vẫn còn là một hành trình bất tận đối với các nhà khoa học.
Các hố khai quật di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được trưng bày ngoài trời, có mái che phục vụ nghiên cứu và tham quan. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các hố khai quật di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được trưng bày ngoài trời, có mái che phục vụ nghiên cứu và tham quan. Ảnh: Hoàng Ngọc
Khai thác “kho báu”
Những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất cuối cùng dần lộ diện qua những cuộc khai quật, hé mở một cách chân thực, sinh động về cuộc sống của tổ tiên chúng ta chắc chắn sẽ hấp dẫn không chỉ giới khảo cổ học mà còn với những người đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là “kho báu” để khai thác du lịch, phát triển kinh tế-xã hội bền vững trên vùng đất An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng, cái quý giá của di tích là tất cả di vật đều được tìm thấy trong địa tầng văn hóa gần như nguyên vẹn, chứ không chỉ là di vật đơn lẻ tìm thấy trên mặt đất. Nếu An Khê định hướng xây dựng công viên bảo tàng ngoài trời về di tích Đá cũ An Khê căn cứ trên mười mấy di tích liên hoàn sẽ là điểm đến hấp dẫn có một không hai, không địa phương nào có thể làm được. Đây sẽ vừa là điểm tham quan, nghiên cứu khoa học khảo cổ, nhân học, từ đó sẽ dần hình thành tuyến du lịch độc đáo, có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách tham quan.
Về định hướng của địa phương, Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: “Cùng với quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, hệ thống các di tích Đá cũ An Khê được công nhận là di tích quốc gia mang đến giá trị đặc biệt của vùng đất này. Với trầm tích văn hóa-lịch sử đó, thị xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, chúng tôi đã quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ di tích, xây dựng chương trình khảo cổ học cộng đồng để người dân hiểu, tự hào và cùng hưởng lợi, cùng bảo vệ di tích. Thực tế, thị xã đã tiến hành song song hoạt động này trong suốt quá trình thám sát, khai quật và nghiên cứu di tích như: thuê người dân tham gia cùng trong quá trình thực hiện, tổ chức tuần lễ khảo cổ, đối thoại với người dân… Các hội thảo về khảo cổ đều mời giáo viên dạy lịch sử tham gia để qua đó các thầy cô truyền đạt lại thông tin, kiến thức cho học sinh, đồng thời đưa các giá trị văn hóa khảo cổ học vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương, các khóa học ngoại khóa cho học sinh. Ngoài ra, thị xã sẽ kêu gọi xúc tiến đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, nghiên cứu, tham quan văn hóa lịch sử trên vùng di tích. Trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất của chuyên gia, thị xã tiếp tục xây dựng các nhà bảo vệ hố khai quật với mong muốn dần xây dựng công viên bảo tàng ngoài trời về Đá cũ tại vùng di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An”.
Đánh giá cao cách làm và sự nỗ lực trong bảo vệ, quảng bá giá trị của di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá của địa phương, nhưng theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, để phát huy giá trị đặc biệt của di tích, không chỉ An Khê mà tỉnh Gia Lai cần sớm có quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo đội ngũ các nhà chuyên môn đảm nhận tốt nhiệm vụ bảo tồn, bảo tàng, văn hóa du lịch địa phương.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.