Vững chãi mái nhà rông truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu nay, nhà rông là biểu tượng cố kết cộng đồng người Bahnar. Lừng lững giữa các buôn làng ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), nhiều ngôi nhà rông hiên ngang vững chãi đã trở thành điểm tựa của dân làng suốt nhiều thập kỷ qua.
“Trái tim” của làng
Về huyện Kông Chro, điều thu hút tôi nhất là những mái nhà rông truyền thống với dáng vẻ, kiến trúc đặc trưng khó có thể nhầm lẫn của người Bahnar. Theo đường Trường Sơn Đông, rẽ vào thị trấn Kông Chro chừng 1 km đã thấy ngôi nhà rông của tổ dân phố Plei Hle Ktu thấp thoáng sau bóng xoài xanh mướt. Ngôi nhà có chiều dài gần 30 m làm hoàn toàn bằng gỗ, 4 hướng đều có cửa ra vào. Vách nhà thưng bằng các tấm tre đan đều tăm tắp. Cột trụ, ván lót sàn lên màu đen bóng. Xung quanh và bên trong nhà rông là các bức tượng gỗ dân gian với chim đại bàng, rùa, tắc kè, con người với các sinh hoạt thường ngày... Vẻ cũ kỹ của từng chi tiết càng khiến cho ngôi nhà rông thêm phần cổ kính, uy nghiêm.
Ông Đinh Văn Drem kể: “Nhà rông dựng lâu lắm rồi, không nhớ rõ năm nào, nhưng khi ấy tôi còn thanh niên, vẫn còn sức để cùng mọi người làm nhà, đẽo, tạc tượng trang trí. Mái tôn này mới được sửa gần đây thôi, vì không còn cỏ tranh nữa. Hoạt động hay lễ cúng gì của làng cũng đều diễn ra ở nhà rông. Tối tối, đám thanh niên thỉnh thoảng vẫn đến đốt lửa ngủ lại”.
 Già Drem trầm ngâm bên những bức khắc trong nhà rông từ xa xưa. Ảnh: Phương Linh
Già Drem trầm ngâm bên những bức khắc trong nhà rông từ xa xưa. Ảnh: Phương Linh
Dù đều là sản phẩm của người Bahnar nhưng ở mỗi vùng nhà rông lại có kiến trúc và kiểu bài trí khác nhau. Phần lớn nhà rông ở Kông Chro không cao lớn sừng sững như nhà rông của người Bahnar ở các huyện: Chư Păh, Đak Đoa hay Mang Yang. Nhà rông làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang) dù thấp nhỏ song lại đặc biệt gây ấn tượng bởi hoa văn được trang trí trên các bức vách theo kiểu truyền thống. Để phân biệt với các ngôi nhà khác trong làng, những người thợ khéo tay đã tỉ mỉ chuốt từng nan tre đều tăm tắp và đan thành từng tấm vách dài với những đường nét sắc sảo. Những lớp hoa văn màu đỏ trên nền trắng càng nổi bật. Nhìn từ xa, nhà rông làng Đak Hway như tựa lưng vào núi rừng xanh thẳm, kề bên dòng sông Hway róc rách trông thật duyên dáng, đẹp tựa tranh vẽ.
Những bức tượng gỗ trang trí xung quanh nhà rông thôn Plei Hle Ktu vẫn còn vẹn nguyên. Ảnh: Phương Linh
Những bức tượng gỗ trang trí xung quanh nhà rông tổ dân phố Plei Hle Ktu vẫn còn vẹn nguyên. Ảnh: Phương Linh
Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi song nhà rông vẫn luôn là “nhà thiêng”, là “trái tim” của buôn làng. Dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một nhà rông văn hóa nhưng dân làng Tnùng (xã Ya Ma) vẫn tổ chức các nghi lễ quan trọng tại nhà rông cũ vốn đã tồn tại suốt 4 thập kỷ qua.
Ông Khép nhớ lại những ngày cả làng tập trung dựng nhà rông suốt mấy tháng liền. Ngày ấy, từng khúc cây, tấm ván đều đẽo cắt thủ công. Nhà rông dựng lên dưới sự chỉ đạo của những người già trong làng. Cùng góp công góp sức nên bà con ai cũng yêu quý, trân trọng mái nhà rông ấy lắm. Mỗi khi làng có lễ cúng, nhà rông lại nhộn nhịp, rộn ràng: người già đến ngồi chẻ tre, chuốt nan làm cây nêu; đám thanh niên lăng xăng phụ giúp hay đem bộ cồng chiêng ra lau chùi, tập luyện...
Còn với nhà rông làng Brăng (xã Đak Tơ Pang), nhiều nghi lễ truyền thống vẫn được bà con trong làng gìn giữ và tổ chức ngay tại đây. Anh Đinh Blớt chia sẻ: “Mỗi cây cột làm nên nhà rông này đều do bà con vào tận rừng sâu để kéo. Các gia đình đều được giao chỉ tiêu đan bao nhiêu tấm phên tre, bao nhiêu tấm cỏ tranh lợp mái. Mất gần 5 năm nhà rông này mới hoàn thành đấy”.
Cần tiếp tục gìn giữ
Hầu như làng Bahnar nào ở huyện Kông Chro cũng đều có nhà rông. Phần lớn là nhà rông truyền thống bằng gỗ, dựng lên từ khá lâu và vẫn được bà con giữ gìn vẹn nguyên đến ngày nay. Ông Drem chia sẻ: “Nhà rông sử dụng lâu thì cũng phải hư hỏng chứ. Mỗi lần thấy có chỗ nào hỏng hóc, các già làng kêu gọi người dân đóng góp công sức, tiền của để tu sửa. Một góc thủng trên vách cũng phải được đan lại, ván mục phải thay thế ngay, có như vậy mới gìn giữ lâu dài. Tiếc là cỏ tranh bây giờ không còn nhiều, đành phải dùng mái tôn thôi”. Đó cũng là cách làm của nhiều ngôi làng trên địa bàn huyện Kông Chro để giữ lại dáng dấp của nhà rông truyền thống.
Nhà rông làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nổi bật với bức vách trang trí hoa văn đẹp mắt. Ảnh: Phương Vi
Nhà rông làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nổi bật với bức vách trang trí hoa văn đẹp mắt. Ảnh: Phương Vi
Thêm một cái khó là nhà rông được dựng lên dựa trên kinh nghiệm truyền đời và năng khiếu của một số ít người trong cộng đồng làng nên hầu như không có bản vẽ hoàn chỉnh để lưu giữ. Một mái nhà rông có thể kiên trì trụ vững từ vài thập kỷ đến cả trăm năm song vẫn không thể là mãi mãi. Trong khi đó, lớp người biết làm nhà rông dần khuất núi, lớp thanh niên lại không mấy mặn mà với công việc đầy khó nhọc này.
Anh Đinh Blớt gượng gạo bày tỏ: “Ngày trước, nhờ theo các già làm nhà rông nên mình cũng học được nhiều thứ lắm. Học cách đan lát, tạc tượng nhưng cách dựng thì khó lắm, học không hết được”. Nói rồi anh quay đi, bỏ lửng câu hỏi của tôi: “Rồi mai này làm sao dựng lại nhà rông?”.
Trước sự mai một của nhà rông truyền thống, bên cạnh ý thức gìn giữ của bà con, chính quyền các cấp huyện Kông Chro cũng đã có những động thái tích cực. Ông Vũ Cao Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ma-cho hay: “Xã khuyến khích, vận động bà con duy trì tổ chức các lễ hội ở nhà rông gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát, tạc tượng. Bên cạnh đó, chúng tôi khích lệ bà con tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, cố gắng gìn giữ kiến trúc độc đáo này cho con cháu đời sau”.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.