Chàng sinh viên sở hữu 2 doanh nghiệp công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Quản trị kinh doanh - Trường đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhưng Nguyễn Hữu Dũng đã tham gia sáng lập 2 doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo, với doanh thu khoảng 2 tỉ đồng/năm.

Nguyễn Hữu Dũng trở thành tỉ phú khi mới 20 tuổi
Nguyễn Hữu Dũng trở thành tỉ phú khi mới 20 tuổi



Tự học để khởi nghiệp

Nguyễn Hữu Dũng đang là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của 2 doanh nghiệp (DN) về công nghệ thực tế ảo là Revo360 và TAVIS. Sản phẩm chính của công ty là tạo ảnh và tour tham quan 360 độ, giúp khách hàng trải nghiệm không gian từ xa một cách trực quan và chân thực; khảo sát thực địa từ trên cao giúp việc khảo sát các khu vực rộng lớn, nguy hiểm trở nên thật dễ dàng; tối ưu hóa hiển thị lên các nền tảng: website, mạng xã hội, Google Maps, Mobile App…

Dũng cho biết thực tế ảo mặc dù xuất hiện khá lâu trên thế giới, từ khoảng những năm 1990, nhưng ở VN DN hoạt động trong lĩnh vực này còn rất ít và chưa chú ý việc xử lý, làm chủ dữ liệu gốc. “Thực tế ảo sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới. Đây là thị trường nhiều tiềm năng để phát triển”, Dũng nói. Vì vậy, Dũng quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện đa số khách hàng của công ty là các DN về du lịch và bất động sản.

Hỏi vì sao học quản trị kinh doanh nhưng lại khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, Dũng cho biết: “Em thích công nghệ thông tin từ nhỏ và từng tham gia nhiều cuộc thi về công nghệ. Từ đó, ước mơ khởi nghiệp lớn dần”.

Dũng cũng cho biết từ những ngày học ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) đã đi làm thêm các công việc liên quan công nghệ. Bước chân vào giảng đường đại học, Dũng đã tìm việc làm thêm ở nhiều công ty như Topica, VCCorp…

Tháng 1.2017, Dũng cùng 3 cộng sự khởi nghiệp với dự án Revo360. Bằng việc sử dụng công nghệ chế độ xem phố (Street View) được hỗ trợ bởi Google Maps (hoặc bằng nền tảng tự công ty phát triển), dự án đã cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tiện ích và mới lạ, đó là ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể trải nghiệm được không gian nơi mình sẽ tới (bất kể không gian đó đã hoặc chưa xây dựng, với góc nhìn dưới mặt đất hoặc từ trên cao).

Dũng đảm nhận mảng kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng, DN để tiếp thị sản phẩm. “Nhiều lúc khách hàng không hiểu sản phẩm là gì và mang lại lợi ích gì cho họ. Vì vậy, em mất rất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục khách hàng hiểu về sản phẩm của mình”, Dũng chia sẻ và cho hay đã tự học hỏi trên mạng và các diễn đàn về khoa học công nghệ để có kiến thức về công nghệ.

Hiện thực hóa những ý tưởng… viển vông

Bằng sự nỗ lực, sau một thời gian, Revo360 đã có những khách hàng tiềm năng. Tháng 6.2018, Dũng quyết định thành lập một công ty khác cũng chuyên về lĩnh vực thiết kế nền tảng hỗ trợ công nghệ thực tế ảo, dễ sử dụng hơn cho mọi người, mang tên TAVIS. Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, sản phẩm của TAVIS hiện đã được ứng dụng tại những dự án lớn như: Vinhomes Metropolis, không gian 360 Hải Âu Aviation Thủy phi cơ - Cảng Tuần Châu…

Dũng mong muốn tập hợp được những người trẻ với khát khao thay đổi thế giới, hết mình kiến tạo xã hội. Mục tiêu của công ty là trở thành đơn vị nghiên cứu, phát triển, tư vấn và cung cấp các giải pháp công nghệ cao tích hợp hàng đầu tại VN, với phương châm hành động: “Hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo và viển vông”.

Ở TAVIS, ngoài nhân sự chính là những người đã có kinh nghiệm, đảm trách những vị trí quan trọng, Dũng tuyển dụng nhiều thực tập sinh là sinh viên (SV) phụ trách các công việc chăm sóc website, fanpage, khách hàng, nghiên cứu đối thủ… “Việc thành lập công ty, ngoài khát khao khởi nghiệp của bản thân, em mong muốn mình tạo thêm việc làm cho SV để họ có môi trường trải nghiệm, trau dồi kỹ năng thực tế. Điều này vô cùng cần thiết đối với bất kỳ SV nào. Chỉ có va chạm thực tế, SV mới biết nhu cầu công việc xã hội đang cần gì, từ đó có được sự định hướng, học tập, bổ sung kiến thức sao cho phù hợp với thực tiễn”, Dũng chia sẻ.

Đam mê khởi nghiệp nhưng Dũng luôn đặt việc học lên hàng đầu. Kết quả học suốt 3 năm của Dũng luôn đạt loại khá, với tổng số điểm 3/4 điểm. Dũng hiện là Chủ nhiệm câu lạc bộ Quản trị kinh doanh của Trường đại học Kinh tế. Cũng vì xác định mục tiêu phải ưu tiên cho học tập nên Dũng đã từ chối nhiều cơ hội nhận các khoản đầu tư lớn vì nhà đầu tư yêu cầu Dũng phải làm toàn thời gian cho DN.

“SV thường có những ước mơ lớn, nhưng cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Thay vì suy nghĩ ra trường kiếm công việc ổn định thì hãy trang bị kỹ năng, kiến thức, hoàn thiện bản thân ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường để làm chủ công việc một cách tốt nhất”, Dũng chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công.

Vũ Thơ (thanhnien)

 

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.