Sau 23 năm lập nghiệp tại thôn Phú Tân (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), đây là cái Tết thứ 4 gia đình ông Trần Văn Dũng duy trì việc dựng cây nêu trước nhà. “Ở quê tôi (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), Tết đến, nhà nào cũng trang trí cây nêu thật đẹp. Những ngày đầu xa quê, gia đình tôi cũng duy trì phong tục này nhưng rồi cuộc sống lấn bấn, khó khăn nên cứ mai một dần”-ông Dũng tâm sự.
Để có được cây nêu đẹp, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, ông Dũng đã tìm đến các làng lân cận để chọn mua cây tre già. Tết năm nay, ông chọn được cây tre cao hơn 10 m, thân thẳng, ngọn cong, có nhiều đốt và các đốt đều tăm tắp. Đến ngày 22 tháng Chạp, ông nhờ người đi đốn cho kịp ngày hôm sau dựng nêu. Sở dĩ phải chờ đến áp Tết mới đốn tre vì thời gian dựng và hạ cây nêu khá dài, nếu đốn quá sớm, thân cây sẽ nhanh bị khô giòn, lá trên phần ngọn cũng không còn tươi. “Trên ngọn nêu, tôi treo lá cờ Tổ quốc, ngôi sao 5 cánh đan bằng nan tre và chiếc lồng đèn đỏ. Lá cờ, ngôi sao thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; lồng đèn đỏ mong ước năm mới rực rỡ, may mắn. Năm ngoái, tôi đặt mua 1 bộ đèn led dài 30 m quấn từ gốc cho đến ngọn cây nêu. Buổi tối bật đèn led, cây nêu rực sáng đẹp vô cùng, không khí ngày Tết cũng thêm phần ấm cúng”-ông Dũng bộc bạch.
Cây nêu là biểu trưng cho sự may mắn, bình an đến với mọi người, mọi nhà trong năm mới. Ảnh: Hoài Ân Viên |
Ông Dũng giãi bày: “Theo quan niệm của người xưa, từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng, ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời, có cây nêu dựng trước nhà sẽ giúp gia chủ tránh xa những điều xui rủi, đón may mắn, tài lộc vào nhà. Ông bà, cha mẹ làm sao thì con cháu theo vậy, chỉ khác là “biến tấu” cho phù hợp với thời cuộc. Đèn lồng đỏ theo thời gian sẽ phai màu, cây tre cũng khô giòn nên Tết mỗi năm tôi đều phải mua mới. Riêng đèn led, lá cờ và hình ngôi sao 5 cánh có thể dùng lại”. Ngoài gia đình ông Dũng thì nhiều hộ lân cận, sinh sống dọc tuyến quốc lộ 14 cũng dựng cây nêu đón Tết. Phần đông trong số đó là người đến từ các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Nhà này hỗ trợ nhà kia, không khí ngày Tết thêm rộn ràng, tình đoàn kết thêm khăng khít.
Phía cuối vườn đinh lăng sau nhà, ông Nguyễn Tiến Sơn (thôn 6, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) trồng 2 bụi tre lớn, vừa để tạo ranh giới ngăn cách với hộ lân cận, vừa có cây tre phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt là có cây tre đẹp dựng nêu trong ngày Tết. Dạo quanh gốc tre, kiểm tra từng cây và quan sát độ cong của ngọn tre, ông Sơn mỉm cười tỏ ý hài lòng: “Ngọn tre có độ cong vừa phải, lá ở phần ngọn dài. Năm nay, ngoài lá cờ Tổ quốc, tôi dự định treo thêm 1 con chim công bằng gỗ trên ngọn nêu với mong ước năm mới “vạn sự hanh thông”. Tôi đã gọi điện thoại về quê nhờ người quen tìm mua giúp, chắc chắn sẽ đẹp”.
Gắn bó với vùng đất mới gần 40 năm, song ông Sơn vẫn nhớ rất rõ phong tục dựng cây nêu ngày Tết ở quê nhà. Ông bảo, cây nêu ngày Tết đẹp hay xấu, cao hay thấp đều liên quan đến niềm tin, mong ước của gia đình. Trước đây, tất cả các bước từ chọn cây tre, người dựng, thời gian dựng nêu, hạ nêu và các vật dụng treo trên cây nêu... đều rất cầu kỳ. Chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới đủ khả năng dựng được những cây nêu đẹp, đáp ứng đầy đủ các nghi lễ. Giờ đây, nếp sống hiện đại, việc dựng cây nêu và trang trí không còn như xưa mà tùy vào quan niệm, sở thích của từng gia đình.
Ông Lê Xuân Quảng (cùng thôn) cũng đã chọn được cây tre ưng ý để dựng nêu trong dịp Tết Quý Mão 2023. “Tôi dự định làm thêm diều sáo treo phía trên ngọn cây nêu. Khi có gió, diều sáo chao nghiêng nhìn rất đẹp mắt. Tiếng gió cùng với tiếng diều sáo tạo nên những thanh âm vui nhộn, rất thích hợp với không khí đầu xuân”-ông Quảng chia sẻ. Thôn 6 có 254 hộ dân, khoảng 70% số hộ quê ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh. Vì vậy, cùng với việc dựng nêu ngày Tết, nhiều hộ dân còn dự định thành lập Câu lạc bộ Hát sắc bùa nhằm góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là cách neo giữ hồn quê trên vùng đất mới và góp phần tô điểm cho bức tranh Tết thêm đa dạng, phong phú.