Cây di sản cô đơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được gọi là thủ phủ gỗ lim của xứ Thanh, nhưng nay trên Vườn Quốc gia Bến En chỉ còn 1 cây lim xanh duy nhất, nằm ở địa bàn xã Xuân Khang (Như Thanh) giáp ranh với xã Tân Bình (huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Đó cũng là cây di sản có tuổi đời lên tới ngàn năm.
Rừng quốc gia Bến En đa phần là... keo.

Rừng quốc gia Bến En đa phần là... keo.

Đơn độc chứng tích rừng lim cổ

Chị Đặng Thị Tuyết, một chuyên gia nông nghiệp đã định cư tại Pháp lâu năm, khi về thăm Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa) thốt lên ngỡ ngàng, “Còn một cây lim sót lại trên cánh rừng tái sinh và được gọi là cây di sản”.

Câu nói của chị Tuyết khiến tôi chạnh lòng, xấu hổ. Nhưng nhìn rừng quốc gia Bến En với những mảng mầu xanh toàn là cây keo chung quanh cây lim duy nhất thì khó đưa ra lời biện minh. Trên xe trở về, chị cũng kể đã đọc nhiều bài thống kê về việc nhiều nước phá rừng rồi trồng rừng trên giấy. Trong một báo cáo kết quả trồng cây lim xanh tính đến tháng 8/2023, Vườn quốc gia Bến En đã trồng được 302,7 ha. Chị Tuyết tính: “Chắc phải 10 năm hoặc lâu hơn nữa mới thấy được kết quả của việc trồng này, mới nhìn thấy những ngọn cây lim vươn cao. Nếu đến lúc đó, diện tích không đạt được như vậy cũng có thể chúng ta sẽ được nghe giải thích do nhiều cây bị sâu bệnh chết chăng?”

Chúng tôi cùng cười. Lý do chủ quan, lý do khách quan luôn có trong nhiều báo cáo, tổng kết. Trong dân gian thường nói “làm láo... báo cáo hay” - câu nói này đạt độ điểm huyệt.

Trở lại quá khứ chưa xa, khi chúng tôi còn học tiểu học và trung học cơ sở tại trường Lâm Trường - một trường học dành cho con em công nhân, ở đây, trong khuôn viên của trường có hàng chục cây lim cổ thụ. Lim mọc trên đất cằn, đá ong, với thớ rễ chồi lên mặt đất gân guốc. Ở vỏ cây lim thưởng rỉ nhựa vàng như mật ong, kết keo lại, ngoài dai cứng, trong mềm, món đồ vê trong lòng bàn tay của học sinh thuở ấy.

Ngược đường trong huyện, tại thôn Xuân Hưng, xã Xuân Khang (Như Thanh) có cả một cánh rừng lim trồng thẳng hàng, ngay lối, từ thời Pháp. Nhưng rừng lim đó sau này đã bị bứng gọn, nhường đất cho ruộng lạc, bãi ngô. Rồi những năm 1991 đến 1994, phong trào đốt thân, gốc, cành cây lim để lấy than lim bán. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe thồ than lim về xuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh, công nhân Lâm trường Như Xuân cũ, hiện đang sống tại Hà Nội, cho hay: “Khai thác nhiều nhất là gỗ lim, từ những năm 60 đến 1985 thì ngừng. Do rừng cạn kiệt, nhà máy cưa ở sông Mực cũng tạm đóng cửa rồi đóng luôn”.

Mùa hè năm 1988, tôi cùng anh tôi đi chuyến xe trâu lên bờ hồ bến Mẩy - đó là hồ thủy lợi, sau này là hồ thủy điện. Đập vào mắt tôi là không gian rừng bị ngập nước, cây chết khô dọc theo diềm hồ. Dải cây khô ven hồ này được kiểm lâm cho phép khai thác về làm củi. Theo luật, những chiếc thuyền chỉ được dừng trên mặt nước, cưa cây khô. Nhưng có những thời điểm, tại địa danh khe Tối trong lòng hồ này, la liệt bè nứa vứt lại. Phía chìm dưới bè nứa là gỗ tấm vuông dài được lâm tặc “ròng” về. Đêm, họ cho trâu kéo lết gỗ qua một cánh rừng về thôn Quyết Tâm (xã Xuân Khang) rồi bán cho những tay buôn gỗ thuộc thôn Vĩnh Long trong huyện. Gỗ lim bốc lên xe tải “thông” hai trạm kiểm lâm Bến Sung và Chuối (Nông Cống) là ra Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh...

“Việc “thông” trạm này thời đó chỉ có những tay buôn gỗ mới biết. Đó là chuyện ngầm trong làm ăn”, ông Đỉnh cho hay.

Năm 1990, nước hồ rút cạn kiệt, trong một chuyến theo thuyền đi hái quả dâu da rừng, tôi nhìn thấy ba người đàn ông đang “bật mực” thân cây trồi ra trên mặt bùn khô nứt, họ cào một thế đất theo tính toán, rồi bập cưa vào xẻ gỗ. Cách xẻ của họ giống như miêu tả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn Những người thợ xẻ: “Thân gỗ to, chúng tôi phải xẻ theo lối Thanh Hóa, tức là cứ để thân gỗ ngang dưới đất mà xẻ chứ không kê kích gì cả”.

Cây lim di sản ở Vườn quốc gia Bến En.

Cây lim di sản ở Vườn quốc gia Bến En.

Hết “nạc” vạc đến “xương” lim

Khi tốt nghiệp cấp 3, những năm đầu thập niên 90, là khoảng thời gian buồn chán nhất trong đời chúng tôi, bởi nhìn đâu cũng thấy người không có việc làm. Nhiều bạn chọn mức vừa phải, thi trường nghề, trung cấp, hoặc cao đẳng thì cũng đạt được ít nhiều nguyện vọng. Nhưng thi đại học, chỉ vài người đạt được điểm vào Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), còn lại không đạt được một nửa trong tổng ngưỡng điểm vào các trường đại học khác.

Mùa xuân năm 1992, chúng tôi trở lại trường trung học cơ sở cũ, bàng hoàng, không còn nhìn thấy những cây lim thuở học trò bao kỷ niệm. Một sự trống trải trong không gian trường cũ không ai muốn gợi nhắc trường mình. Cũng năm đó, rừng Bến En được công nhận là Vườn quốc gia.

Mùa xuân năm 1993, nạn thiếu ăn trở lại với bà con trong huyện Như Xuân và huyện Như Thanh. Nhiều sườn đồi, bờ rào, bờ mương có những gốc sắn lâu năm được người dân đào lấy củ độn cơm. Củ sắn nhiều năm nằm trong đất nên phần lõi bị sượng.

Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh nhắc lại chuyện cũ: “Những năm trước đó, dưới sông Yên thì bè gỗ, đường bộ là xe trâu, ô-tô hoành hành. Đường nát bét ổ trâu. Rừng cạn kiệt, người ta quay ra lật tìm cành nhánh, gốc lim, hun lửa, lấp đất, biến nó thành than. Và trên mọi nẻo đường, những chuyến xe thồ than về xuôi bán, kiếm sống”.

Lim hết, rừng nguyên sinh cũng phá sạch mà người dân vẫn đói nghèo. Ông Trương Văn Hùng, ngụ thôn Kim Sơn (thị trấn Bến Sung, Như Thanh), cho biết: “Trước những năm 1988, chỉ cần đứng ở trong sân nhà tôi, nhìn sang bên bìa rừng đồi Dẻ là thấy nai, hoẵng đứng ăn cỏ lá. Sau đó, không bao giờ thấy nữa”.

Ông Hùng phân tích: “Đồi Dẻ được gọi là đồi, nhưng định nghĩa của địa lý về đồi là sườn thoai thoải, đỉnh không cao thì đồi Dẻ ngược lại, sườn dốc đứng, đỉnh cao. Phía tây đồi Dẻ bị chắn bởi dãy núi đá Đồng Kênh dài gấp ba lần đồi Dẻ. Phía bắc là hồ sông Mực, phía nam là thôn Đồng Hang, phía đông là kênh thủy lợi cùng dân cư nhưng không hiểu sao đàn nai hoẵng biến mất”.

Chính sách giao đất, giao rừng có từ năm 1983 để đất và rừng đến với nhiều chủ thể khác, trong đó có các hộ gia đình. Chính sách được triển khai sâu, rộng từ năm 1986 trở đi. Cũng từ những năm này, nhiều đồi núi trơ lơ qua bao mùa nương rẫy, sau 5 năm đã xanh mướt trở lại. Sau 10 năm, chúng tôi nhìn thấy thân cây rừng so nhau mọc lên, có cây đường kính đạt từ 10 cm, ngọn vươn cao tạo một khoảng rừng mát.

Nghĩ rằng, rừng sẽ trở lại, dưới tán rừng sẽ là đàn ong, đàn dê, đàn gà hoặc đàn lợn mọi... Nhưng, những đồi rừng đó lại bỗng nhiên bị đốn hạ, đốt cháy rụi. Ông Lê Văn Lũy, ngụ thị trấn Đồng Hơn (Như Thanh) than thở rằng: “Không có cây nào cao bằng cây keo”! Cây keo ào đến khiến nhiều dòng suối trong huyện khi có mưa thì lũ lên bất thường, chớm mùa khô dòng cũng ngưng chảy.

Cây lim di sản cũng chỉ cách thị trấn Đồng Hơn khoảng ba km và không hiểu có một phép mầu nào mà nó còn tồn tại được. Nhiều người ở đây cho rằng trước khi quy hoạch rừng cấm, một vài thợ cưa đã bập cửa vào thân cây nhưng cưa vài nhát thì bị gẫy cưa. Những thầy cúng địa phương thì nói cây lim đó có vong.

Cũng có người nói, trước kia cây lim còn nhỏ và chưa có giá trị về gỗ. Và với thời gian, nó mồ côi, nó thành di sản của cả vùng mà trước kia là thủ phủ gỗ lim của xứ Thanh.

Báo cáo tháng 8/2023 của Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En cung cấp số liệu trồng rừng bổ sung từ những nhà tài trợ: 160 ha (Canon Việt Nam), 71,14 ha (Gaia - Trung tâm bảo tồn thiên nhiên). Con số 54,88 ha và 11,5 ha là rừng keo tỉa thưa và rừng trồng thay thế. Về việc trồng lim xanh, Ban quản lý công bố: “Cây lim xanh phát huy những giá trị về văn hóa, khoa học, môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực miền núi”. Nhưng xét cho cùng, cây lim xanh không phải cây mùa vụ để có thể “nâng cao năng suất” và lại càng không phải cây dễ hạ bỏ để “xóa đói giảm nghèo”.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.