Những ngày qua, chuyện cây chuối, con heo của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bỗng dưng khiến dư luận đặc biệt chú ý. Lý do được chính ông Đoàn Nguyên Đức thừa nhận, nó đã cứu được tập đoàn qua những năm lận đận tưởng chừng phải phá sản.
Đầu tư vào nông nghiệp cũng có rất nhiều đại gia thử làm. Phần lớn là thất bại, bởi phải đầu tư đường dài, khả năng thu hồi vốn lâu. Quan trọng hơn là ít có sản phẩm đặc thù để cạnh tranh thắng được đối thủ từ các nước, vốn đã phát triển trước. Và oái ăm thay, một thị trường nội địa với gần 100 triệu dân hầu như đã bị bỏ quên. Đến nay, điều này đã bắt đầu thay đổi, các doanh nghiệp đã biết chiều chuộng người tiêu dùng nội địa, và đặt cho mình trách nhiệm: Người tiêu dùng muốn gì?
Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà tại rất nhiều nước phát triển, người tiêu dùng đã ngày càng cảnh giác với thực phẩm công nghiệp. Loại thực phẩm này đáp ứng nhu cầu đột biến của một số quốc gia mới phát triển vì sản xuất nhanh, giá thành rẻ, quy trình từ sản xuất đến bàn ăn ngắn. Nhưng nó không thể ngon như thực phẩm chăn nuôi truyền thống. Mặt khác, những lo ngại về chất lượng do quy trình sản xuất đốt cháy giai đoạn cũng dần trở thành hiện thực: Khó kiểm soát hóa chất không tốt trong thức ăn chăn nuôi; lạm dụng thuốc kích thích, thuốc điều trị… Xu hướng người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chăn nuôi theo cách truyền thống ngày càng chủ đạo, bởi an toàn hơn và ngon hơn.
Cây chuối và con heo của bầu Đức quả là bắt nhịp rất ngoạn mục với nhu cầu này. Nó tạo sự an tâm khi được quảng bá là chăn nuôi gần với cách truyền thống cách của các bà mẹ quê vẫn làm cho tới tận ngày nay.
Quy trình làm nông nghiệp khép kín từ trồng cây phục vụ chăn nuôi để có sản phẩm sạch, tận dụng sản phẩm của chăn nuôi cải tạo đất… đã được áp dụng trong cả quá trình phát triển của loài người chứ chẳng phải mới mẻ gì. Việc chọn cây giống cũng vậy, phải gieo trồng từ hạt hoặc chiết cành để được giống mới thừa hưởng 100% di truyền những đặc điểm nổi trội như thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên… Nền sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghiệp hóa như nuôi nhốt tăng trọng tức thời, trồng cây biến đổi gien… chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn ở giai đoạn thiếu hụt lương thực. Nhiều quốc gia chủ động được nguồn lương thực đã không mặn mòi với cách sản xuất này. Trước tiên là khó lường hết những tác động tiêu cực có thể phát sinh với sức khỏe con người. Kế đến là làm mai một nguồn gien quý giá tự nhiên và dần xóa bỏ ký ức sản xuất bền vững.
Quan điểm lớn của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng thường xuyên cam kết chính là phát triển kinh tế xanh, bền vững. Nền nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bản đồ kinh tế hiện đại này. Chúng ta có cả kho báu kinh nghiệm sản xuất bền vững của ông cha và may mắn là nó luôn được tích lũy, lưu truyền từ những mái nhà nông thôn. Những kinh nghiệm này cực kỳ giá trị và sẵn sàng được truyền lại. Nếu học hỏi và phát triển kinh nghiệm sản xuất này một cách chân thành có thể làm giàu như cách mà một số đại gia đang làm. Quan trọng hơn, nó tạo được bền vững cho môi trường và an toàn cho chính người dân.
Theo Hiếu Nghi (NLĐO)