(GLO)- Không chỉ biến những vùng đất hoang sơ thành những vườn cà phê, tiêu, cao su xanh ngút ngàn cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, các cựu chiến binh Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi huyện Chư Prông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong vùng.
Cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ (áo xanh) hướng dẫn cách thu hoạch tiêu. Ảnh: Minh Nguyễn |
Khi chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Tá Tuệ (thôn Bản Tân, xã Ia Phìn) thì được người nhà cho biết ông đang tất bật “chạy sô” hết nhà này đến nhà khác trong xã để hướng dẫn cách thu hoạch để không làm cây tiêu bị mất sức. Tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Nam (thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn), ông Tuệ đang “miệng nói, tay làm”, còn ông Nam đứng bên cạnh gật đầu lia lịa như đã học thông “bí kíp”. “Muốn cây tiêu khỏi mất sức thì khi hái phải hái từng chùm, đừng vơ cả cành để bứt”-ông Tuệ hướng dẫn.
Theo ông Tuệ, gia đình ông hiện trồng 5 ha cà phê, 5 sào tiêu, tổng thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm. Thấy ông làm kinh tế giỏi, nhiều người thường xuyên đến nhờ bày kinh nghiệm. “Thực tế là tôi vào đây sống từ 28 năm trước với hành trang mang theo chỉ là sức khỏe. Cách đây 10 năm, thấy cây cà phê, tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng. Có thu nhập, tôi mua thêm đất để đầu tư, kết quả mới được như bây giờ”-ông Tuệ nói.
Cách nhà ông Tuệ 5 km, nhà ông Phạm Hữu Đường (69 tuổi, thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn) nằm lọt thỏm giữa vườn tiêu xanh mướt. Ông Đường là thương binh hạng 3, vào Ia Phìn sống khoảng 20 năm nay. Dù là thương binh nhưng ông khiến nhiều người lành lặn phải ganh tị khi sở hữu 5 ha cà phê, 2 sào tiêu, 1 ha cao su, 1 ha mắc ca và trang trại nuôi 30 con heo rừng. Tổng thu nhập hàng năm khoảng 1,3 tỷ đồng. “Hồi mới vào đây, đất thì nhiều nhưng chỉ trồng được mì, bắp nên thu nhập không cao. Để thoát nghèo, tôi phải vác ba lô sang tỉnh bạn để học mô hình làm kinh tế, thấy người ta trồng cây tiêu, cà phê cho thu nhập cao nên tôi mạnh dạn mua giống về trồng và tiến hành mở trang trại nuôi thêm heo rừng”-ông Đường hồi tưởng. Không chỉ tự làm giàu cho mình, ông Đường còn cung cấp miễn phí các giống tiêu, mắc ca cho những hộ dân trong vùng.
Cựu chiến binh Phạm Hữu Đường (áo trắng) thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Khi nghe P.V nhắc chuyện ông Đường, ông Tuệ làm kinh tế giỏi, ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông nhận xét: “Chưa ăn thua đâu, còn nhiều cựu chiến binh giàu hơn nữa. Hội chúng tôi có Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi với 55 hội viên tham gia. Trong đó, hộ thấp nhất thu nhập cũng 500 triệu đồng/năm, 27 hộ thu nhập trên 1 tỷ. Cá biệt, có 7 hộ thu nhập từ 3 đến 5 tỷ đồng. Các hộ có thu nhập "khủng" như hộ ông Nguyễn Văn Gác (xã Ia Phìn) 5 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) 3 tỷ đồng/năm… “Điểm chung là xuất phát điểm của họ rất thấp, nhiều hộ trước đây từng rơi vào cảnh đói nghèo. Tuy nhiên do biết cách làm ăn, nhanh nhạy với thị trường nên biết đầu tư vào các cây trồng chủ lực, giờ họ đã trở thành những tỷ phú nông dân thực thụ”-ông Tuấn nói.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông, đáng trân trọng là các tỷ phú cựu chiến binh này rất tích cực giúp người dân trong vùng và đồng đội cùng phát triển kinh tế. Ngoài việc hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nhiều người cũng hay làm từ thiện. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Gác tự bỏ tiền xây dựng 3 trạm biến áp để cung cấp điện miễn phí phục vụ sản xuất cho 30 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Grang 2 (xã Ia Phìn). Mỗi khi Tết đến, ông còn hỗ trợ cho các hộ dân ở đây 1 tấn gạo và 100 kg thịt heo; hỗ trợ 50 hộ dân trong xã mua phân bón trả chậm không lấy lãi, bỏ kinh phí sửa chữa hội trường thôn. Cựu chiến binh Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Drăng) bỏ tiền túi xây dựng 500 mét đường bê tông liên thôn; cho 7 hộ dân vay vốn hơn 700 triệu đồng không lấy lãi. Năm 2014, người cựu chiến binh này còn bỏ ra gần 150 triệu đồng để kéo điện cho 3 hộ nghèo sử dụng. Nhiều người được các cựu chiến binh tận tình giúp đỡ đã phất lên nhanh chóng, thoát khỏi đói nghèo...
Minh Nguyễn