Câu chuyện về cựu chiến binh 10 năm canh "giấc ngủ" đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở cái tuổi 72, thay vì vui đùa bên con cháu, cựu chiến binh Phùng Văn Toàn, ở phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lại lựa chọn cho mình một công việc rất riêng đó là làm quản trang. Gần 10 năm nay, ông thay gia đình các thân nhân thắp nén tâm nhang, chăm sóc hơn 500 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông để tri ân đồng đội.

 

Ông Phùng Văn Toàn dâng hoa, tri ân phần mộ tập thể chưa biết tên tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông.
Ông Phùng Văn Toàn dâng hoa, tri ân phần mộ tập thể chưa biết tên tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông.



Ông Toàn nhớ lại, năm 1970 ông nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động ở chiến trường miền nam cho đến ngày thống nhất đất nước. Đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra ở phía Bắc, ông lại tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc. Là người lính vào sinh ra tử trên chiến trường nên rất nhiều lần chứng kiến đồng đội mình hy sinh trong mưa bom, bão đạn. Chiến tranh kết thúc, ông Toàn may mắn được trở về với thân thể lành lặn. Đây không chỉ là hạnh phúc của bản thân mà là của cả gia đình, dòng tộc.

Năm 1992, ông Toàn cùng gia đình rời quê Vĩnh Phúc vào Đắk Nông lập nghiệp. Để tri ân những đồng đội đã mất, ông tình nguyện viết đơn xin được làm quản trang, hằng ngày lo hương khói cho những liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông. Bởi theo ông Toàn, khi nhớ về những đồng đội, dù có nhiều người chưa từng gặp mặt nhưng họ đã ngã xuống vì bảo vệ Tổ quốc, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Là người may mắn còn sống, ông Toàn mong muốn làm một điều có ý nghĩa với người đã khuất, đó là canh “giấc ngủ” cho đồng đội.


 

Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông là nơi yên nghỉ của hơn 500 phần mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 200 phần mộ vẫn chưa xác định được danh tính, nhân thân, quê quán.
Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông là nơi yên nghỉ của hơn 500 phần mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 200 phần mộ vẫn chưa xác định được danh tính, nhân thân, quê quán.


Ông Toàn cho biết, những ngày này thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Năm nay dịch bùng phát mạnh nên nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ không thể đến thắp hương.

Vợ chồng ông Toàn thấu hiểu được tâm trạng của các thân nhân liệt sĩ nên đã cố gắng dành thêm thời gian để trưng bày mâm lễ, lau dọn các phần mộ sạch sẽ giúp các gia đình, người thân các liệt sĩ cảm thấy ấm lòng.

Hiện tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông đang là nơi yên nghỉ của nhiều liệt sĩ quê ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Do điều kiện khoảng cách xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chưa được bảo đảm hoặc không sắp xếp được thời gian, nhiều gia đình cũng gọi điện nhờ ông Toàn thay họ chăm sóc phần mộ, thờ cúng, tổ chức giỗ cho các liệt sĩ.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông Trương Văn Bình cho biết, những việc làm của ông Toàn đã tiếp thêm truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ tỉnh Đắk Nông. Cứ mỗi lần đến các ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước đoàn viên thanh niên trong tỉnh lại đến nghĩa trang cùng ông Toàn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Ông Toàn rất nhiệt tình hướng dẫn, chỉ khu vực thắp hương cho các đoàn viếng. Rất nhiều lần chương trình tri ân diễn ra trong lúc trời mưa to, gió lớn nhưng ông Toàn cũng không nề hà và cùng đồng hành với các đoàn viên, thanh niên để thực hiện chương trình lễ thắp nến tri ân.

Tấm gương của ông Toàn đã tạo sức lan tỏa lớn, nhiều thanh niên đã chủ động tới hỗ trợ một số công việc quét dọn, vệ sinh, cắm hoa, chỉnh tranh thường xuyên liên tục ở nghĩa trang. Ông Toàn là tấm gương để thế hệ trẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ đã hy sinh cho hòa bình của Tổ quốc hôm nay.


 

 Những phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông luôn được ông Phùng Văn Toàn lau dọn hằng ngày gọn gàng, sạch đẹp.
Những phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông luôn được ông Phùng Văn Toàn lau dọn hằng ngày gọn gàng, sạch đẹp.



Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông nằm ngay trung tâm thành phố Gia Nghĩa. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, cơ sở vật chất của nghĩa trang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, khang trang và sạch đẹp hơn. Hiện Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông đang là nơi yên nghỉ của hơn 500 phần mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 200 phần mộ vẫn chưa xác định được danh tính, nhân thân, quê quán.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Hương cho biết, gần 10 năm gắn bó với công việc quản trang, ngày nào ông Toàn cũng đều đặn đến để quét dọn nhà tưởng niệm, chăm sóc cây cảnh, lau chùi các bia mộ và hướng dẫn thân nhân gia đình liệt sĩ khi tới thăm. Theo thường lệ, cứ mỗi tháng hai lần, vào mồng một và ngày rằm, ông Toàn cùng vợ chăm lo hương khói cho tất cả các phần mộ liệt sĩ.

Việc làm của ông Toàn luôn được vợ và các con đồng tình ủng hộ, đồng thời tập trung giúp đỡ công việc quản trang, bởi ông Toàn luôn giáo dục các con để thấy được đây là việc làm mang ý nghĩa lớn, góp phần bù đắp một phần đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ, và là sự trả ơn đối với các thế hệ liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc hôm nay.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cũng thường xuyên hỗ trợ ông Toàn nhằm động viên, giúp ông có được cuộc sống vui vẻ, thoải mái để an tâm gắn bó, chăm lo cho các phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tốt hơn.

Nhìn dõi theo phía những ngôi mộ thẳng hàng, nằm lặng lẽ giữa Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, đôi mắt ông Toàn dần đỏ hoe. Ông Toàn cho biết, tôi chỉ có một ước mong đó là những ngôi mộ vô danh kia sớm tìm được tên tuổi, quê quán, để người thân đến đón đồng đội của tôi được trở về với gia đình. Bản thân tôi năm nay tuổi cũng đã cao, sức yếu, thế nhưng khi nào còn đi lại được tôi vẫn nguyện ở đây canh “giấc ngủ” cho đồng đội…

Với những đóng góp trong công tác chăm sóc, bảo vệ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, năm 2020, ông Toàn là một trong ba cá nhân của tỉnh Đắk Nông được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương "Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

 

Theo CHẤN HƯNG - TUẤN ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.