Cao tốc hơn 6.300 tỉ lỡ hẹn, dân miền Tây nóng lòng chờ đợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỉ sắp hoàn thành. Dự kiến thông xe vào 30.9 chưa thực hiện được, nhiều người dân miền Tây đang trông ngóng được đi trên con đường mới.
 
Người dân đang rất mong chờ tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi vào hoạt động trước tết Nguyên Đán. Ảnh: PV
Người dân đang rất mong chờ tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi vào hoạt động trước tết Nguyên Đán. Ảnh: PV
Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 6.355 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được khởi công vào tháng 1.2016. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng công ty Cửu Long là đơn vị quản lý và điều hành.
Toàn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có chiều dài trên 50km, quy mô 6 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 100 km/giờ. Điểm đầu kết nối với đường dẫn cầu Vàm Cống (thuộc địa phận TP Cần Thơ) và điểm cuối kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá (thuộc tỉnh Kiên Giang).
Tuyến đường này dự kiến thông xe vào ngày 30.9. Tuy nhiên, do còn vướng mắc 1 số khó khăn nên việc thông xe vẫn chưa thực hiện được khiến người dân khắp nơi, đặc biệt là người dân miền Tây, đang rất mong chờ.
Anh Nguyễn Văn Bình, người dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: “Tôi làm nghề chở hàng thường đi sang Cần Thơ, các tỉnh miền Tây, TPHCM nhưng con đường cũ thì cũng khá hẹp, xe đông gặp lúc kẹt xe thì chậm trễ hàng. Mong sao nhanh nhanh có đường cao tốc mới người dân sẽ khỏe hơn rất nhiều”.
Cùng ở tâm trạng mong chờ tuyến đường mới, chị Lê Cẩm Trinh ngụ TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho hay: “Tôi thường đi lấy hàng ở các tỉnh như Cần Thơ, TPHCM về bán. Nhiều khi trên đường có tai nạn gì là kẹt xe, ùn tắc. Đường cũ cũng đi được nhưng hơi chậm, xe lưu thông nhiều nên cũng không cho tài xế chạy nhanh để đảm bảo an toàn. Bà con tiểu thương ở chợ đi lấy hàng về bán như tôi đều rất mong chờ”.
 
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: PV
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: PV
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có hướng tuyến song song với QL80 (cách nhau 2km), sau khi hoàn thành trước mắt sẽ giảm tải cho Quốc lộ 80 hiện hữu từ Cần Thơ đi về Kiên Giang, góp phần giảm tai nạn, rút ngắn thời gian di chuyển. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tại buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào ngày 22.9, Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Nhật đã đề nghị nhà thầu cố gắng hoàn chỉnh gói thầu CW1 để cơ bản đến 30.9 hoàn chỉnh thông trục đường chính đồng thời yêu cầu phải thông xe kỹ thuật, đảm bảo an toàn để phục vụ Tết Nguyên đán, thậm chí là Tết Dương lịch.
Trước đó, ngày 26.8, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi không thể chậm trễ hơn được nữa, dứt khoát phải thông xe trong tháng 9.2020. Tổng công ty Cửu Long phải tập trung tối đa nguồn lực để cuối năm nay vận hành khai thác 51km tuyến đường này.
Báo cáo tại buổi làm việc về dự án vào ngày 22.9, Tổng Công ty Cửu Long cho biết dự án còn gặp một số khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng còn chậm cục bộ một số vị trí vẫn chưa bàn giao cho đơn vị thi công. Năng lực tài chính của hầu hết nhà thầu phụ đều không đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, theo Tổng Công ty Cửu Long, do mặt đường láng nhựa 3 lớp nên không thể kẻ sơn ngay mà phải chờ một thời gian để đảm bảo mặt đường nổi nhựa, việc kẻ sơn đường chưa thể thực hiện được nếu điều kiện thông xe trước 31.12 năm nay.
NGUYÊN ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.