Cao su Hoàng Anh trên đất Nam Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi sang Nam Lào khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết cổ truyền Bunpimay. Nắng tháng tư như đổ lửa, nóng đến ngột ngạt. Ven đường những cây wat-chơ-đi nở chùm chùm hoa vàng rực rỡ (cây wat-chơ-đi như cây mai bên ta nở hoa vào dịp Tết). Dạo trong vườn cao su một-hai năm tuổi hàng nối hàng thẳng tắp cứ đuổi nhau đến mút tầm mắt, không còn thấy đâu là chân trời. Giữa mùa khô rừng cao su vẫn xanh mênh mang…
Chuyện lạ ở Attapeu
Đích thân lái ô tô đưa chúng tôi đi thăm rừng cao su của một trong 12 nông trường, anh Phan Thanh Thủ- Giám đốc Công ty Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu khôi hài: Các anh có biết tại sao Hoàng Anh trồng cao su nhanh và nhiều như vậy không? Thấy chúng tôi lắc đầu, anh cười to: Chẳng qua là vì bà con người Lào đi trồng cao su không phải mang theo thức ăn bởi đất cao su Hoàng Anh Attapeu rộng đến nỗi “cò bay thẳng cánh” lâu quá cũng mỏi nên rớt đầy trên hàng lô, bà con cứ việc nhặt lên làm thịt? Chúng tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo, anh cũng cười thoải mái rồi kể tiếp. Như vậy là tính từ ngày thả cây cao su đầu tiên trong vụ trồng mới năm 2009 và nếu tính cả trong vụ này thì Hoàng Anh Attapeu có 17.000 ha cao su.
Trong rừng cao su 2 năm tuổi. Ảnh: Thanh Phong
Trong rừng cao su 2 năm tuổi. Ảnh: Thanh Phong
Như đoán được thắc mắc của chúng tôi bởi nhiều công ty cao su ở Gia Lai sau hàng chục năm vẫn chưa đạt được con số này, Giám đốc Thủ tiếp lời: Sở dĩ biến “điều không thể thành điều có thể” như vậy là nhờ mấy yếu tố như sau. Trước hết quỹ đất trồng cao su ở Attapeu thuận lợi hơn nơi khác là liên vùng, liên thửa, hàng chục ngàn ha mà không “da beo”, không dính khu dân cư, đơn vị lại được giao đất từ năm trước nên có thời gian khai hoang san ủi mặt bằng, chuẩn bị đất.
Thứ hai là không chỉ sử dụng lực lượng lao động tại Attapeu mà còn thu hút được nguồn nhân công khổng lồ từ các tỉnh Sê Kông, Chămpasak… đổ về nhờ tăng gấp rưỡi, gấp đôi tiền công lao động; như vụ trước nơi khác trả 500 kip trồng một bầu cây thì Hoàng Anh Attapeu trả đến 1.000 kip. Đồng thời một yếu tố quan trọng không kém nữa là đơn vị tổ chức trồng cây một cách khoa học.
Anh giải thích thêm: Chẳng hạn như các nhà máy phân bón thường đóng bao lớn, công nhân vác cả bao đi bón mất thời gian, lượng phân bón trong mỗi hố không đều mà cũng rất khó kiểm soát, Hoàng Anh cho đóng bao 1 kg, vừa lợi công vừa dễ kiểm tra.
Xe vẫn chạy giữa “mê hồn trận” rừng cao su hai năm tuổi rồi hơn tám tháng tuổi, lớn bé đều xanh, thẳng hàng, tít tắp. Xanh đến mức ngỡ ngàng như thế là nhờ cái gì, các nhà báo có biết không? Giám đốc Thủ tiếp lời: Đó là nhờ tưới cao su các anh à, có lạ không? Anh ngoặc tay lái đưa xe bon nhanh trên con đường cấp phối sang khu vực khác. Chuyện lạ đến khó tin. Trước mắt chúng tôi cứ chừng non cây số lại gặp những hồ nước nhân tạo bên đường, chỗ thì ba bốn hồ, chỗ một hai hồ, mỗi hồ dài bốn năm chục mét, rộng cả vài chục mét, lót bạt chống thấm, đầy ắp nước, các máy bơm điện đang bơm để cho công nhân tưới cao su.
Để chúng tôi thực mục sở thị, anh Thủ lái xe thẳng xuống bờ sông Sêkamak cách khu trung tâm khoảng 5 km. Hai chiếc máy bơm điện khổng lồ đang bơm nước từ sông lên đẩy đến các hồ chứa chúng tôi đã gặp. Một công nhân đội nón đang ngồi trực máy. Hỏi chuyện được biết anh tên Nguyễn Dưỡng, 25 tuổi, quê ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định), được người quen giới thiệu sang đây làm hơn tháng. Tổ anh có 4 người cùng ở trong ngôi nhà sàn bằng ván phía trên. Trước đó chúng tôi cũng gặp kíp công nhân 6 người đang tưới cao su. Một công nhân cho biết mỗi ngày cả nhóm tưới được 2.000 cây, tiền công 2 triệu đồng, bình quân mỗi người nhận hơn 300 ngàn đồng.
Chuyện tưới cao su này phát xuất từ ý tưởng của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Khu vực trồng cao su của Hoàng Anh Attapeu nằm giữa 4 con sông lớn như Sêkamak, Sê Kông… quanh năm đầy nước. Khoảng cách từ các sông đến vườn cao su không quá 5 km. Ông cho dựng trụ, kéo điện và lắp máy bơm, đồng thời đào các hồ chứa phân bổ đều trên toàn vùng, bơm nước từ sông lên chứa đầy hồ rồi lại bơm truyền đi tưới cây cao su đã được đắp bồn. Tốn kém đấy nhưng lại hiệu quả. Mùa khô Nam Lào mà không một cây nào chết! Anh Thủ khẳng định công đoạn tưới cao su không chỉ diễn ra trong thời kỳ kiến thiết cơ bản mà ngay cả khi khai thác mủ, vườn cao su vẫn sẽ được tưới liên tục trong suốt mùa khô.
Cho mùa trồng mới
Năm nay Hoàng Anh Attapeu sẽ trồng xong 17.000 ha cao su cả cũ lẫn mới, cộng với 5.000 ha liên doanh với Cao su Chư Pah (Hoàng Anh Quang Minh) ở Sê Kông nữa, diện tích cao su ở Nam Lào của Hoàng Anh lên đến 22.000 ha. Cứ theo đà này thì con số 31.000 ha đất của Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ Lào giao chỉ năm sau là phủ kín cao su.
Nghe có vẻ “khủng” nhưng như anh Thủ tiết lộ thì triển khai việc này không khó: Mỗi nông trường chỉ cần trồng 1.000 ha mà Hoàng Anh Attapeu đang có 12 nông trường, sắp tới thành lập thêm 5 nông trường nữa thì trồng bao nhiêu lại chẳng xong? Hiện tại có 5 vườn ươm cao su, mỗi vườn ươm 1,5-2,5 triệu bầu, các vườn đang đảo cây, dư sức cung ứng cho mùa vụ. Chúng tôi cũng đến khu vực chuẩn bị trồng mới cao su rộng mênh mông, đất đã dọn sạch thực bì, không bị ảnh hưởng các khu dân cư “da beo” như bên ta, hàng trăm chiếc máy cày đa năng đang khoan hố.
Tưới cây cao su mới trồng. Ảnh: Thanh Phong
Tưới cây cao su mới trồng. Ảnh: Thanh Phong
Khác với quy trình kỹ thuật bài bản là hố sâu 0,6 mét, hố ở đây được khoan sâu đến… 1,2 mét, xuyên qua cả lớp đất cứng và lớp đá ong mỏng địa tầng vùng rừng khộp. Mỗi chiếc máy đa năng này có giá đến 800 triệu đồng, vừa cày, ủi, san và lắp cả giàn khoan đã được độ chế. Khoan xong có công nhân đi kiểm tra và đo độ sâu.
Sang thăm cơ ngơi của Hoàng Anh Gia Lai ở Nam Lào, ngoài rừng cao su Attapeu, Sê Kông, chúng tôi còn đến nhiều công trình đang được thi công như: Khách sạn, bệnh viện, thủy điện, mỏ… Và nếu ý tưởng của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đoàn Nguyên Đức thành hiện thực thì nơi đây sẽ còn có cả sân bay quốc tế nữa. Đã tìm hiểu trước nhưng đến đâu chúng tôi cũng bị bất ngờ trước sự thống nhất về kiến trúc, tầm vóc, quy mô, tiến độ thi công và cả đội ngũ cán bộ quản lý công trình. Nhỏ như trụ sở các nông trường nhưng hình mẫu xây dựng bên này giống như ở Gia Lai và các tỉnh thành khác, kể cả bờ tường rào cũng đều thống nhất một mẫu nhìn vào là biết Hoàng Anh Gia Lai, có khác là khác ở khu nhà sàn truyền thống của công nhân người Lào được xây dựng gần đó.
“Bầu sữa Hoàng Anh” căng thì thuận lợi cho công việc, nói như Giám đốc Hoàng Anh Attapeu Phan Thanh Thủ, nhưng tôi biết đó chỉ mới là yếu tố cần, còn để thành công như hôm nay, bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam thì Hoàng Anh Gia Lai còn phải có cả những con người biết nghĩ, biết làm và được lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng giao phó công việc mà chính Phan Thanh Thủ là một trong các nhân vật như vậy.
Vốn là bạn thời trẻ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đoàn Nguyên Đức, Thủ cũng có những năm tháng long đong, lận đận đến mức “lên bờ, xuống ruộng”, nhờ vậy anh trưởng thành lên và hun đúc tính kiên trì, gan lỳ, không chịu thất bại. Giám đốc Hoàng Anh Attapeu Phan Thanh Thủ, Giám đốc Quý của Hoàng Anh Quang Minh, Võ Trầm- chủ vườn ươm cao su Attapeu… là những người để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi trong chuyến công tác sang Nam Lào lần này. Thời tiết xứ người nắng nóng nhưng tôi cảm nhận được sự mát dịu từ vườn cao su bạt ngàn, từ lẽ sống cùng tình người nơi đây và bất chợt hiểu ra rằng Hoàng Anh Attapeu, Hoàng Anh Quang Minh đang sở hữu một nguồn tài nguyên quý, đó không chỉ là quỹ đất dồi dào “trong mơ cũng không thấy” mà còn là những con người đã và đang cống hiến sức mình vì một tập đoàn vững mạnh.
Dọc đường về, bên ngoài cửa xe vẫn một màu xanh cao su mát rượi giữa trưa tháng tư…
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.