(GLO)- Lợi dụng nhu cầu xin việc làm của một số sinh viên mới ra trường, thời gian qua, nhiều đối tượng trên địa bàn TP. Pleiku đã dùng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Ngày 2-4, trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai, Đại tá Nguyễn Văn Long-Trưởng Công an TP. Pleiku cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku đang củng cố hồ sơ để khởi tố đối tượng Lâm Thị Hồ Nhi (SN 1982, trú tại 42/7 Âu Cơ, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, trong tháng 12-2014 và tháng 1-2015, Công an TP. Pleiku liên tiếp nhận được 5 lá đơn của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum tố cáo Lâm Thị Hồ Nhi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung đơn tố cáo, dù chỉ là nhân viên của một công ty bảo hiểm ở TP. Pleiku nhưng khi gặp các trường hợp có nhu cầu xin việc làm, Nhi đều giới thiệu mình là Phó Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự Cảng Hàng không Pleiku và có khả năng xin cho các sinh viên mới ra trường vào biên chế tại Cảng Hàng không Pleiku với giá từ 70 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, Nhi còn cho biết có thể xin việc làm tại ngân hàng với giá 160 triệu đồng; xin làm giáo viên tại huyện Đak Đoa với giá 120 triệu đồng. Với chiêu thức này, theo xác minh của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku, chỉ trong một thời gian ngắn, Nhi đã được 7 gia đình ở Gia Lai và Kon Tum tin tưởng giao cho tổng cộng 610 triệu đồng để xin việc làm cho con em mình. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nhi không xin việc như đã hứa mà dùng hết số tiền này để tiêu xài cá nhân. Cũng theo xác minh của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku, tất cả những cơ quan mà Nhi cho biết sẽ xin việc làm đều không có nhu cầu tuyển dụng người.
Ngoài trường hợp Lâm Thị Hồ Nhi, từ năm 2013 đến nay, Công an TP. Pleiku còn nhận được khoảng 30 đơn của người dân ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak tố cáo một số đối tượng là cán bộ, công chức và người dân giả danh cán bộ, công chức có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm. Thủ đoạn của các đối tượng này là tiếp cận với gia đình các sinh viên mới ra trường có nhu cầu xin việc làm rồi giới thiệu mình là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc có quen biết một số lãnh đạo ở các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh Gia Lai nên có thể tác động, bố trí xin việc làm ở một số cơ quan như ngân hàng, bệnh viện, trường học… Khi người dân nhờ xin cho con em mình vào biên chế nhà nước, các đối tượng này hứa hẹn sẽ lo được trong vòng từ 3 đến 6 tháng với mức giá tùy theo từng ngành nghề, dao động từ 70 triệu đồng đến 180 triệu đồng/hồ sơ. Để xin việc, người dân phải đặt cọc trước 50% số tiền theo thỏa thuận, số còn lại sẽ thanh toán sau khi có quyết định biên chế chính thức.
Với thủ đoạn trên, từ năm 2013 đến nay, theo đơn tố cáo mà Công an TP. Pleiku nhận được, khoảng 40 trường hợp người dân đã bị sập bẫy lừa với tổng số tiền giao cho các đối tượng lừa đảo khoảng 2 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, các đối tượng này không đến gặp bất cứ lãnh đạo nào hoặc cơ quan nào để tác động xin việc như đã hứa và cũng không trả lại tiền cho người dân. Điều này đã khiến nhiều người dân bức xúc, hiểu nhầm một số lãnh đạo, cơ quan nhà nước có tiêu cực trong việc xét tuyển công chức.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Long, khi các đối tượng này nhận tiền xin việc thường thỏa thuận với người dân không ghi rõ số tiền sử dụng vào việc gì mà thường chỉ ghi là vay tiền để “tránh ảnh hưởng đến công việc”. Vì thế, khi Cơ quan Điều tra mời các đối tượng này lên làm việc thì các đối tượng thường đối phó khai nhận là tiền vay lãi chứ không phải tiền xin việc. Ngoài ra, một số đối tượng sau khi nhận tiền của người dân đã bỏ trốn khỏi địa phương khiến công tác điều tra của cơ quan Công an gặp khá nhiều khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Pleiku mới chỉ đưa ra khởi tố được một số vụ như vụ Vũ Thị Vinh (SN 1958, trú tại tổ 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku) nhận 14 hồ sơ xin việc của người dân ở TP. Pleiku và huyện Ia Grai để chiếm đoạt số tiền 845 triệu đồng; vụ Nguyễn Xuân Kiên (SN 1978, trú tại phường Hội Thương, TP. Pleiku) nhận hồ sơ của chị L.T.M. ở phường Đống Đa, TP. Pleiku để xin việc vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai rồi chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng…
Để phòng ngừa hành vi lừa đảo bằng hình thức xin việc làm, thông qua Báo Gia Lai, Đại tá Nguyễn Văn Long đề nghị người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi có nhu cầu xin việc làm cho con em, người dân cần nghiên cứu các quy định của nhà nước hoặc đến các cơ quan, đơn vị tuyển dụng để nộp hồ sơ, tránh bị các đối tượng lừa đảo.
Vĩnh Phúc