Cẩn trọng với bệnh hô hấp ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều ca bệnh liên quan đến hô hấp. Đặc biệt, nhiều gia đình tự ý cho trẻ uống thuốc khiến bệnh chuyển nặng mới đến khám tại viện gây khó khăn trong điều trị. 
Đưa con trai 7 tháng tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi tỉnh, chị Nguyễn Thị Thanh Hải (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: 5 ngày trước, con tôi bị sốt cao, ho. Gia đình mua thuốc uống không đỡ sốt mà triệu chứng nặng hơn nên phải đến bệnh viện để khám. Qua khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị.
Có con đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh), chị Phạm Danh Yến Nhi (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Con tôi gần 6 tháng tuổi. Cháu bị sốt, ho, khó thở… đưa đi khám uống thuốc ở ngoài không đỡ nên cho nhập viện điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết cháu bị viêm phế quản. Vào đây thấy rất nhiều cháu cũng bị bệnh tương tự”.
Trong khi đó, hơn 1 tháng qua, chị Rơ Lan Alen (làng Klũ, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã 2 lần đưa con đến Bệnh viện Nhi tỉnh để điều trị. Chị kể: “Con mình 6 tháng tuổi, bị viêm phổi. Trước đó, cháu nhập viện điều trị, nhưng sau đó về nhà bệnh tái phát phải nhập viện. Qua mấy ngày điều trị, bệnh của cháu đã thuyên giảm nhiều”. 
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 1050/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng-chống bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự báo bệnh có xu hướng gia tăng vào khoảng thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ kém, chưa rửa tay với xà phòng thường xuyên… Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần.
Theo bác sĩ Rmah Din-Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, xen kẽ thời tiết lúc nắng lúc mưa là môi trường thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển mạnh. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu nên thường dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về hô hấp. “Hiện tại, Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền có trên 150 bệnh nhi đang nằm điều trị, trong đó có 70% trường hợp mắc các bệnh về hô hấp, phần nhiều là dưới 5 tuổi. Các bệnh phổ biến vào thời điểm này như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như hen phế quản, giãn phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Ngoài ra, một số bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có chiều hướng gia tăng”-bác sĩ Din thông tin.
Bác sĩ Din khuyến cáo: “Việc tự ý cho trẻ uống kháng sinh điều trị là hết sức nguy hiểm. Nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để mua thuốc uống vì thấy triệu chứng giống lần bị bệnh trước khiến cho các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Mặc dù thuốc có thể đáp ứng tốt với lần đầu sử dụng nhưng những lần sau trẻ sẽ bị nhờn thuốc bởi vi khuẩn đã biến thể, gây nhiều khó khăn trong điều trị. Vì vậy, khi thấy con có dấu hiệu như sốt cao, uống thuốc không hạ, ho, khó thở… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xảy ra”.
Cũng theo bác sĩ Rmah Din, để phòng bệnh về hô hấp, phụ huynh cần giữ ấm cơ thể cho trẻ khi trời lạnh, nhất là phần cổ, ngực, gan bàn chân. Ngoài ra, chú ý vệ sinh thân thể, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió. Tắm xong nhanh chóng lau khô người, mặc quần áo sạch, tránh quạt máy, máy lạnh và nên có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. “Hiện nay, nước ta đã có vắc xin phòng một số bệnh. Nếu có điều kiện, gia đình nên đưa con đi tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ tăng sức đề kháng, phòng-chống nguy cơ mắc bệnh. Khi trẻ đã được tiêm vắc xin đầy đủ thì khi mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn, điều trị dễ hơn”-bác sĩ Din nói.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.