Gia Lai: Trẻ em mắc bệnh hô hấp tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Số trẻ đến khám-chữa bệnh liên quan đến các bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai trong thời gian gần đây tăng gấp đôi so với các tháng trước, chủ yếu từ 1 đến 3 tuổi. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 trường hợp đến khám-chữa bệnh, riêng bệnh hô hấp chiếm 70%.
 

Số trẻ đến khám vì mắc các bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi tỉnh tăng cao so với trước. Ảnh: Như Nguyện
Số trẻ đến khám vì mắc các bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi tỉnh tăng cao so với trước. Ảnh: Như Nguyện


Gia tăng số ca mắc bệnh hô hấp

Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-thông tin: Tính từ đầu tháng 10 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận trên 4.600 ca liên quan đến các bệnh hô hấp, tăng hơn 400 ca so với 3 tháng 7, 8 và 9. Các bệnh hô hấp ở trẻ chủ yếu như: viêm hô hấp trên, viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhiều trẻ bệnh chuyển biến nặng phải thở oxy, thở máy, dùng kháng sinh liều cao. Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính đi kèm, suy dinh dưỡng thì tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Không chỉ bệnh nhân đến khám tăng, số ca nhập viện điều trị các bệnh hô hấp cũng tăng cao gây quá tải cho công tác khám-chữa bệnh. Khoa Nội hô hấp chỉ có 50 giường bệnh nhưng trong sáng 9-11 đã có 118 bệnh nhi điều trị. Do không đủ giường bệnh nên 1 giường có từ 2 đến 3 bệnh nhi nằm ghép chung.

Bà Đỗ Thị Thương (thôn 2, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Cháu ngoại tôi điều trị tại bệnh viện hơn 10 ngày rồi, 1 giường có đến 3 trẻ nằm chung. Người đi chăm bệnh hầu như phải chen chúc nhau, muốn ngả lưng cũng không có chỗ, vất vả lắm. Tuy vậy, tôi cũng hết sức thông cảm vì bệnh nhi quá đông”.

Theo bác sĩ Dương Kiều Chung (Khoa Nội hô hấp), số trẻ điều trị đông gây tình trạng quá tải. Khoa có 6 bác sĩ phải làm việc hết công suất. “Có nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nặng và biến chứng do trước đó bị đau nhưng người nhà tự ý mua thuốc uống, khi bệnh nặng hơn mới cho trẻ nhập viện dẫn đến tình trạng kháng thuốc, bệnh diễn biến nặng, gây khó khăn trong điều trị”-bác sĩ Chung cho hay.

Tăng cường công tác phòng-chống

Hiện đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh nên bệnh hô hấp diễn biến phức tạp. Trong tuần qua, một số trường học trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều học sinh nghỉ học do ốm, sốt. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) cho biết: Số trẻ ốm đau liên quan các bệnh hô hấp có tăng, trung bình mỗi lớp có vài cháu bị bệnh. Nhà trường đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Theo đó, nhà trường tiến hành vệ sinh môi trường lớp học, khuôn viên trường học thường xuyên; khử khuẩn các dụng cụ, đồ dùng học tập. Giáo viên tuyên truyền, nhắc nhở trẻ rửa tay đúng cách, ăn chín, uống chín. Đồng thời, nhà trường cũng xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ, thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm.
 

Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Nhi quá tải do bệnh nhân tăng cao. Ảnh: Như Nguyện
Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Nhi tỉnh quá tải do số bệnh nhân nhập viện tăng cao. Ảnh: Như Nguyện


Cũng trong tuần qua, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Pleiku) ghi nhận 26 học sinh có biểu hiện sốt. Sau khi sơ cứu, giáo viên chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh đến đón các cháu đưa đi khám.

Cô Đinh Thị Nhung-phụ trách y tế nhà trường-thông tin: Theo thông tin từ phụ huynh thì có 13 học sinh bị viêm hô hấp. Đây là thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh về hô hấp, rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, chúng tôi tham mưu giúp Ban Giám hiệu nhà trường phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh kịp thời giám sát, phát hiện, xử lý ngay khi trẻ có biểu hiện bệnh. Đối với các bệnh truyền nhiễm, nhà trường khuyến cáo phụ huynh cho các em nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm bệnh cho học sinh khác.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có nhiều căn nguyên gây các bệnh hô hấp, trong đó, yếu tố thời tiết giao mùa là tác nhân quan trọng khiến lượng trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp thời điểm này tăng vọt. Bác sĩ Dương Kiều Chung khuyến cáo: Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, phụ huynh cần chú ý trong vấn đề chăm sóc, đặc biệt là giữ ấm cho trẻ, vệ sinh cá nhân thường xuyên; tăng cường dinh dưỡng hợp lý góp phần nâng cao thể trạng giúp trẻ phòng ngừa dịch bệnh; cho trẻ tiêm chủng đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng…

“Các bệnh hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, phụ huynh cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Nếu trẻ bị bệnh nên cách ly chăm sóc tại gia đình để tránh lây lan cho người khác. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, thở nhanh hoặc khó thở thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị, không nên tự ý điều trị để tránh biến chứng xảy ra”-bác sĩ Chung nhấn mạnh.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.