Sự phát triển của TP HCM có đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành và ngược lại, thành tựu của TP HCM đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Hiện nay, phân cấp quản lý hành chính có 4 cấp: trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện và phường/xã, hoàn toàn không có thể chế cấp vùng tương ứng với phân vùng kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các chủ đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường đều phải nhìn ở cấp độ vùng vì tính chất liên đới, quan hệ chặt chẽ trong không gian phát triển vốn dĩ không có địa giới hành chính.
Hoạt động liên kết giữa các tỉnh, thành hiện nay chủ yếu hình thành dựa theo sáng kiến của một số cá nhân, địa phương và hầu hết nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân. Do chưa có cơ chế quản lý cấp vùng nên mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi vùng bị hạn chế, không thể hiện được vai trò dẫn dắt cho các hoạt động của từng tỉnh, thành và bị hạn chế bởi rào cản quản lý hành chính cấp địa phương.
Liên kết vùng là một trong những động lực phát triển đất nước. Bởi vậy, các bộ, ngành cần có các tổ chức quản lý cấp vùng hoặc cơ chế cấp vùng. Đồng thời, cần có cơ chế phân cấp ngân sách cho những hoạt động ở cấp độ vùng, do các tổ chức quản lý nhà nước cấp vùng hoặc các ban chỉ đạo thực hiện, thông qua những chương trình phát triển cấp vùng. Các tỉnh, thành đóng vai trò là bên tham gia, thực thi trên địa bàn quản lý hành chính của mình.
Riêng TP HCM, muốn phát huy hiệu quả liên kết vùng, liên kết hợp tác kinh tế - xã hội với các vùng hoặc với những tỉnh, thành thuộc các vùng kinh tế - xã hội khác, cần có thể chế "mềm" cấp vùng trong bối cảnh phân cấp quản lý hành chính chưa có. Để đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tới, không nên tiếp tục coi liên kết vùng là mối quan hệ hợp tác phát triển do các tỉnh, thành thiết lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; mà cần thể chế hóa và luật hóa các cơ chế hợp tác phát triển cấp vùng.
Theo đó, hoạt động phát triển cấp tỉnh, thành cần phải tương thích với các quy hoạch và chính sách phát triển cấp vùng. Các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cấp vùng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng thể chế và cơ chế liên kết vùng. Các cơ chế hợp tác có tính bắt buộc này sẽ giúp giảm thiểu những chương trình hợp tác hời hợt, không hiệu quả, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ sự hợp tác của khu vực tư nhân trong sản xuất - kinh doanh.
Tóm lại, cơ chế quản lý, điều phối các hoạt động quản lý nhà nước cấp vùng cần thiết phải được quan tâm và giải quyết sớm từ cấp trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Có như vậy, việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương và các vùng mới được thúc đẩy hiệu quả lên tầm cao mới.