Cần quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần làm phong phú phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và thúc đẩy hệ thống bán lẻ phát triển. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thương mại vẫn còn nhiều bất cập cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức.

Còn nhiều bất cập

Chợ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) được đầu tư xây dựng khang trang. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, chợ chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Ông Lê Võ Hà Quốc-Trưởng ban Quản lý chợ-cho biết: Chợ được xây dựng với kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Sau 15 năm hoạt động, cơ sở hạ tầng vẫn được đảm bảo. Dù vậy, việc thu hút các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ đang gặp khó khăn. “Nhiều hộ đã có lô trong chợ nhưng do tình hình mua bán ế ẩm nên tạm nghỉ. Ngoài các ki ốt quanh chợ hoạt động thường xuyên thì có lúc khu nhà lồng nhỏ chỉ còn khoảng 20 tiểu thương kinh doanh, trong khi khu nhà lồng lớn chỉ lác đác vài hộ kinh doanh các mặt hàng gia dụng. Thực trạng này đã diễn ra trong thời gian khá dài gây lãng phí”-ông Quốc nói.

Sau 24 năm đưa vào hoạt động, Trung tâm Thương mại Pleiku đang xuống cấp trầm trọng. Bày tỏ lo ngại, tiểu thương Nguyễn Thị Diệu nói: “Bên trong khu vực nhà lồng, các tiểu thương buôn bán chủ yếu là quần áo, giày dép, thực phẩm khô… Còn bên ngoài thì bán hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống, gia dụng. Cơ sở hạ tầng ở đây đã xuống cấp trầm trọng, vào mùa mưa rất nhếch nhác nên nơi này ngày càng vắng khách. Cùng với đó, 2 năm qua, do tác động bởi dịch bệnh nên việc kinh doanh rất ế ẩm”.

 Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


Sau những lần thu hút đầu tư không thành vì một số vướng mắc thì Dự án Trung tâm Thương mại Pleiku đã chính thức khởi động lại. Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Hiện tại, Dự án đã có một số nhà đầu tư quan tâm, nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án. Ngay sau khi chọn được nhà đầu tư, thành phố sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng cũng như triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định hoạt động, tạo điều kiện cho Dự án được triển khai thuận lợi, nhanh chóng nhất.

Phát triển theo hướng hiện đại

Hiện nay, mạng lưới chợ được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 94 chợ các loại, trong đó có 1 chợ hạng 1 (chiếm 1,06%), 12 chợ hạng 2 (chiếm 12,76%), 69 chợ hạng 3 (chiếm 73,4%) và 12 chợ tạm (chiếm 12,76%). Hầu hết các chợ đều do UBND cấp huyện, xã trực tiếp quản lý từ khâu cán bộ đến việc thực hiện chế độ thu chi thông qua các ban quản lý với mô hình sự nghiệp có thu hoặc tự chủ tài chính.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 10 siêu thị chuyên doanh và 9 siêu thị tổng hợp. Siêu thị là loại hình kinh doanh hiện đại, chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng, phục vụ văn minh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tuy nhiên, số lượng siêu thị hạng 2 còn ít (3 siêu thị), chưa có siêu thị hạng 1. Thị phần cũng như sức ảnh hưởng của các siêu thị lên thị trường còn thấp, chưa thể hiện được thế mạnh, vai trò trong kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo cầu nối dẫn dắt người sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, giảm thiểu các tầng nấc trung gian trong hệ thống phân phối.

2 Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng là một mô hình mà nhiều thành phần kinh tế tư nhân đang hướng đến.jpg
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng là một mô hình mà nhiều thành phần kinh tế tư nhân đang hướng đến. Ảnh: Vũ Thảo


Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-đánh giá:  Để phát huy hơn nữa vai trò của ngành thương mại trong việc tạo giá trị tăng thêm đóng góp vào tăng trưởng GDP của tỉnh, ngành chức năng đang rà soát tổng thể và đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với các luật chuyên ngành.

Về các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại trong thời gian tới, theo Phó Giám đốc Sở Công thương: Tỉnh sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Cùng với đó là nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm; lồng ghép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Ngoài ra, ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, các chợ biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; đầu tư phát triển các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, cửa hàng xăng dầu, khí hóa lỏng.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.