Cần bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thu ngân sách giảm và gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương tạm thời cắt giảm nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông trong năm nay. Điều này dẫn tới việc một số vị trí hư hỏng trên công trình hạ tầng giao thông sẽ xuống cấp nhanh hơn.

 Thi công đường giao thông nông thôn tại làng Klăh 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Hòa
Thi công đường giao thông nông thôn tại làng Klăh 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Hòa

Huyện Ia Grai có tổng cộng 734 km đường giao thông, trong đó, huyện quản lý 228 km (15 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 188 km và 40 km đường nội thị), các xã quản lý 213 km và khoảng 293 km đường trục thôn, làng. Theo ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai, hiện nay, nhiều tuyến đường đã xuống cấp như: đường liên xã Ia Grăng đi Ia Tô, tỉnh lộ 664 đi xã Ia Khai, đường từ xã Ia Bă đi xã Ia Yok và Ia Sao… “Theo kế hoạch, năm 2020, huyện bố trí 1 tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do tác động bởi dịch Covid-19, thu ngân sách giảm nên năm nay nguồn kinh phí này không được bố trí. Điều này gây tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ chất lượng công trình hạ tầng giao thông”-ông Thừa cho biết.

Tương tự, huyện Chư Pưh cũng tạm thời cắt kinh phí duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông do địa phương quản lý. Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-thông tin: Năm 2020, huyện bố trí hơn 2,1 tỷ đồng dành cho công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông. Năm nay, do khó khăn nên huyện không bố trí kinh phí dành cho công tác này.

Trong khi đó, huyện Chư Sê chỉ bố trí nguồn kinh phí 2 tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình hạ tầng giao thông thuộc cấp huyện quản lý, giảm 1,7 tỷ đồng so với năm 2020. Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Minh Hậu-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng-cho rằng: Nguyên nhân cắt giảm là do một số tuyến giao thông được đầu tư xây dựng cách đây chưa lâu, chất lượng còn khá tốt. Phần nữa vì công tác duy tu, sửa chữa đường sá được huyện triển khai đều đặn qua các năm. Do vậy, năm nay, huyện bố trí kinh phí giảm so với năm trước.

Đường giao thông nông thôn góp phần tạo mạch nối giao thương khắp các thôn, làng và các địa phương với nhau. Ảnh: Lê Hòa
Đường giao thông nông thôn góp phần tạo mạch nối giao thương các thôn, làng và các địa phương với nhau. Ảnh: Lê Hòa


Tuy nhiên, ông Hậu cũng thừa nhận, việc cắt giảm kinh phí như vậy không thể đáp ứng nhu cầu. “Số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một lớn, nhất là sau mỗi mùa mưa thì hệ thống đường thảm bê tông nhựa rất dễ hư hỏng, bong tróc. Nếu được xử lý sớm, các điểm hư hỏng sẽ không loang rộng cũng như ít tốn kém chi phí sửa chữa sau này”-ông Hậu bày tỏ.

Hệ thống giao thông nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, góp phần kết nối các địa phương, là “mạch máu” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết hệ thống đường huyện, đường xã sau khi đầu tư xây dựng, bàn giao cho địa phương quản lý thì việc bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-nhấn mạnh: Các địa phương cần dành nguồn kinh phí lớn hơn cho công tác bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã. Bởi nếu không được duy tu, sửa chữa thường xuyên, đúng định kỳ thì sau mỗi mùa mưa, việc hư hỏng, xuống cấp đường sá sẽ đến rất nhanh, tuổi thọ công trình giảm.

 

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.