Cảm nhận Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng 5, tháng của những ngày hè nóng bức và những cơn mưa đầu mùa bất chợt ùa về đã thôi thúc chúng tôi lên đường khám phá Lý Sơn, hòn đảo xinh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Gần 10 năm đảo được kéo điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm nối từ đất liền, cuộc sống người dân nơi đây đổi thay rất nhiều.

Giữa nghìn trùng sóng nước, nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển. Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn còn nổi tiếng nhờ vào cảnh biển đẹp đến hoang sơ và thơ mộng.

 

Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới.
Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới.


Giữa nghìn trùng sóng nước, nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển. Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn còn nổi tiếng nhờ vào cảnh biển đẹp đến hoang sơ và thơ mộng.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Mỗi ngày có sáu chuyến tàu cao tốc, vận chuyển gần 1.000 khách du lịch ra, vào huyện Lý Sơn từ bến cảng Sa Kỳ. Tất cả các chuyến và giờ khởi hành cũng như giá vé được niêm yết đầy đủ, rõ ràng ở bảng điện tử đặt trong bến cảng. Chỉ mất 45 phút di chuyển, du khách đã đặt chân tới đảo.

Nhằm giúp cho du khách lần đầu tới huyện đảo hoặc đã từng đến thuận tiện trong việc tra cứu các thông tin, tháng 4 vừa qua, UBND huyện Lý Sơn đã cho ra mắt ứng dụng “Khám phá Lý Sơn” dành cho điện thoại thông minh. Du khách cũng có thể tìm đường tới địa điểm với chức năng liên kết Google map, tham quan điểm du lịch bằng chức năng thực tế ảo VR và đánh giá về địa điểm du lịch. Đây là kết quả của đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ phát triển du lịch cho huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” do Trường đại học Huế và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện và chuyển giao cho UBND huyện Lý Sơn.

Huyện đảo Lý Sơn có hai đảo là đảo Lớn và đảo Bé, diện tích tự nhiên chỉ gần 10km2 , dân số khoảng 23.000 người, nhưng có đến gần 100 di tích với một quần thể các đình, đền, chùa, miếu, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền, ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa… Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên Lý Sơn là vùng đất nằm giữa biển khơi này quanh năm đối chọi với sóng to gió lớn và muôn trùng bất trắc của biển, nhưng vẫn đầy kiêu hãnh vì đã ôm cả trên mình nó những dấu ấn văn hóa-lịch sử của hàng nghìn năm trước không phai mờ theo thời gian.

Đứng trên núi Thới Lới từ độ cao gần 170m so với mặt nước biển, một trong những ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng triệu năm, nhìn xuống chân núi, ta có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh đảo Lớn trong tầm mắt, nhìn thấy hàng nghìn ngôi mộ chiêu hồn - những người lính đi Hoàng Sa-Trường Sa hy sinh ngoài biển khơi không trở về, ngư dân nơi đây nặn hình đất sét làm hình nhân thế mạng, chôn dưới ngôi mộ gió cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán.

Một điều không thể thiếu khi đến Lý Sơn, để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc là khi tham quan cột cờ Tổ quốc. Cột cờ được xây dựng theo thiết kế cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam với chiều cao 20m, diện tích lá cờ 4x6m, hướng ra Hoàng Sa. Mặt chính trên đài ghi rõ chủ quyền, kinh độ, vĩ độ của đảo Lý Sơn. Phần thân mầu trắng được bọc ngang mang sắc đỏ của Quốc kỳ, như biểu tượng xương máu cha ông ôm lấy và bảo vệ từng tấc đất, từng dấu mốc ngoài đảo xa. Lá cờ phần phật tung bay trong gió như nói lên niềm tự hào, tình yêu đất nước và ý chí bảo vệ quốc gia của thế hệ thanh niên ngày nay. Từ cột cờ có thể nhìn thấy cụm ra-đa phía đông bắc đảo đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.

Nhờ có điện lưới quốc gia, gần 10 năm trước đây toàn huyện chỉ có một đến hai khách sạn, thì nay có gần 150 cơ sở lưu trú, hàng chục khách sạn mọc lên cùng hơn 100 nhà nghỉ, homestay với tổng số hơn 1.000 phòng, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Vào mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, đến Lý Sơn, nếu không liên hệ đặt trước thì du khách khó có phòng nghỉ theo nhu cầu.


 

Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới, khẳng định cột mốc chủ quyền Việt Nam.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới, khẳng định cột mốc chủ quyền Việt Nam.


Nâng cao chất lượng dịch vụ

Những năm gần đây, huyện Lý Sơn kết hợp với người dân trên đảo đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, mô hình homestay ở đảo Bé hay trải nghiệm du lịch cộng đồng ở đảo Lớn, không chỉ tạo ấn tượng mạnh cho du khách mà còn góp phần gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Du khách đặt chân lên đảo hiện nay có khá nhiều phương tiện để lựa chọn khi đi lại, đó có thể là xe buýt điện của nhiều doanh nghiệp khác nhau chờ sẵn ở bến tàu, đối với đoàn đông và ở xa bến cảng thì có ô-tô grab sẵn sàng phục vụ, còn du khách ở ngay gần bến thì có xe máy và xe đạp. Anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ khách sạn, nhà hàng Hiệp Sĩ chia sẻ: Gia đình anh sở hữu khách sạn 5 tầng với gần 30 phòng khép kín đủ phục vụ cho đoàn khách 100 người. Ngoài ra, anh đầu tư 10 xe máy để du khách có thể thuê với giá cả hợp lý nhằm thuận tiện khi đi lại tham quan trên đảo.

Không chỉ có những kỳ quan đá được kiến tạo từ núi lửa cách đây hàng triệu năm, du lịch Lý Sơn còn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính có tuổi đời hơn 200 năm được bảo tồn khá nguyên vẹn, được ví như những bảo tàng thu nhỏ, những nhân chứng sống về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, ở thôn An Vĩnh: Từ hàng trăm năm trước, nhiều gia đình khá giả ở địa phương mua gỗ trong đất liền, thuê tàu mang ra đảo làm nhà ba gian theo kiến trúc nhà rường lợp mái tranh, hoặc nhà mái lá. Do thường xuyên đối mặt với gió bão, người dân nơi đây đã thay mái lợp ngói hoặc tôn xi-măng cho phù hợp. Căn nhà cổ của tộc họ Nguyễn này đã có niên đại hơn 200 năm. Gian nhà chính với nhiều cửa gỗ, kèo, cột gắn kết chặt với nhau. Dòng họ đã mời những người thợ mộc ở tỉnh

Quảng Nam và thợ chạm từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào đây để làm suốt gần sáu tháng. Hầu hết các nhà cổ ở đảo nơi đây là nhà thờ của các tộc họ. Kiến trúc nhà rường có ba gian thờ được chạm khắc, trang trí với nhiều hoành phi, liễn đối rực rỡ. Nhờ ý thức bảo tồn của cư dân đảo khá tốt, hệ thống nhà cổ nơi đây còn được giữ nguyên vẹn.

Cũng như gia đình ông Tùng, gia đình ông Lê Lý, thôn Đông An Hải đang sống trong căn nhà cổ hơn 150 năm dựng trên 42 cột. Trước đây, căn nhà có mái lợp bằng cỏ tranh, nhưng vật liệu này ngày càng ít dần nên gia đình ông lợp mái bằng ngói đất. Ông Lý cho biết, nhiệt độ trong nhà cổ luôn hài hòa (mùa nắng thì mát, mùa đông ấm áp), không gian yên tĩnh rất phù hợp cho nghỉ dưỡng. Tất cả du khách khi đến thăm Lý Sơn đều dễ dàng trải nghiệm không gian của các nhà cổ ở đây vì hầu hết các gia đình luôn mở cửa đón du khách mà không thu phí. Đặc biệt, du khách nước ngoài khi đến Lý Sơn rất thích ở những nhà cổ này theo mô hình du lịch cộng đồng.

Tháng 2 vừa qua, UBND huyện Lý Sơn đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhà trưng bày bộ xương cá Ông có niên đại từ 250-300 năm tại di tích Lăng Tân thuộc thôn Đông An Vĩnh. Đây là sản phẩm du lịch mới ở huyện đảo Lý Sơn và trước mắt vẫn đang mở cửa tự do đón du khách vào xem. Hai bộ xương cá Ông được phục dựng mô phỏng với thế cá đang đẩy mình uốn lượn bơi, với chiều dài 18m và 22m, cao gần 4m. Bà Phạm Phương Hạnh, du khách từ Đồng Nai, chia sẻ: Gia đình tôi đã nghe đến công trình này và hôm nay có dịp đến Lý Sơn nên đến tham quan và chiêm ngưỡng ngay. “Việc phục chế hai bộ xương và đặt ngay cạnh di tích Lăng Tân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch của huyện đảo Lý Sơn trong tương lai. Phục dựng bộ xương cá Ông như thế này bà con rất phấn khởi bởi bộ xương Ông mới được bảo vệ trường tồn cho các thế hệ con cháu đời sau”, ông Nguyễn Văn Năng, thôn Đông An Vĩnh phấn khởi cho biết.

Cách đảo Lớn ba hải lý về phía tây bắc, du khách sẽ có dịp đến với đảo Bé, được xem là bãi tắm hoang sơ đẹp nhất ở Việt Nam. Kỳ thực, biển ở Lý Sơn đều rất đẹp, bởi hội tụ rất nhiều các yếu tố như bãi cát trắng mịn, mầu nước biển xanh trong vắt và nắng thì vàng tươi. Những bãi tắm ở đây được bao bọc bởi những vách đá nham thạch kỳ vĩ. Với một bên là mầu xanh trong đến tận cùng, một bên lại xuất hiện những lớp đá với mầu đen huyền bí, như tô vẽ thêm cho không gian của đảo Lý Sơn thêm phần mê hoặc. Đến đảo Bé tham gia lặn ngắm san hô là trải nghiệm tuyệt vời nhất ở đây, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn những rạn san hô đầy mầu sắc.

Hay du khách có thể cùng bạn bè tổ chức cắm trại qua đêm, đốt lửa trại và thưởng thức bữa tiệc thịt nướng ngay trên bờ biển thơ mộng; cùng ghi lại những khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn đầy ảo diệu để bắt đầu một ngày mới tràn đầy sức sống bên cạnh thế giới biển bao la. Hoặc có thể thuê xe đạp để dạo một vòng quanh đảo, xóa bỏ những mệt mỏi, nhọc nhằn của cuộc sống để cho tâm hồn thư thái, tự do hay chèo xuồng kayak, chèo sup, cano kéo phao chuối, câu cá, đánh lưới, đuổi mực…

Nhiều du khách cũng tỏ ra bất ngờ khi đến với đảo Bé. Tại đây, họ bắt gặp những homestay nhà sàn bằng gỗ xinh xinh rộng hơn 40m2 bên bãi biển. Đến với hòn đảo hoang sơ này, họ được trải nghiệm cuộc sống của người dân như cùng ăn, cùng ở trong một không gian gia đình. Chị Vũ Mai Anh, du khách từ Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: “Mình sống ở thành phố Hồ Chí Minh cuộc sống rất là bận rộn rồi cho nên khi đi nghỉ dưỡng với gia đình thì cũng muốn quay trở lại với thiên nhiên, vì vậy đảo Bé là sự lựa chọn của cả gia đình”.

Đảo Bé hiện có hơn 10 homestay được làm bằng vật liệu gỗ do các bạn trẻ thiết kế. Điều đặc biệt là các homestay này không có sự can thiệp của bê-tông cốt thép, tạo sự gần gũi với thiên nhiên. Khi xây dựng các homestay người dân đảo Bé đặt mục tiêu là không tác động đến cảnh quan, địa chất môi trường trên đảo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: Được ví như thiên đường xanh, thiên đường giữa biển, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách. Từ ngày 20 đến 22/5 vừa qua hơn 60 vận động viên thuộc sáu câu lạc bộ dù lượn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… tập trung về huyện đảo Lý Sơn, tham gia giải lần thứ 2. Do đúng vào dịp nghỉ lễ cuối tuần cho nên có lúc cao điểm Lý Sơn đón gần 4.000 khách du lịch.

Có thể nói Lý Sơn có tiềm năng, lợi thế rất lớn để du lịch có thể cất cánh trong tương lai gần. Chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là “hạt nhân” du lịch Quảng Ngãi, nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu 4D có ý nghĩa thiết thực phục vụ phát triển du lịch Lý Sơn, nhất là hướng đến du lịch thông minh, tiện ích. Với ứng dụng trên điện thoại này sẽ giúp du khách có một trải nghiệm mới và phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch của người dân.

Chia tay Lý Sơn sau một ngày đêm, mỗi người trong chúng tôi đều cảm thấy lưu luyến. Chắc chắn lần sau khi trở lại nơi này chúng tôi hay mỗi du khách sẽ cảm nhận được sự đổi thay và nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với hòn đảo thân yêu này.

Bài, ảnh: Tuấn Dũng và Phong Chương
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.