Cảm hứng từ những trí thức trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Th.S Huỳnh Thanh Trúc và TS. Trần Xuân Quỳnh là 2 đại biểu trí thức trẻ tiêu biểu tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII. Họ là gương sáng trên hành trình dấn thân, nỗ lực hiện thực hóa, thu hẹp khoảng cách từ nghiên cứu khoa học tới thực tiễn.

Lập mô hình ảo, tăng thực hành cho sinh viên

Trong hồ sơ lý lịch khoa học của Th.S Huỳnh Thanh Trúc (SN 1991), giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận, có phần khiêm tốn về số lượng bài báo nghiên cứu. Nhưng cô lại nổi bật với 2 đề tài khoa học đã được ứng dụng rộng rãi cho hoạt động dạy, học của sinh viên. Cô Trúc nói vui: “Chẳng dễ gì để thực hiện 1-2 đề tài khoa học ứng dụng được cho sinh viên. Nói sứ mệnh của nhà khoa học có phần to tát và thần thánh hóa, nhưng với tôi, kết quả từ sự đổi thay của học trò đã là hoàn thành sứ mệnh của mình đặt ra”.

Th.S Huỳnh Thanh Trúc

Th.S Huỳnh Thanh Trúc

Th.S Trúc đã chủ trì đề tài “Ứng dụng mô hình doanh nghiệp ảo vào giảng dạy kế toán tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận” và được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2018. Theo cô Trúc, thực tế, nhiều sinh viên học ngành Tin học ứng dụng ra trường chọn nghề kế toán. Tuy nhiên, khi theo học, các bạn ít được học môn kế toán và tới 80% là lý thuyết.

“Tôi cho rằng, nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải bắt đầu từ một vấn đề vĩ mô, hãy nhìn từ thực tế để chấp bút cho những nghiên cứu có giá trị và gần gũi, giải quyết nhu cầu cho những người xung quanh ta”.

Th.S Huỳnh Thanh Trúc

Thấy cựu sinh viên liên lạc hỏi về các tình huống gặp phải trong quá trình đi làm, cô Trúc đã kết hợp cùng thầy cô trong khoa để nghiên cứu ứng dụng mô hình doanh nghiệp ảo vào giảng dạy kế toán cho sinh viên. “Đầu tiên, nhóm nghiên cứu xây dựng chương trình học, đưa phần mềm Misa vào phần thực hành sổ sách chứng từ kế toán, đặt ra những tình huống phát sinh trong thực tế để lồng ghép trong quá trình giảng dạy”, cô Trúc nói. Kết quả nghiên cứu của cô đã được áp dụng trong giảng dạy tại trường.

TS. Trần Xuân Quỳnh

TS. Trần Xuân Quỳnh

Sau khi kiêm nhiệm thêm công tác Đoàn, cô Trúc tiếp xúc nhiều hơn với sinh viên, hiểu nguyện vọng, tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên nên đã chủ trì đề tài “Giải pháp nâng cao ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận”. Đây là nghiên cứu tập trung đề xuất giải pháp sáng tạo, sáng kiến để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, hình thành ý tưởng, xây dựng kế hoạch khởi nghiệp cho sinh viên.

“Ở tỉnh Ninh Thuận, đa số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, sinh viên ra trường hầu như tìm kiếm công việc rất khó, nếu như đi theo lối mòn, các em sẽ dễ thất nghiệp. Trong khi đó, sinh viên có tinh thần, nhu cầu tự tạo và quản lý doanh nghiệp của bản thân và đổi mới mô hình kinh doanh hiện tại của địa phương. Từ tính mới và thực tiễn của đề tài thời điểm đó (năm 2019), nhà trường ngay lập tức đã thay đổi chương trình học và thêm môn ý tưởng khởi nghiệp vào giảng dạy trên tất cả các ngành học”, cô Trúc nói.

Truyền tải thông điệp tới Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, cô Trúc cho rằng, giáo viên, giảng viên trẻ sẽ là người chỉ dẫn để sinh viên khởi phát và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Tiếp lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Trở về Việt Nam công tác sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Pháp, TS. Trần Xuân Quỳnh (SN 1990), hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, luôn để lại ấn tượng cho sinh viên về một người thầy vừa giỏi chuyên môn vừa năng động với các hoạt động Đoàn.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ngành Khoa học quản lý tại Đại học Côte d ‘Azur (Pháp), TS. Quỳnh đã tham gia 3 hội thảo quốc tế và bắt đầu phát triển hướng nghiên cứu về giải pháp nâng cao hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong nước.

Đến nay, anh đã có hơn 10 bài báo khoa học quốc tế và trong nước. Trong đó, nổi bật nhất là chuỗi đề tài nghiên cứu trải nghiệm khách hàng tại các mô hình cà phê Việt Nam với những gợi ý mới để gia tăng chất lượng trải nghiệm khách hàng, lòng trung thành trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của mô hình café hiện đại.

TS. Quỳnh cho rằng, định hướng nghiên cứu về khách hàng, dịch vụ của anh sẽ khơi gợi hứng thú cho sinh viên trong xu hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiện nay. “Vì thế, khi là Chủ tịch Hội Sinh viên (HSV), tôi có nhiều cơ hội hơn để lan tỏa tinh thần học tập và nghiên cứu khoa học qua các chương trình, hoạt động mang tính học thuật”, TS. Quỳnh nói.

Năm học vừa qua, anh chủ trì thành lập CLB RIC (Research and Innovation Club) để tạo sân chơi học thuật thường xuyên cho sinh viên. Trong năm học 2023-2024, HSV của trường tiếp tục đề xuất một sân chơi lớn về khoa học ứng dụng, đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng qua chuỗi hoạt động có tên “Festival Nghiên cứu khoa học ứng dụng dành cho học sinh và sinh viên địa bàn Đà Nẵng”.

“Đây là cuộc thi lớn, lần đầu tiên được tổ chức bởi HSV, nhưng mang tầm cỡ thành phố, không chỉ giới hạn cho sinh viên của Trường Kinh tế mà còn cho sinh viên toàn thành phố và cả học sinh THPT”, TS. Quỳnh cho biết.

Thông qua việc chỉ đạo, định hướng cho 18 CLB, đội nhóm (thuộc Hội Sinh viên ĐH Kinh tế) với nhiều lĩnh vực: học thuật, kỹ năng xã hội, tình nguyện, văn thể mỹ, thể dục thể thao..., TS. Quỳnh mong muốn HSV sẽ là cầu nối, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của hơn 13.000 sinh viên trong trường. “Từ sân chơi của mỗi CLB sẽ giúp phát hiện và tìm kiếm tài năng trong mỗi chuyên ngành đào tạo của nhà trường”, TS. Quỳnh nói.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.