Cô gái 9x 'tô màu' cho bánh đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những nguyên liệu sẵn có, Nguyễn Thị Nhàn (SN 1995) đã 'mặc áo mới' cho chiếc bánh đa vừng truyền thống. Chiếc bánh đa làm từ gấc, khoai lang tím có màu sắc đẹp, bắt mắt, nâng doanh thu lên gấp rưỡi.
Cơ sở sản xuất của gia đình Nhàn đang “độc quyền” sản phẩm bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím

Cơ sở sản xuất của gia đình Nhàn đang “độc quyền” sản phẩm bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím

Nhanh tay lật chiếc bánh đa gấc, Nguyễn Thị Nhàn (SN 1995) ở làng nghề Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết: “Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, đơn hàng giảm, sức tiêu thụ giảm, bánh đa làm ra không biết bán đi đâu. Tận dụng thời gian rảnh rỗi này, tôi tìm cách thử nghiệm các nguyên liệu mới bằng cách pha trộn các nguyên liệu làm bánh đa truyền thống với thịt quả gấc”.

Từ nhỏ, Nhàn làm quen với việc phụ mẹ tráng bánh. Dần dà, cô được mẹ truyền bí quyết pha trộn nguyên liệu. Chia sẻ về quy trình làm ra chiếc tráng bánh đa gấc, từ khi bắt tay vào thử nghiệm đến thành công, cô gái trẻ không nhớ nổi mình đã bao lần phải đổ bỏ nguyên liệu sau pha chế.

Bằng việc pha trộn gấc và gạo với tỉ lệ nhất định, bánh đa có màu sắc bắt mắt nhưng vẫn giữ nguyên vị

Bằng việc pha trộn gấc và gạo với tỉ lệ nhất định, bánh đa có màu sắc bắt mắt nhưng vẫn giữ nguyên vị

Sau thành công của bánh đa gấc, Nhàn thử nghiệm bánh đa khoai lang tím. Nếu như bánh đa gấc có thể làm quanh năm thì bánh đa khoai lang tím chỉ có thể làm theo mùa. “Bánh đa khoai lang tím kỳ công hơn. Khoai phải rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín, đánh nhuyễn rồi trộn với bột gạo. Tỉ lệ thành phần giữa khoai và bột gạo phải điều chỉnh nhiều lần mới đạt được độ chuẩn. Nếu tỉ lệ khoai quá nhiều, bánh sẽ mất độ kết dính trong quá trình hấp tráng, bị vỡ khi dỡ ra”, Nhàn nói.

Kỳ công trong từng công đoạn, tuy nhiên khi đưa bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím ra thị trường lại không được như kỳ vọng. Một số khách hàng hoài nghi, cho rằng màu sắc bánh được tạo thành từ phẩm màu công nghiệp.

Làng nghề Vĩnh Đức (thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An) có tuổi đời gần 300 năm, nổi danh với sản phẩm bánh đa vừng, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu nước ngoài. Mỗi năm, sản phẩm bánh đa mang về doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng cho gần 40 hộ sản xuất.

Dần dần, những chiếc bánh đa mang hương vị đặc biệt này đã chinh phục những vị khách khó tính. Trong số gần 40 hộ chuyên sản xuất bánh đa của làng nghề Vĩnh Đức, gia đình Nhàn đang “độc quyền” cung cấp bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím. “Trung bình mỗi ngày, tùy theo lượng hàng khách đặt, tôi tráng từ 400 đến 1.000 chiếc bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím, cao điểm có thể lên tới 1.500 sản phẩm/ngày. Những chiếc bánh đa sau khi được phơi khô, có thể đóng thùng hoặc nướng chín theo yêu cầu của khách. Bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím bán sỉ với giá 3.000 đồng/chiếc bánh sống, 3.500 đồng/chiếc bánh đã nướng chín, bán lẻ 4.000 đồng/chiếc, cao hơn 1.000 đồng/chiếc so với bánh đa vừng đen truyền thống”, Nhàn cho hay.

Chia sẻ về những dự định tương lai, Nhàn cho hay: “Hiện, bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím, sau 2 năm đi vào sản xuất đã tiếp cận được nhiều đối tượng khách lẻ và các đại lý quen. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn”.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.