Cạm bẫy bủa vây người xuất khẩu lao động: Bước đường cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề dường như chưa hiệu quả, đã từ lâu nhiều vùng nông thôn xem xuất khẩu lao động là lối thoát, là cứu cánh cuối cùng để thoát nghèo. Nhưng liệu có phải cứ đi nước ngoài là hết khổ?
Loạt bài này là bức tranh về phong trào xuất khẩu lao động đang ngày một rộng khắp ở các vùng nông thôn: Có thể thoát nghèo nhưng cũng đầy rẫy những rủi ro, cạm bẫy…
hững ngôi làng trắng thanh niên, những phong trào xuất ngoại ngày càng rộng khắp, thậm chí là vay mượn, cầm cố để đi xuất khẩu lao động. Có cảm giác, lao động nông thôn đang tìm đủ mọi cách để rời làng…  
Không biết làm gì thì... đi xuất khẩu lao động
Phòng Lãnh sự - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam có địa chỉ tại tầng 20A, tòa nhà PVI, số 1 đường Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Đã hơn một tháng sau Tết Nguyên đán, thời điểm cơn lốc xuất ngoại nổi lên ở các vùng nông thôn Việt Nam, nhưng số người đến làm thủ tục nhập cảnh vào Đài Loan vẫn đông nghìn nghịt.
Tất nhiên, đa phần trong số đó là làm thủ tục để mang sức lao động đi bán ở xứ người. Đủ độ tuổi, đủ thành phần, đủ vùng miền. Từ những trung niên đến đám trẻ mới chỉ học xong phổ thông trung học. Đông nhất vẫn là các vùng nông thôn ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ như Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
 
Không biết làm gì thì đi xuất khẩu lao động
Hôm nay số lao động đến làm thủ tục cấp visa đông đến mức hết giờ làm việc buổi sáng mà số người bốc phiếu vẫn còn xếp hàng dài. Họ tranh thủ ăn vội bữa trưa qua loa rồi chợp mắt trên ghế đá vườn hoa dưới chân tòa nhà chờ đến giờ làm việc buổi chiều. Lân la hỏi chuyện từng người, tất cả đều có chung công thức: Ở quê không có việc làm – vay tiền ngân hàng - đi xuất khẩu lao động. Những đúc rút không khác gì bước đường cùng của những lao động nông thôn.
“Đi xuất khẩu lao động bây giờ dễ lắm. Chỉ cần có sức khỏe là ok hết. Mạng lưới môi giới về đến tận nhà “săn đầu người”, chỉ cần gật cái là đi nước ngoài thôi”, Phạm Văn Tuyến, quê ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh bắt chuyện.
Tuyến kể, anh ta đã 33 tuổi, một vợ 2 con, gần 15 năm trời sau khi học hết phổ thông trung học, làm tất tật những nghề gì có thể nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc túng quẫn thì môi giới lao động tìm đến tận nhà “vận động” đi Đài Loan kèm theo viễn cảnh được vẽ ra về một sự đổi đời. “Không thể cắm sổ đỏ nhà mình vì vẫn còn đang nợ ngân hàng, vợ chồng em phải nhờ sổ của hai bên nội ngoại để mượn 150 triệu đồng trang trải cho việc đi đơn hàng lần này. Cũng chưa biết bao giờ mới trả hết nợ, nhưng nghe môi giới nói sang bên kia chịu khó làm ăn thì khoảng vài ba năm có thể trả xong”, Tuyến nói.
Đi cùng Tuyến lần này ở Hà Tĩnh còn có khoảng hơn 10 lao động nữa. Họ bắt đầu làm thủ tục từ trước tết nhưng vẫn đang phải đợi để chọn đơn hàng phù hợp. Tất cả được môi giới tập trung đưa vào một trung tâm môi giới tổng nằm trên đường Phạm Thận Duật (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). Tại đây, việc đầu tiên các lao động phải làm là “cọc” 1.000 USD cho trung tâm môi giới để đề phòng việc bỏ trốn. Sau đó là các quy trình làm thủ tục cấp hộ chiếu, khám sức khỏe, đóng “vi” (cấp visa), học tiếng, phỏng vấn và chờ đơn hàng…
Theo quy định thông thường, mức trần đối với lao động công nghiệp ở Đài Loan rơi vào khoảng 4.000 USD, nhưng những người như Tuyến thường phải đóng chênh lệch thêm khoảng 1.000 USD. Mức tiền này được cho là để chi trả phí môi giới cho hệ thống chân rết tuyển dụng lao động ở các địa phương.
Thời đại công nghệ 4.0, mạng lưới của các công ty cung ứng lao động phủ khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến tận từng hộ gia đình. Thông thường, các Công ty XKLĐ khi có đơn hàng từ những thị trường phổ biến như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tung qua mạng xã hội như facebook, zalo, viber cho các môi giới trung gian, môi giới ở các địa phương để tuyển người.
Để nhận được đơn hàng phù hợp, ngoài các khoản đóng tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đào tạo, tiền ký quỹ bảo đảm hợp đồng, những lao động như Tuyến còn phải đóng thêm hàng loạt các khoản tiền khác như lệ phí cấp hộ chiếu, visa, vé máy bay, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Có những khoản thu như phí đào tạo ngoại ngữ, học viên chỉ học dăm câu thoại phổ thông nhưng phía trung tâm môi giới thu tới hơn 3 triệu đồng. Tổng cộng, để hoàn thiện thủ tục sang Đài Loan có những lao động vượt mức trần lên tới 2.000 USD.
Trường hợp của Lê Tiến Dũng (quê ở Hà Tĩnh), chưa kể chi phí khám sức khỏe, làm thủ tục hộ chiếu đã phải đóng tới 134 triệu đồng kèm theo lời hứa sau 3 tháng phía công ty sẽ hỗ trợ lại khoảng 300 USD.
“Có nhiều trường hợp bị môi giới thu thêm các khoản bên ngoài nhưng đành phải chấp nhận để đi cho nhanh chứ ở lại ngày nào chết tiền lãi ngân hàng ngày đó”, cầm trên tay tờ phiếu thu tiền cọc trúng tuyển đơn hàng với mức đóng 23,5 triệu đồng chỉ duy nhất chữ ký của người lập phiếu, một lao động quê ở Hà Tĩnh nói.  
“Làng em bây giờ không còn thanh niên nữa”
Trong câu chuyện với nhóm thanh niên làm thủ tục xuất khẩu người Hải Dương, một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về số lao động ở nước ngoài, Nguyễn Duy Hùng (20 tuổi), một thanh niên chỉ mới vừa học xong phổ thông nói với chúng tôi như thế.
 
Ruộng đồng xã Hùng Sơn chỉ còn lại người già
Theo lời giới thiệu của Hùng, chúng tôi về xã Hùng Sơn (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), một trong rất nhiều vùng nông thôn ở Đồng bằng sông Hồng mà người dân đã chọn lối thoát bằng con đường xuất khẩu lao động từ hàng chục năm trước. Chủ tịch UBND xã Triệu Duy Hiền xác nhận: Đúng là xã gần như trắng thanh niên thật rồi. Ruộng đồng bây giờ dân bỏ hoang không thèm cấy. Đợt huấn luyện nghĩa vụ quân sự vừa rồi xã phải gọi cả đàn bà, con gái tham gia bởi lớp thanh niên cứ đủ tuổi là rời làng. Đến như cán bộ xã chúng tôi cũng khó thể tìm lớp kế cận khi bọn trẻ bỏ làng đi nước ngoài hết.
Hùng Sơn là vùng thuần nông có truyền thống nghèo bậc nhất vùng Thanh Miện. Ông Chủ tịch xã tiết lộ mức thu ngân sách hàng năm chỉ vỏn vẹn khoảng 100 triệu đồng. Toàn bộ chi tiêu trong xã đều phải nhận hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.
Từ hàng chục năm trước phong trào bỏ làng ở Hùng Sơn đã rất rầm rộ. Đến thời điểm hiện tại, số lao động xã Hùng Sơn ở nước ngoài chiếm khoảng 20% trong tổng số 3.600 khẩu. 170 ha đất sản xuất vụ này nhân dân bỏ hoang lên tới hơn 10 ha. Vận động mãi cũng chỉ lác đác vài ông bà già nhận làm cho có. Còn như ruộng đất công điền của xã, trước đây còn có người thuê chứ bây giờ thì bỏ hẳn.
Như thôn Triệu Nội, trưởng thôn Triệu Duy Tỏi vừa khoe dân làng ông giờ có mặt ở 17 quốc gia trên thế giới, mỗi gia đình có ít nhất một người đi, vừa giải thích lý do tại sao phong trào rời làng ở đây lại khủng khiếp đến như vậy: “Làm ruộng từ bao đời nay rồi vẫn có thoát nghèo được đâu. Trước khi phong trào xuất khẩu lao động rộ lên, cứ tháng ba ngày tám là dân đây chạy ăn vã mồ hôi hột. Không tìm đường mà đi thì biết làm gì hả chú”.
 
Trưởng thôn Triệu Nội: Người làng tôi bây giờ ở 17 quốc gia trên thế giới
Cạnh xã Hùng Sơn là xã Quang Minh (huyện Gia Lộc), nhà cao tầng mọc san sát, nhưng rất nhiều trong số đó đóng cửa từ nhiều năm vì dân bỏ làng đi xuất khẩu lao động nhiều quá. Cánh đồng năm ở giữa hai xã, chỉ lác đác vài người già canh tác, còn lại bỏ hoang.

Mặc dù đã cầm trong tay đơn hàng đi giúp việc ở Đài Loan, Phạm Thị Xuyến quê ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nói giọng buồn: Chị ngoài 40 rồi, hơn 10 năm làm công nhân ở Bình Dương, tiền tích cóp chỉ đủ mua được chiếc xe máy. Về quê không có việc làm lại phải ra đi. Vay mượn ngân hàng 50 triệu đồng nhưng đơn hàng giúp việc, lương thấp lắm nên không biết đến khi nào mới trả nổi.

Hoàng Anh (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.