Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân xuống còn 17% và 29% trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi trong năm 2023, Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách.

Hiện nay, Gia Lai vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân và tỷ lệ SDD thể thấp còi cao so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân giảm từ 23,2% (năm 2017) xuống còn 22,5% (năm 2022); tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm từ 34,6% (năm 2017) xuống còn 29,9% (năm 2022). Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân toàn quốc năm 2020 là 11,6% và tỷ lệ SDD thể thấp còi là 19,5%.

Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước. Ảnh: N.N

Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước. Ảnh: N.N

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD tại Gia Lai còn cao đó là do cách chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời chưa được chú trọng, thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều gia đình do kinh tế khó khăn nên chưa chú tâm chăm sóc, cho trẻ ăn chưa đảm bảo chất và lượng dẫn đến trẻ nhẹ cân thiếu ký, lâu dần SDD.

Chia sẻ về cách chăm sóc trẻ, chị Hy (làng Hnap, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết: Con trai 20 tháng tuổi nhưng chỉ nặng hơn 8 kg và thấp còi hơn những trẻ cùng trang lứa. Gia đình còn khó khăn nên cũng ít chú trọng xây dựng thực đơn riêng cho bé dẫn đến chưa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Cùng cảnh ngộ, chị Huế (làng Pơ Nang 2, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) cho hay: Con gái thứ 2 của chị được 2 tuổi nhưng nặng chỉ có 8 kg. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết cháu bị SDD thể nhẹ cân. Để cải thiện dinh dưỡng cho con, chị Huế đã theo học một lớp hướng dẫn về dinh dưỡng cho trẻ do cán bộ y tế xã tổ chức và đang cố gắng xây dựng thực đơn phù hợp cho con.

Theo bác sĩ Trần Quốc Nhu (Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi tỉnh), có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị SDD; trong đó, giai đoạn quan trọng và là nền tảng của trẻ nằm ở 1.000 ngày đầu đời. Trong giai đoạn này, nếu chăm sóc tốt sẽ giúp trẻ có điều kiện phát triển về sau, bằng không thì ngược lại. Đa số trẻ SDD nhập viện điều trị là trẻ vùng đồng bào DTTS; trung bình cứ 3 cháu thì có 1 cháu SDD.

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, tỉnh đã triển khai các chương trình và thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng-chống SDD trẻ em. Đây là 1 trong 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Dự án chú trọng đến công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thông qua hỗ trợ can thiệp trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng-chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng (cung cấp gói tư vấn dinh dưỡng, đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng, quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng...). Hỗ trợ can thiệp trực tiếp trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ SDD, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng-chống SDD... Đồng thời, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em 0-16 tuổi.

Xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) triển khai hiệu quả mô hình quản lý, điều trị SDD cho trẻ em. Bà Huỳnh Thị Phương Dung-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã-thông tin: Dự án đã giúp 60 trẻ thoát khỏi tình trạng SDD. Ngoài ra, cán bộ y tế thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tư vấn về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ nhỏ (nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung, chăm sóc trẻ bệnh…); hướng dẫn lựa chọn chế biến thức ăn cho từng độ tuổi trẻ cũng như tư vấn cách sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương… góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.

Các bà mẹ có con suy dinh dưỡng trên địa bàn xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang được hỗ trợ các sản phẩm năng lượng cao để điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Các bà mẹ có con suy dinh dưỡng trên địa bàn xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang được hỗ trợ các sản phẩm năng lượng cao để điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Như Nguyện

Mới đây, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, tỉnh triển khai xây dựng Câu lạc bộ Chế biến thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dựa vào cộng đồng với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi tại các xã dự án nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, trước mắt, UNICEF Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để xây dựng thí điểm Câu lạc bộ tại xã Ayun (huyện Mang Yang) và xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Mục tiêu đến năm 2026, hoàn thành xây dựng Câu lạc bộ Dinh dưỡng tại 9 xã dự án và với các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia, có thể mở rộng đến 42 xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2026.

Có thể bạn quan tâm

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.