Điều đó một lần nữa đặt ra yêu cầu phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mặc dù khẳng định chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đã được cải thiện, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chuyển biến đáng kể, song các báo cáo của VCCI cho thấy tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực vẫn còn khá phổ biến, khiến người dân và doanh nghiệp lo ngại. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng đang được tiến hành quyết liệt với những thành quả quan trọng, nhiều vụ án lớn nhỏ ở trung ương và địa phương được điều tra, xử lý nghiêm minh thì đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Nhất là khi chỉ số này của năm 2022 tăng mạnh so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Quang Tấn |
Cuộc điều tra PCI năm 2022 được tiến hành trên gần 12.000 doanh nghiệp (gồm 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam) cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện các TTHC, nhất là những phiền hà về thuế, phí với các vướng mắc không chỉ do khó khăn trong việc nắm bắt và tuân thủ quy định mới mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi bị thanh tra, kiểm tra thuế đã tăng lên đáng kể (từ 33,8% năm 2021 lên 54,5% năm 2022). Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh sau khi gặp trở ngại về TTHC trong lĩnh vực đất đai khá phổ biến.
Nhìn vào thực tế tăng trưởng kinh tế quý I năm nay, đặc biệt là con số hơn 20.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường mỗi tháng, có thể thấy rằng, những khó khăn của doanh nghiệp và người dân không chỉ do tác động từ bên ngoài mà còn ở chính chất lượng điều hành ở cấp địa phương.
Không phải ngẫu nhiên mà cả 2 chỉ số PCI và PAPI năm 2022 do các tổ chức khác nhau, cách thức điều tra và đối tượng nghiên cứu khác nhau nhưng lại cho kết quả khá tương đồng với địa phương đứng đầu bảng xếp hạng cả 2 chỉ số này là Quảng Ninh. Tiếp đến, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp… là những địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành kinh tế cao trên bảng xếp hạng. Để có được thành quả đó, trong nhiều năm qua, những địa phương này luôn chú trọng xây dựng nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong việc nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn và dám chịu trách nhiệm; chuyển nền hành chính từ quản lý sang phục vụ; mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, so với những năm trước, công tác cải cách TTHC ở nhiều địa phương trong năm 2022 có phần chững lại, mà một trong những nguyên nhân có thể là do có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn e dè, sợ sai trong thực thi công vụ. Tình trạng này phần nào làm chậm quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đành rằng trên thực tế vẫn còn tình trạng văn bản pháp luật chưa thống nhất, không phù hợp, thiếu tính khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… đã tồn tại từ lâu, chậm được khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư, song cùng một thể chế, chính sách ấy, vì sao vẫn có những địa phương vượt lên, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy, ở đâu các cấp chính quyền địa phương đồng hành, quyết tâm khắc phục khó khăn, không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thì ở đó có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, vì người dân, vì doanh nghiệp; ở đó kinh tế phát triển.