Cái bang Tây hành tẩu giang hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu cái bang (phái ăn mày) của Kim Dung hoạt động ở Trung Nguyên, thì cái bang Tây thời nay trải rộng khắp thế giới. Hành tẩu vào Việt Nam, cái bang Tây có đủ nghề 'độc' để mưu sinh.
 
Jimmy ngả mũ xin tiền sau màn trình diễn ở khu phố Tây, Ảnh: Nguyễn Đình
Cái bang Tây cũng phân đẳng cấp nhất định. Bèo bọt nhất là những gã lấy tấm giấy viết tay xếp trước mặt, ngồi vỉa hè xin tiền lộ liễu. Nhiều cái bang Tây đẳng cấp thượng thừa hơn, kiếm tiền bằng tài năng và lao động thực sự.
Cái bang nghệ sĩ
Những kiểu ăn mày của lữ khách Tây khi đến các nước Đông Nam Á rất đa dạng, như xưa cũ với tấm biển ghi bằng chữ bản địa, đại loại như: “Tôi đang du lịch vòng quanh Đông Nam Á, cần tiền ủng hộ để tiếp tục hành trình...” hay mới đây có chuyện hai anh Tây đến VN, đã đi qua 25.000 km bằng xe máy và hiện cần tiền đi tiếp… Những màn vừa khoe thành tích, vừa kể khổ như thế đánh vào lòng từ bi và sự thương cảm của cộng đồng. Hóa ra vùng Đông Nam Á như VN, Indonesia, Thái Lan, Myanmar… lại có nhiều đất diễn cho Tây bụi sống bám từ tiền bố thí.
Những cái bang như Jimmy (Anh), Triin (Estonia), Chadmo, Johnnie (Mỹ)... lại là một hệ khác. Bốn tay chơi này được liệt vào hàng cao thủ, hành tẩu khắp thế giới. Khi đến VN, cả nhóm sử dụng biệt tài về âm nhạc và hội họa của mình mưu sinh.
Phải “lội” đến ba cái xuyệt (sur) ở phố Tây Bùi Viện mới mò ra nơi trọ của nhóm cái bang độc chiêu này. Hơn 3 giờ chiều, đứng từ dưới dãy nhà trọ đã nghe nhạc hòa tấu theo phong cách jazz đầy sôi động. Đây là giờ tập luyện của cả nhóm trước khi rời nhà ra phố kiếm cơm.
Căn phòng nhỏ xíu chừng 15 m2, Jimmy đang nằm giường thổi clarinet, em út Triin chơi guitar, ông anh cả Johnnie chơi contrebass. Tay trống Chadmo đang lang thang khám phá Sài Gòn nên vắng mặt ở buổi tập.
Phút nghỉ giải lao, Jimmy cho biết: “Chúng tôi là nghệ sĩ, mỗi người chơi một nhạc cụ, làm quen nhau qua mạng. Hễ đi đến đâu, gặp người có cùng hành trình, chúng tôi sẽ ráp nối, tập dượt để diễn cho ăn ý. Chúng tôi đi du lịch, cần tiền, và chơi nhạc chính là cách kiếm tiền phục vụ các chuyến đi kế tiếp. Nhưng cái chính là muốn chia sẻ với người nghe thứ âm nhạc chúng tôi có, và mong nhận được sự đồng cảm, cùng vui với chúng tôi trong âm nhạc, cho tiền hay không, điều đó không quá quan trọng”.
 
Phút vui đùa của Chris khi đọ sức vật tay với cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Nguyễn Đình
Cao thủ
Ở nhóm cái bang độc chiêu này, mỗi người là một “dị nhân”. Nhóm trưởng Jimmy là họa sĩ, chơi thành thạo hai nhạc cụ ukelele và clarinet. Chuyến đến VN Jimmy ký họa rất nhiều từ đường phố đến chân dung.
“Mỗi hành trình du lịch đến các nước, tôi vẽ phong cảnh và con người. Về lại Anh, tôi sẽ tập hợp thông tin và hình ảnh ký họa để làm cuốn sách du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa”.
Tay trống Chadmo cũng là họa sĩ, nhưng vẽ là chuyện phụ, cái chính của mỗi hành trình lang thang qua miền đất lạ là sưu tầm, tìm hiểu các giai điệu dân gian. Là người chơi bộ gõ, Chadmo rất cảm tình với tiếng trống chèo ở VN, anh bảo: “Âm nhạc với những nghệ sĩ chúng tôi không chỉ là phương tiện kiếm cơm mà còn là cuộc sống. Âm nhạc ở mỗi miền đất mới sở hữu những nét văn hóa đặc biệt nên dù tôi đi và học cả đời cũng không bao giờ hết”.
Ấn tượng nhất ở nhóm cái bang Tây là hình ảnh Johnnie ôm cây đại hồ cầm cao chừng hơn 1,9 m (thuộc dòng đàn khủng nhất của bộ dây). Là dân lữ hành, ôm theo cây đàn cồng kềnh quả thực bất tiện. Chưa kể, đại hồ cầm không mấy ưu thế bởi thường phải chơi chung với các nhạc cụ khác, khó độc tấu. Trò chuyện với Johnnie, tôi càng bất ngờ hơn nữa khi cây đàn khổng lồ này đã từng du hành qua hơn 70 quốc gia khắp thế giới trong 10 năm liên tục mà không trở về Mỹ, và tiếng đàn của Johnnie mang lại nguồn tài chính cho chuyến đi “kinh điển” ấy.
Johnnie nói về hành trình điên rồ của mình: “Bạn bè tôi hầu hết ra trường đều chọn một ban nhạc thính phòng, có công việc và thu nhập ổn định, được người nghe tôn trọng, kính nể. Tôi chọn du lịch cùng cây đàn, kể cũng bất tiện vì kích cỡ quá khổ của nó. Tôi mang nhạc thính phòng ra khỏi nhà hát, chơi ở hè phố, nay đây mai đó, ăn ngủ bờ bụi, khi no đủ, khi túi chẳng một xu. Nhưng đó là điều tôi thích, và ít nhiều cũng truyền cảm hứng đến người từng nghe tôi chơi đàn ở hơn 70 quốc gia trong hành trình du lịch của mình”.
Cây guitar xinh xắn nhất trong nhóm cái bang Tây là Triin, gợi cho tôi hình ảnh Hoàng Dung - nữ bang chủ đầu tiên của cái bang với Đả cẩu bổng pháp oai chấn Trung Nguyên. Triin đánh dấu tuổi 20 của mình với hộ chiếu đã du lịch qua 20 quốc gia, cũng chỉ bằng tiếng đàn guitar. Cô là nghệ sĩ trẻ từng đại diện Estonia tham dự các cuộc thi guitar cổ điển thế giới. Nói theo kiểu võ hiệp Kim Dung, ngón đàn của Triin là “Cầm kinh thiên lý” - (tiếng đàn vang ngàn dặm) phỏng theo chiêu thứ 8 của quẻ Chấn trong Hàng long thập bát chưởng (Chấn kinh bách lý - Sấm vang trăm dặm).
Ngón đàn và những màn diễn tấu của các cao thủ trong nhóm Jimmy được các quán bar (trên đường Ngô Thời Nhiệm), nhà hàng hạng sang (trên đường Sương Nguyệt Ánh)... mời đến biểu diễn vì ngưỡng mộ tài năng của họ. Ở Trung Quốc, Jimmy cho biết nhóm cũng được nhiều nhà hàng mời đến chơi nhạc và đãi cơm chay (vì cả nhóm đang thử ăn chay).
 
Johnnie, Triin, Jimmy (từ trái qua) tập nhạc trong nhà trọ. Ảnh: Nguyễn Đình
Chuyện của Chris
Nói đến cái bang Tây ở VN, Chris McBride (Anh) lại là một dị nhân khác với biệt tài xin đi quá giang (hitchhiker) khắp thế giới. Chris quyết định bôn tẩu vừa để thử thách bản thân, cũng đồng thời tự minh chứng rằng ở thời hiện đại, loại hình du lịch đi quá giang của những thập niên 1960 - 1970 tưởng đã chết, nhưng vẫn hy vọng hồi sinh.
Gặp Chris lần đầu tiên trong chuyến khám phá hang Én, Quảng Bình, Chris kể hắn bắt đầu lên đường từ 2009, đi khắp các châu lục, mỗi điểm dừng trở thành một kho tàng trải nghiệm đầy thú vị. Chris chỉ cho tôi xem hình xăm bằng chữ Thái ngay cùi chỏ với nội dung: “Xin chào, có thể giúp đỡ cho tôi đi ké được không?”, nhờ nó mà Chris đi khắp cả chiều dài đất nước Thái Lan chỉ tốn đúng... 1,5 USD.
Đến VN, Chris vẫn không từ bỏ ý định đi quá giang, dù đã lang thang khắp các vùng miền tây bắc, vào tận khu vực miền Trung, riêng hang Én, Chris đã đến ba lần, nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ xuyên Việt bằng quá giang đúng nghĩa theo tiêu chí: Không tốn tiền xe, tiền ăn, trọ hạn chế nhất có thể.
Bẵng đi thời gian, gặp lại Chris ở Hà Nội, tướng tá ngon lành, khác với râu tóc xồm xoàm ngày nào. Hỏi về chuyến xuyên Việt, hắn bảo: “Chưa thực hiện, vì còn kẹt kiếm tiền ở Hà Nội”. Hóa ra, khi đến Hà Nội, Chris đâm yêu chốn này, xin đi làm thêm cho một công ty lữ hành, gom vốn hùn hạp với bạn mở nhà hàng, ngày làm điều hành du lịch, tối về nướng thịt gà, rót bia cho khách. Với kiểu người thích dịch chuyển, không biết Chris sẽ dừng chân bao lâu, nhưng cách đi - làm - chơi của Chris, và cả những bạn cái bang Tây kể trên, đáng ủng hộ gấp nhiều lần với cái bang “ăn bám” đang dần phát triển tại VN sau khi bị tẩy chay ở các nước Đông Nam Á.
Vấn nạn ăn mày du lịch
Begpackers - ăn mày du lịch từng là vấn nạn của Indonesia, đông nhất là Bali. Và cách chính quyền ứng xử với chiêu ăn mày đi du lịch được Setyo Budiwardoyo, nhân viên Cục Xuất nhập cảnh Ngurah Rai, Bali, cho biết: “Du khách nước ngoài ở Bali khi hết tiền, nếu tính chuyện làm ăn mày kiếm tiền du lịch tiếp, sẽ được gửi đến Đại sứ quán của người mang quốc tịch đó để chờ được giải quyết”.

Ăn mày quốc tế cũng từng là vấn nạn ở khu phố Tây Bùi Viện, Đề Thám, công viên 23 Tháng 9... Các nhóm người lang thang từ các nước châu Phi, qua ngả đường bộ, vào thành phố sống lê la, ăn xin, thậm chí là cướp giật, mại dâm nam…

Nguyễn Đình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.