(GLO)- Bão số 10 chà qua xát lại tại các tỉnh miền Trung cả ngày 30-9 khiến ít nhất 3 người chết, 31 người bị thương và hàng vạn căn nhà và mấy chục ngàn ha cao su, hoa màu bị đổ ngã. Hiện chính quyền và người dân các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Nghệ An đang căng mình khắc phục hậu quả mưa bão.
Khoảng 16 giờ ngày 30-9, bão số 10 tức bão Wutip đổ bộ đất liền miền Trung. Đến 18 giờ, vị trí tâm bão nằm trọn trên địa phận tỉnh Quảng Bình với sức gió tối đa 166 km/giờ (cấp 14). Đến hồi 1 giờ sáng 1-10, vị trí tâm bão nằm trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp.
Cột điện tại Thừa Thiên-Huế bị gió bão số 10 quật gãy. Ảnh: Bùi Oanh |
Tan hoang sau bão
Trưa 30-9, Hải đội 2 Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được tin báo, tàu đánh cá mang biển kiểm soát 9999TM do ông Nguyễn Viết Chinh, trú tại thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An bị đứt dây neo trôi dạt mắc cạn trên phá Tam Giang trên tàu có 10 ngư dân đang vật lộn trong mưa gió bão bùng. Lập tức, Hải đội 2 Biên phòng đã xuất kích tàu tuần tra biên phòng và ca nô cao tốc và 15 cán bộ chiến sĩ kịp thời có mặt ứng cứu tàu gặp nạn. Do sóng to gió lớn nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần quả cảm những chiến sĩ Hải đội 2 Biên phòng Thừa Thiên-Huế đã đưa được người và phương tiện vào bờ an toàn.
Tại Quảng Trị, thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến 21 giờ tối 30-9, tỉnh Quảng Trị có 17 người bị thương, 11 nhà dân bị sập và hơn 3.600 nhà dân bị tốc mái. Hơn 200 trường học và cơ quan công sở cũng bị hư hỏng nặng. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị cũng bị thiệt hại nặng nền do bão số 10. Theo thống kê chưa đầy đủ, gần 7.000 ha, chiếm gần một nửa diện tích cây cao su của tỉnh Quảng Trị bị gió bão bẻ gãy, hàng ngàn ha hoa màu khác chưa kịp thu hoạch cũng bị tan hoang. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu các lực lượng chức năng bám sát các địa phương để tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão. Tại Quảng Bình, bão số 10 đã làm hơn 30% số nhà (hơn 250 ngàn ngôi nhà) bị tốc mái, tập trung chủ yếu ở Ðồng Hới và Bố Trạch. Hàng ngàn cây cao su bị gãy đổ, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, đổ cột phát sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam. Thống kê ban đầu toàn tỉnh có 7 người bị thương ở huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch.
Hàng vạn ha cao su giai đoạn thu hoạch mủ tại các tỉnh miền Trung bị gió bão số 10 đánh đổ gãy. Ảnh: Bùi Oanh |
Khẩn cấp khắc phục hậu quả
Sáng 1-10, tranh thủ thời tiết tạnh ráo sau bão số 10, chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định cuộc sống. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã hành quân vào vùng tâm bão giúp dân dựng và lợp lại nhà cửa.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lúc 13 giờ ngày 30-9, đường dây 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh-Đà Nẵng đã bị sự cố do bão. Tiếp đó, lúc 15 giờ 27 phút mạch 1 đoạn Hà Tĩnh-Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia và khiến hệ thống điện hai miền Bắc-Nam phải vận hành độc lập (hiện miền Bắc và miền Trung đang chi viện cho miền Nam khoảng 2.000MW điện/ngày). Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 10, các đoạn đường dây 220 kV, 110 kV và các đường dây trung hạ áp tại khu vực miền Trung cũng đã bị sự cố, gây mất điện phần lớn tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Gần 1.000 ngôi nhà tại các tỉnh miền Trung bị sập và tốc mái. Ảnh: Bùi Oanh |
Ngay sau khi bão tan, Công ty Điện lực Quảng Bình đã đóng được điện tại trạm biến áp 110 kV Lệ Thủy, tại Áng Sơn đã được đóng điện đến thanh cái 22kV. Công ty Điện lực Quảng Trị đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện chia thành nhiều tổ nhóm công tác tiếp cận hiện trường, khẩn trương kiểm tra hệ thống lưới điện, phát quang hành lang tuyến, chặt cây ngã đổ vào đường dây nhằm từng bước khôi phục cung cấp điện trở lại. Đến 21 giờ ngày 30-9 đã khôi phục và cấp điện trở lại khoảng 20% phụ tải toàn tỉnh, tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Đông Hà, trung tâm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và toàn bộ huyện Hướng Hóa. Tính đến 21 giờ ngày 30-9, hầu hết các khu vực trung tâm thành phố Huế, trung tâm huyện, thị trấn… của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cơ bản khôi phục cấp điện trở lại. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các sự cố lưới điện khi bão đi qua, đảm bảo cung cấp điện an toàn trở lại trong thời gian sớm nhất để phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân
Sau khi tâm bão đi qua, tối 30-9, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng-chống lụt bão Trung ương, các bộ ngành và tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác khắc phục cơn bão số 10. Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, không được chủ quan, đề phòng mưa lũ sau bão, nhất là bảo vệ các hồ đập, ưu tiên phân luồng giao thông trên quốc lộ.
Lực lượng Biên phòng Quảng Trị giúp dân dựng lại nhà cửa bị sập sau bão số 10. Ảnh: Bùi Oanh |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây là những công việc phải làm ngay: “Thứ nhất là về giao thông, các đồng chí phải làm, Sở Giao thông-Vận tải chủ động làm, Trung ương sẽ có công điện chỉ đạo ngay một số bộ để các đồng chí triển khai thực hiện. Thứ hai là Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các Tổng Công ty tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra. Thứ ba là về điện, đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung trực tiếp chỉ huy ở Quảng Bình để điều phối các lực lượng để nhanh chóng cung cấp điện cho nhân dân”.
Bùi Oanh