(GLO)- Huyện Krông Pa đang xôn xao vì tin chủ hụi Trần Thị Kiều Trang, nhà ở số 27 đường Hùng Vương, thị trấn Phú Túc mất khả năng trả nợ. Hàng trăm người dân đã kéo đến vây kín nhà bà Trang để đòi nợ ngay trong đêm nhận được tin dữ, nhiều người quá bức xúc đã lao vào xiết nợ, đập phá nhà cửa của chủ hụi…
Quê nghèo “dậy sóng”
Chúng tôi tìm về thị trấn Phú Túc giữa cái nắng gắt của mùa khô vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa”. Mặc cho nắng nóng, nghe tin có nhà báo về, hàng chục người dân lần lượt kéo đến ngồi kín từ trong nhà ra tận ngõ nhà bà Trần Thị Dung, ở tổ 2, thị trấn Phú Túc để “trình bày” về việc “bị bà Trang giật tiền hụi”. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ở tổ 7, thị trấn Phú Túc cho biết: “Tôi tham gia chơi hụi chỗ bà Trang được hơn 1 năm nay. Tôi tham gia 5 dây hụi, đóng 4 triệu đồng/tháng, tổng cộng số tiền đã nộp cho bà Trang là 27,2 triệu đồng. Cả nhà không dám ăn mặc, toàn bộ vốn liếng tiết kiệm được đã nộp vào đấy, thế là mất hết”.
Hàng chục người dân bức xúc tố cáo bà Trang giật hụi. Ảnh: Đức Phương |
Theo người dân, bà Trần Thị Kiều Trang (SN 1968) trú ở tổ 1, thị trấn Phú Túc làm chủ hụi từ tháng 3-2011. Với mong muốn có thêm ít lãi để có vốn làm ăn, hàng trăm người nghèo, trong đó đa số là người buôn thúng bán bưng ở chợ Phú Túc đã tham gia vào các chân hụi. Ban đầu chỉ là những chân hụi nhỏ, bà Trang lại làm ăn uy tín, ai hốt hụi đều được giao tiền đầy đủ. Nhưng cuộc đời ai học được chữ ngờ, khi các chân hụi cứ lớn dần cũng là lúc bà Trang bắt đầu thể hiện những mánh khóe của mình.
Theo luật chơi, các chân hụi bà Trang thường có 14 người tham gia, chủ yếu là hụi ngày, hụi tháng…, mỗi nhà đều có một cuốn sổ nhỏ để bà Trang ghi số tiền đến kỳ đóng hụi do người chơi giữ. Nhưng bà Trang chủ hụi không hề cho người chơi biết tên những ai tham gia trong cùng một dây hụi. Trong số những người chơi hụi ở thị trấn Phú Túc, người thấp nhất thì một chân, người nhiều tham gia đến 10 chân. Nếu chân hụi mà một người góp 1 triệu đồng/tháng, cuối tháng hốt hụi bà Trang sẽ nhận hoa hồng 250.000 đồng/dây hụi.
Còn người chơi thì được hưởng khoản tiền lời tới 20%/tháng nhưng không nhận tiền mặt mà trừ vào số tiền hụi phải đóng của tháng đó. Số tiền lãi 20% này không phải do chủ hụi Trần Thị Kiều Trang chi trả mà do người cần tiền mua hụi và người hốt hụi trước trả. (Ví dụ, người đã hốt hụi rồi thì các tháng tiếp sau đó vẫn phải đóng đủ 100% số tiền theo quy định, nhưng những người chưa hốt sẽ chỉ phải đóng 80% số tiền; ai mua hụi sẽ phải nộp vào 20% tổng số tiền hụi)… Nhưng kể từ đầu năm 2012, người chơi không thể nào được hốt hụi, vì khi đến ngày hốt hụi, bà Trang thông báo đã có người khác bỏ giá cao hơn “mua hụi” rồi. Thậm chí có người khi đã thông báo được hốt hụi, bà Trang cũng tìm mọi cách không giao tiền.
Dù nghi ngờ, nhưng không ai dám bỏ chân hụi vì theo “luật” cuộc chơi, ai bỏ giữa chừng sẽ bị mất trắng số tiền đã đóng. Chị Trần Thị Dung tham gia 20 dây hụi, mỗi tháng đóng 24 triệu đồng cho bà Trang, bức xúc: “Thực chất làm gì có ai hốt hụi, bà Trang nói vậy để cố không cho ai hốt cả. Ngay như tôi, dù có 5 chân hụi đến kỳ chưa được hốt nhưng bà Trang nói tôi đã hốt rồi. Giờ bà ấy vỡ hụi rồi, toàn bộ vốn liếng tiết kiệm của nhà tôi còn ở đó hơn 155 triệu đồng không biết làm sao mà đòi lại đây?”.
Sự việc bức xúc lên đến đỉnh điểm vào đêm 29-4-2012, sau khi có nhiều người đến kỳ hốt hụi nhưng không được trả tiền và bà Trang vừa trở về nhà sau mấy ngày liền đi vắng khỏi địa phương, lúc đó hàng trăm người dân đã kéo đến vây kín nhà bà Trang để đòi tiền. Trong lúc người dân đang bức xúc vì không đòi được tiền thì con gái bà Trang đã có lời nói xúc phạm đến họ khiến “giọt nước tràn ly”, họ nổi nóng và nhảy vào đập phá, xiết nợ nhà bà Trang. Đám người tràn vào nhà bà Trang chửi bới càng lúc càng đông khiến cho lực lượng Công an huyện, Công an thị trấn và chính quyền địa phương không thể ngăn cản được mà chỉ còn cách thiết lập hàng rào bảo vệ tính mạng 6 người nhà bà Trang. Những người xiết nợ đã lấy đi bất cứ thứ gì có trong nhà như: Bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, cửa gỗ, tủ thờ và đập phá một số tài sản trong nhà; kể cả bát nhang, trang thờ của nhà bà Trang cũng bị những người quá khích mang ra ngoài đường đập nát.
Khó đòi được nợ
Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện phối hợp với UBND thị trấn Phú Túc đứng ra thống kê và hướng dẫn cho người dân kê khai số tiền bị bà Trang giật hụi. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Công an huyện đã có 101 người chơi hụi đã đóng cho bà Trang số tiền là 2.391.180.000 đồng. Đa số người tham gia nộp tiền chơi hụi cho bà Trang là người nghèo, người lao động phổ thông, không có nhiều tài sản. Trong đó có khoảng 80% người buôn thúng bán bưng tại chợ thị trấn Phú Túc, họ nộp tiền hàng ngày, hàng tháng với hy vọng gom nhặt tiết kiệm được ít tiền để đến kỳ hốt hụi thì trả nợ vay sau tai nạn cháy chợ Phú Túc đã thiêu trụi hết tài sản của họ vài năm trước. Nhà ít nhất là 1,6 triệu đồng và nhà nhiều nhất là 155 triệu đồng.
Công an huyện Krông Pa đã làm việc với bà Trang và chồng bà là ông Lý Tâm Thơ, cả hai xác nhận việc bà Trang có nhận tiền chơi hụi của gười dân, khi đến hạn người ta đến rút tiền nhưng không có tiền trả nên xảy ra sự việc xiết nợ và đập phá tài sản. Vợ chồng bà Trang đã cam kết sẽ bán căn nhà đang ở tại số 27 đường Hùng Vương và một lô đất ở đường Lê Hồng Phong, thị trấn Phú Túc để trả nợ. Ngoài ra qua xác minh, Công an huyện phát hiện vợ chồng bà Trang còn có một căn nhà rộng 96 m2 ở tổ 1, thị trấn Phú Túc đang trong giai đoạn làm thủ tục sang tên đổi chủ cả đất và nhà cho con gái là Lý Anh Thư. Hiện số tài sản này đang được Công an huyện đề nghị tạm dừng việc sang tên đổi chủ để giải quyết việc nợ nần với người dân.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong quá trình thu tiền hụi hàng tháng, bà Trang chỉ ghi vào sổ của người chơi với một con số quy ước rất thiệt thòi cho người chơi. Anh Nghiêm ở tổ 1 thị trấn Phú Túc cho biết: “Tôi tham gia 5 chân hụi, trừ đi số tiền lời 20% hàng tháng thì mỗi tháng tôi đóng 4 triệu đồng nhưng khi đến thu tiền, bà Trang chỉ đều đặn ghi vào sổ là đóng 4.000 đồng/tháng.” Nhiều người dân đang rất lo lắng vì cách ghi sổ hụi mập mờ như trên nên khi người dân đòi tiền nếu xét về bằng chứng họ sẽ gặp nhiều bất lợi khi đòi đủ số tiền mà mình đã nộp cho bà Trang.
Đây không phải là lần đầu tiên gia đình bà Trang dính vào vụ việc lùm xùm vì vỡ nợ. Người dân thị trấn Phú Túc đã có bài học tiền lệ khi trước đây chị ruột của bà Trang là Trần Thị Ngọc Dung ở thị trấn Phú Túc đã tuyên bố vỡ nợ với số tiền gần chục tỷ đồng ứng tiền cắt giá thu mua nông sản của người dân và Tòa án Nhân dân huyện Krông Pa đã đưa ra xét xử gần chục vụ án liên quan, buộc bà Dung phải bán hết nhà cửa để trả nợ cho người dân, nhưng người dân chỉ thu về được khoảng 10% số nợ. Báo cáo của Công an huyện Krông Pa xác nhận “chị ruột của bà Trang là bà Dung (Bạch) đã tuyên bố vỡ nợ từ năm 2011 nhưng đến nay bà Dung chưa trả nợ được bao nhiêu đã gây ảnh hưởng đến tâm lý lo mất tiền của người dân”.
Bài học nhãn tiền đã có nhưng người dân vì hám lợi vẫn cứ tham gia vào các đường dây hụi như con thiêu thân để rồi ôm hận.
Đức Phương