"Buôn trong phố" đã hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không gian đô thị hết sức đặc thù, với những buôn làng của cộng đồng người Ê Đê, được kiến tạo nên từ hàng trăm năm qua, nhưng "cơn lốc" đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã nhanh chóng đẩy những không gian văn hóa đặc biệt đó của TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lùi xa, hoặc biến dạng một cách đáng kinh ngạc.

Nhà dài, kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Ê Đê.
Nhà dài, kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Ê Đê.
Áp lực trước "cơn lốc" đô thị hóa
Nhà dài và bến nước là hai sinh thể quan trọng, tiêu biểu để tạo nên buôn làng truyền thống của người Ê Đê bản xứ, nhưng đến nay những sinh thể kia - hoặc đã biến mất, hoặc bị xâm hại nghiêm trọng. Còn nhớ, 15 năm về trước, già Ama Rin (buôn Akô Dhông- phường Tân Lợi) lúc còn sống đã không khỏi chạnh lòng trước thực tế nhà dài truyền thống của người Ê Đê bị chính chủ nhân của nó lìa bỏ, xa rời. Ở nhiều buôn khác như Kô Siêr, Pan Lăm (phường Tân Lập), Alê A (phường Khánh Xuân), buôn Ky (phường Thành Nhất), Dhăp Drông, Ea Bông (xã Cư Êbur), Kô Tam, Ea Nao, buôn Jù Kmrơng Prông A,B (xã Ea Tu)… cũng đã có nhiều ngôi nhà dài lần lượt biến mất theo bước tiến của quá trình đô thị hóa. Thay vào đó là những ngôi nhà bê-tông nặng nề với nhiều hình khối, kiểu dáng khác nhau mọc lên san sát.
Cũng đâu phải một mình già Ama Rin lúc sinh thời đau đáu, nhiều người có tâm huyết, nhìn cảnh ấy cũng ngậm ngùi lo ngại. Mí Hin sinh sống ở buôn Kmrơng Prông B tâm sự: Trước đây khoảng 10-15 năm thôi, những ngôi nhà dài vẫn còn khá nhiều và được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Vườn nhà nào cũng có cây cối tươi tốt quanh năm, nên ai vào thăm chơi cũng bảo cái buôn này thật đẹp, thật nguyên sơ. Vậy mà bây giờ, nhà xây bê-tông, cốt thép đủ kiểu mọc lên ngày càng nhiều trên những khu vườn bị "băm nhỏ" và không còn những khoảng xanh tươi như trước, khiến nhiều người lầm tưởng đó là những dãy phố hiện đại chẳng khác gì ở trung tâm Buôn Ma Thuột.
Buôn Jù (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) cũng thế. Theo thầy giáo Y Khen Byă, trước đây quỹ đất dồi dào, nhà nào cũng có vườn cà-phê để canh tác dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Công ty Cà-phê Buôn Ma Thuột, nay công ty không còn, việc nương rẫy có phần chểnh mảng. Nhiều người nghĩ ra việc này, dịch vụ nọ để kiếm sống, tự ăn vào đất đai như ăn vào "da thịt" của mình vậy! Nhà dài được hạ xuống để xây nhà như người Kinh, tiện cho việc buôn bán, mở các loại dịch vụ. Còn vườn rẫy thì được "chia năm xẻ bảy" cho con cháu, anh em dòng họ để mở trang trại, thành ra mạch sống và sinh hoạt trong buôn đã khác trước rất nhiều - và cũng chính sự "lạc điệu" này đã bắt đầu cho quá trình biến dạng đáng lo ngại trong buôn làng hiện nay.
Bà H’Triệu Kđok, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu chia sẻ: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì nhiều, nhưng tựu trung lại cũng nằm trong suy nghĩ của nhiều người - rằng để lại ngôi nhà dài thì chiếm đất nhiều lắm. Trong khi gia đình nào cũng đông con cháu, có nhà đến ba bốn thế hệ - và đứa nào cũng cần đất để làm cái nhà mới. Từ những nhu cầu bức thiết đó nên mới có sự chọn lựa trên. Tuy nhiên, họ vẫn tin một ngày nào đó, điều kiện sống khá hơn, không bắt con người ta phải có sự chọn lựa ngoài ý muốn, thì ngôi nhà dài truyền thống lại được xây dựng lại như xưa…
Tại Hội thảo Tổng kết 15 năm Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, tổ chức tại TP Kon Tum vào trung tuần tháng 3/2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai) cho rằng: Những tác động mạnh mẽ và dữ dội từ đời sống hiện đại vào không gian truyền thống buôn làng (và cũng là đơn vị hành chính duy nhất theo tổ chức xã hội xưa mà nhà dân tộc học Dambo từng nghiên cứu vào thập niên 20 của thế kỷ trước) đã khiến nó bị tổn thương nghiêm trọng. Dấu ấn và "cung đường" gây ra sự tổn thương ấy - đầu tiên là từ những nơi có đời sống văn minh hiện diện, sau đó chạm dần đến các vùng xa xôi, hẻo lánh như một "mầm bệnh" có sức lây lan, công phá ghê gớm mà buôn làng truyền thống được xem như một "cơ thể" sống đã không còn khả năng đề kháng trước đời sống hiện đại.
Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào cho biết Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có bao nhiêu buôn làng bị biến dạng hoặc biến mất do những tác động tiêu cực trên. Tuy nhiên, thực trạng này đang và vẫn diễn ra đáng báo động trên cả phương diện nhận thức lẫn quy hoạch, tổ chức của người dân và chính quyền sở tại trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên ngôi nhà dài buôn Akô Dhông.
Sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên ngôi nhà dài buôn Akô Dhông.
Mạch ngầm vẫn tuôn chảy
Như lời bà H’Triệu Kđok nói: Một ngày nào đó, điều kiện sống khá hơn, không bắt con người ta phải có sự chọn lựa ngoài ý muốn, thì ngôi nhà dài truyền thống lại được xây dựng lại như xưa. Và hành trình tìm về cội nguồn, về với nhà dài và không gian truyền thống của buôn làng đã dần khởi động…
Buôn Akô Dhông là một thí dụ điển hình. Trong số 27 ngôi nhà dài được cả cộng đồng nỗ lực gìn giữ từ hơn năm mươi năm qua, đến nay, không ít ngôi nhà đã bị mục nát hư hại, giờ đã được một số gia đình có điều kiện sửa sang và làm mới lại khang trang hơn. Gần một năm trước, ông Ama Khoa, anh Ama Ja Ni và bà H’Linh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thực hiện ý nguyện của cha ông, làm lại những ngôi nhà dài đúng nghĩa của dân tộc mình. Tiếp đó, nhà của cố già làng Ama Rin cũng đang được con cháu chung sức dựng lại ngay trên nền đất cũ.
Ca sĩ Y Jak, con trai ông tâm sự: Cả đời già Ama Rin chỉ có ước nguyện ấy - một ngôi nhà dài không lẫn vào đâu được của người Ê Đê để làm nơi đón khách và tổ chức sinh hoạt cho cộng đồng. Y Jak bảo: "Hình ảnh ngôi nhà truyền thống của mình từ lâu đã thấm vào máu thịt, tiềm thức của mỗi người. Bởi vậy khi có điều kiện, ai cũng nghĩ đến điều đó - và có lẽ ý thức về cội nguồn là mạch ngầm chảy hoài không bao giờ tắt trong suy nghĩ và khát vọng của mỗi người, từ cha ông mình cho đến thế hệ trẻ hôm nay…".
Chính quyền TP Buôn Ma Thuột đã có những động thái tiếp sức cho mục tiêu khôi phục, bảo tồn nhà dài, bến nước truyền thống cùng thiết chế văn hóa tại 33 buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua Đề án "Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn" (giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030) nhằm từng bước khắc phục tình trạng như đã nêu.
Tuy nhiên, theo ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao TP Buôn Ma Thuột, do eo hẹp kinh phí nên kết quả đem lại còn quá khiêm tốn. Từ năm 2017 đến nay, trong số 220 nhà dài được khảo sát, chính quyền thành phố chỉ chọn năm nhà dài và sáu bến nước ở các buôn Akô Dhông, buôn Tuôr, buôn Kmrơng Prông và buôn Kô Tam để hỗ trợ kinh phí tu sửa và nâng cấp, với số tiền chưa tới 3 tỷ đồng. Còn lại hơn 150 nhà dài, 23 bến nước có nhu cầu tôn tạo, nâng cấp vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí đáp ứng. Theo ông Dũng, để tái tạo lại "cơ thể" lành lặn cho các buôn làng truyền thống như xưa, nguồn kinh phí đầu tư là rất lớn, chứ không khiêm tốn là 14,2 tỷ đồng như dự án trên phân bổ.
TP Buôn Ma Thuột đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Phát triển Du lịch cộng đồng tại các buôn làng người dân tộc thiểu số trình HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt và thông qua nhằm tạo giải pháp, cơ hội cho đồng bào vừa bảo đảm sinh kế, vừa góp phần bảo tồn vốn văn hóa của mình. Trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần đáng kể cho hộ dân và cộng đồng có nhu cầu làm du lịch (đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà dài, bến nước, rừng đầu nguồn và cảnh quan môi trường tại chỗ) để thu hút du khách. Theo ông Dũng, đây cũng là hướng đi phù hợp và bền vững để chỉnh trang, tôn tạo lại không gian lịch sử - văn hóa cho buôn làng trong bối cảnh hiện nay.
Ông Dũng cho biết: Trước mắt, thành phố chọn ba buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi), Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) và buôn Buôr (xã Hòa Khánh) để hỗ trợ cho cộng đồng người Ê Đê ở đây đầu tư xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Từ mô hình điểm này, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả mang lại nhằm nhân rộng đến nhiều buôn làng khác. Qua đó, tạo nội lực thật sự cho mỗi cộng đồng dân tộc tự thân gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa của mình.
Theo Đình Đối (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.