Bức tử thai nhi: Bên trong những "địa chỉ đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những gì mắt thấy tai nghe, sau 2 năm làm việc, Luyến (tên nhân vật đã được thay đổi-PV) tin rằng, bác sĩ Phương và phòng khám Phương Thanh có thể được coi là “đen nhất” trong các “địa chỉ đen” chuyên phá bỏ các ca thai có độ tuổi lớn tại Hà Nội. Theo Quyết định 4128 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế, tất cả hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi đều vi phạm pháp luật, trừ một số trường hợp cần cứu phụ nữ khi thai nghén đe dọa tính mạng, do thai nhi bất thường, bị dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này.
Cuộc gọi lúc nửa đêm
Đầu tháng 10.2019, cuộc gọi lúc nửa đêm đã bắt đầu cho hành trình dài đầy ám ảnh của nhóm PV Báo Lao Động. Bên kia đầu dây, tiếng thổn thức của một nữ thành viên Nhóm cứu hộ thai nhi tại Hà Nội như kéo dài bất tận. Dù đã cố hết sức, nhưng nhóm bạn trẻ vẫn không thể cứu nổi một sinh linh bé bỏng trước ác tâm của những người muốn bé phải chết. 
“Thai nhi đã được 8 tháng tuổi, đầy đủ mọi bộ phận như một đứa trẻ sơ sinh. Bé cũng đã có tóc, nhưng lại có một vết thương lớn trên đầu và không còn khóc nữa. Chúng tôi sau đó đưa bé về tắm rửa, an táng trong một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang thai nhi ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội”, cô gái nói.
Những lời day dứt đã trở thành cơn ám ảnh khiến nhóm PV quyết tâm phải làm một điều gì đó, ít nhất để vạch trần sự thật đau xót vẫn đang tồn tại bên trong những cơ sở nạo phá thai chui. 
Sau nhiều lần đi lại và thuyết phục, chúng tôi cũng được Luyến (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) cho phép tiếp cận.
Luyến từng có hơn 2 năm làm hộ sinh tại phòng khám Phương Thanh số 85 Giải Phóng (Hà Nội). Sau đó, do bất đồng gay gắt trong cách xử lý các ca thai to với chủ phòng khám là bác sĩ Võ Thủy Phương, Luyến bỏ việc về quê.
Cô tâm sự: “Vào làm khoảng 1 tuần thì tôi nhận thấy bất thường. Dù chỉ được phép làm các thủ thuật phòng tránh thai hoặc cùng lắm là hút bỏ những ca thai dưới 12 tuần tuổi thì bác sĩ Phương sẵn sàng nhận phá bất cứ ca thai nào. Không những vậy, nhiều phòng khám khác cũng giới thiệu người có nhu cầu về làm tại phòng khám Phương Thanh để hưởng hoa hồng”.
 
Nữ hộ sinh Luyến trong buổi trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: P.V
Nói về lý do nán lại phòng khám, nữ hộ sinh kể tiếp: “Tôi được các bạn bên Nhóm cứu hộ thai nhi liên lạc rồi thuyết phục ở lại. Với những ca thai to (thường trên 7 tháng) có khả năng cứu hộ, tôi sẽ tìm cách giữ cho bé sống sót, sau đó giấu bác sĩ gửi ra cho Nhóm. Còn với những ca xấu số, tôi tắm rửa hoặc lau cho cháu được sạch sẽ trước khi đưa ra ngoài…”.
Với những gì mắt thấy tai nghe, sau 2 năm làm việc, Luyến tin rằng bác sĩ Phương và phòng khám Phương Thanh có thể được coi là “đen nhất” trong các “địa chỉ đen” chuyên nhận phá bỏ các ca thai có độ tuổi lớn tại Hà Nội. 
“Vì sợ liên đới đến pháp luật, bác sĩ Phương luôn tìm cách ngăn trở công tác cứu hộ. Bác sĩ muốn mọi thứ kết thúc ngay để tránh hệ lụy về sau. Có lần biết tôi cố cứu sống một thai nhi trên 7 tháng tuổi, bác sĩ Phương chửi mắng, bắt tôi viết bản kiểm điểm...”, Luyến cho biết thêm.
 
Phòng khám Phương Thanh số 85 đường Giải Phóng, Hà Nội. Ảnh: PV
Bên trong phòng phá thai
Trong suốt 8 tháng, nhằm có được những bằng chứng rõ nét nhất để phục vụ cho tuyến điều tra này, ngoài sự giúp đỡ nhiều hội nhóm thiện nguyện, nhóm PV Báo Lao Động cũng phải tiếp cận lấy thông tin từ nhiều thai phụ khác nhau. 
Tại địa chỉ 85 Giải Phóng, vốn là một căn nhà ống với mặt tiền hẹp, ông Phương chỉ tay vào những văn bằng, chứng chỉ treo trên tường, nhận mình là Giám đốc trung tâm Sức khoẻ sinh sản của Bộ Y Tế kiêm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương hội sản phụ khoa Việt Nam. Còn phòng khám Phương Thanh là một chi nhánh của bệnh viện.
Ông Phương cũng tự tay siêu âm cho sản phụ rồi cho biết thai nhi đã ở tuần thứ 24, hứa sẽ xử lý an toàn với mức phí 20 triệu đồng. “Bác làm không đau, không tắc vòi trứng, không vô sinh”, ông Phương trấn an.
Rồi để tạo thêm lòng tin cho người đối điện, ông Phương khoe mình từng là là Vụ trưởng, Giám đốc Sở và hiện vẫn đang cố vấn cho hàng loạt các Bệnh viện lớn như Bạch Mai, Phụ Sản...
 
Bác sĩ Võ Thủy Phương - chủ phòng khám Phương Thanh. Ảnh: P.V
Vị bác sĩ cũng cho biết, muốn phá thai to ở bệnh viện thì điều kiện tiên quyết là thai phải bị bệnh bẩm sinh, rồi thủ tục giấy tờ rất lằng nhằng. “Nếu không thì 50 - 100 triệu đồng người ta cũng không làm. Ở đây là bác lách cho...”, ông Phương nói trong lúc hướng dẫn sản phụ viết giấy cam kết chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
Sau đó, một quy trình nạo phá sẽ bắt đầu được tính từ thời điểm ông Phương đưa sản phụ đến phòng thủ thuật đặt tại tầng 3 của cơ sở này và thường kéo dài không quá 48 giờ.
Đó là một căn phòng rất chật, tuềnh toàng với y cụ chỉ là một chiếc giường inox cho sản phụ nằm, chiếc rèm ri-đô che chắn và vài chiếc ghế nhựa cũ kỹ. Tại đây, sản phụ sẽ được đặt thuốc kích đẻ và một loại thuốc buộc thai ngừng phát triển. Khi có cơn co thắt, ông Phương sẽ là người trực tiếp đưa thai nhi ra ngoài.
Bởi chuyên xử lý các ca thai có độ tuổi lớn nên việc đưa thai nhi ra ngoài thường mất nhiều thời gian và khiến sản phụ đau đớn. Trong nhiều hình ảnh được ghi lại, ông Phương thường phải tác động mạnh vào cơ thể sản phụ và thai nhi. Bên cạnh đó, ông này thậm chí còn không sử dụng đồ bảo hộ, đi dép lê và mặc quần đùi để thực hiện các ca nạo phá.
Không những vậy, không ít thai nhi do có sức sống mãnh liệt nên khi bị ép đưa ra khỏi cơ thể người mẹ vẫn ọ ẹ cất tiếng khóc chào đời dù chỉ ít phút sau, nơi chờ đón các con lại chính là những túi nylon đựng rác đã được các nhân viên chuẩn bị sẵn.
Những “địa chỉ đen”
Quay trở lại câu chuyện của hộ sinh Luyến và các thành viên nhóm thiện nguyện, theo lời kể, có rất ít ca thai to được cứu sống. Số còn lại, thay vì được ấp ủ trong vòng tay của người thân thì điểm đến tiếp theo của các con là những tủ cấp đông rồi sau đó là một một vuông đất nhỏ lạnh lẽo trong nghĩa địa thai nhi đặt rải rác tại khu vực ngoại thành Hà Nội.
Lần theo thông tin được cung cấp, nhóm PV tiến hành tiếp cận một số địa chỉ tại Hà Nội cũng chuyên nhận phá bỏ các ca thai có độ tuổi lớn mà pháp luật nghiêm cấm.
Tại phòng khám số 934 - 936 Trương Định, tiếp đón sản phụ đang mang thai tháng thứ 7, quy trình tư vấn, đóng tiền - viết giấy cam kết cũng được lặp lại y như những gì đã diễn ra tại phòng khám Phương Thanh số 85 Giải Phóng.
Ngoài ra, một loạt phòng khám phụ sản tại khu vực đường Giải Phóng đoạn đối diện Bệnh viện Bạch Mai, khu Dốc Phụ Sản (trước cổng BV Phụ sản Hà Nội) và đường Phùng Hưng gần viện quân y 103 Hà Đông cũng sẵn sàng nhận phá thai to.
Đặc biệt, nhiều địa chỉ dù nhận lời nhưng cho biết nơi thực hiện là tại phòng khám Phương Thanh số 85 Giải Phóng. Trong đó, có cả phòng khám Thanh Nga số 128 Thái Thịnh và 13 Thợ Nhuộm do chính người thân của ông Phương làm chủ. Với mỗi trường hợp, các phòng khám vệ tinh sẽ được hưởng % hoa hồng giới thiệu.
Một nhân vật khác cũng quyết định lên tiếng là anh Nguyễn Minh Hùng - Trưởng Nhóm Bảo vệ sự sống Hà Nội. Anh Hùng cho biết, dù chỉ là một nhóm nhỏ nhưng mỗi tháng, nhóm vẫn đều đặn thu gom được từ 70 - 80 xác thai nhi, tháng cao điểm là 200 em. Có nhiều thai nhi đã lớn, đầy đủ bộ phận nhưng vẫn bị nhẫn tâm ném ra ngoài với những vết thương lớn trên cơ thể, khiến những người làm công tác thiện nguyện hết sức đau lòng.
Việt Nam hiện là quốc gia thuộc nhóm đầu về tỉ lệ nạo phá thai với thống kê chưa đầy đủ là trên 200.000 ca mỗi năm. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có khung hình phạt rõ ràng, thậm chí hình sự hoá hành vi này thì tại nước ta, ngoài quy định chung chung là nghiêm cấm phá thai trên 22 tuần tuổi, thì chưa có bất cứ chế tài xử phạt nào kèm theo.
Từng bị tố phá thai trái phép
Cuối năm 2019, phòng khám 85 Giải Phóng từng bị tố phá thai trên 28 tuần tuổi. Theo đó, chị Nguyễn Thị L. (SN 1995, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nhập bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ý thức vật vã, kích thích, da niêm mạc nhợt nhiều, đầu chi lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp khó đo, chảy máu âm đạo nhiều.
Qua khai thác tiền sử, GS.TS Ngô Quý Châu (Phó giám đốc BV Bạch Mai) cho biết bệnh nhân L., thai nhi đã 28 tuần tuổi thực hiện đình chỉ thai tại phòng khám 85, đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi làm thủ thuật tại đây, bệnh nhân L. chảy máu âm đạo nhiều không kiểm soát được nên được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó BV Bạch Mai đã báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi
Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia sản khoa hàng đầu Việt Nam cho biết: Theo Quyết định 4128/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2016 thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi. 
“Trừ những trường hợp bệnh lý, bắt buộc phải đình chỉ thai. Còn nếu không liên quan đến bệnh lý thì quy định không được phá thai trên 22 tuần. Phá thai do bệnh lý thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Khi có chỉ định của bác sĩ thì phải đình chỉ thai bất cứ lúc nào, vì lý do bệnh lý. Đối với những trường hợp như thai nhi bị dị tật bẩm sinh, mà 22 tuần tuổi chưa phát hiện ra, mà 24, 25 tuần tuổi mới phát hiện ra những dị tật bẩm sinh rất nặng nề thì lúc đó quyền quyết định đình chỉ thai hay không phụ thuộc cả vào bố mẹ của đứa trẻ. Nếu trường hợp thai hoàn toàn bình thường thì không được phép phá thai bằng bất kỳ hành vi nào” - GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh. 
“Nếu phá thai trên 22 tuần tuổi, sức khỏe của người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong các trường hợp nếu người thực hiện kỹ thuật đình chỉ thai không đủ chuyên môn, kỹ thuật hoàn toàn có thể khiến thai phụ tử vong. Đã phá thai nghĩa là không để cho thai lớn nữa nhưng thai trên 22 tuần hiện nay có thể nuôi được rồi, việc nghiêm cấm phá thai trên 22 tuần tuổi cũng là cứu tính mạng những đứa trẻ” - nguyên Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói thêm.

NHÓM PV BÁO LAO ĐỘNG (LĐO)

https://laodong.vn/xa-hoi/buc-tu-thai-nhi-ben-trong-nhung-dia-chi-den-813098.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.