Bóng hồng trên 'cánh đồng' bom đạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm rồi, đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị đã từng giờ đối mặt với tử thần, gỡ từng quả mìn, từng quả bom để từng tấc đất của tổ quốc được hồi sinh, cho đất nở hoa, cho mùa xuân xanh lại trên chiến địa năm nào. Và, điều đặc biệt, trong biệt đội rà phá bom mìn ấy có tới 1/3 là nữ.

Nỗi đau chiến tranh

Hơn 50 năm trôi qua rồi, nhưng thi thoảng, trong những ngày thanh vắng, bình yên vẫn vang lên những tiếng nổ chói tai và khô khốc. Đó là những gì còn lại của cuộc chiến, bởi đạn bom vẫn rải rác đọng tồn trong từng thớ đất của vành đai lửa Quảng Trị này. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng năm 2017, Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc sau chiến tranh với 81,36% diện tích bị ô nhiễm, từ năm 1975 đến năm 2023, bom, mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người, trong đó có 3.432 người chết.

Nhiệm vụ của đội là rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng để trả lại sự bình yên cho vùng đất.

Nhiệm vụ của đội là rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng để trả lại sự bình yên cho vùng đất.

Rắn rỏi và nhiệt tình, nữ đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm mới 33 tuổi nhưng đã có thời gian hoạt động rà phá bom mìn gần 10 năm. Thắm cũng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất từng hứng chịu những trận bom kinh hoàng trong chiến tranh này. Vì thế, khi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực đầy nguy hiểm, chị Thắm đã coi công việc như một duyên nợ. “Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng vật nổ vẫn được tìm thấy ở đồng ruộng, trường học hay khu dân cư. Để mọi người không còn phải chịu những tổn thương do bom đạn chiến tranh còn lại, chúng tôi đang ngày đêm nỗ lực hết sức mình để mảnh đất này được bình yên đúng nghĩa!”, chị trả lời như thế với ánh mắt kiên định, cùng nụ cười át đi nắng gió miền Trung.

Rừng, trảng cát và những bóng người

Trong cánh rừng chắn cát miệt biển Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) chỉ cách sông Bến Hải và cầu Hiền Lương vài km, nơi từng là giới tuyến một thời, đội đa nhiệm của Trịnh Thị Hồng Thắm đang làm nhiệm vụ. Khu vực ô nhiễm bom, mìn được chia thành các ô 50 x 50m, sau đó chia nhỏ thành các luống với độ rộng 1,9 m, được đánh dấu trên bản đồ, xác định tọa độ để dễ làm sạch. Trước khi “vào bãi”, các máy dò đều phải được kiểm tra tại một khu vực riêng, có chôn mẫu bom mìn an toàn để bảo đảm các thiết bị hoạt động tốt, đúng yêu cầu về kỹ thuật và độ sâu.

Dưới ánh nắng xuyên khe, từng bóng người với trang phục và dụng cụ lặng lẽ với công việc. Với những chiếc máy rà khung lớn nặng hơn 5 kg cần 2 người thao tác sẽ đi dọc theo mỗi luống. Khi máy phát tiếng kêu, sẽ được cắm cờ để định vị chính xác. Một thành viên khác sẽ đến và sử dụng máy dò cầm tay nhỏ hơn để đào tìm “phát hiện tử thần”. Nếu xác định được vật nổ, thông tin sẽ trực tiếp được báo về cho đội trưởng để đưa ra những quyết định chính xác nhất. Thông thường, với những vật liệu nổ trong danh mục được phép, sẽ được di chuyển đến vị trí khác đã được xác định trước rồi tiến hành hủy nổ vào cuối ngày làm việc.

Với những vật liệu nổ lớn, thuộc những danh mục ngoài quyền quyết định, đội trưởng sẽ báo cáo về trung tâm và thông báo tới Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để phối hợp xử lý. Đội trưởng đa nhiệm Trịnh Thị Hồng Thắm cho biết, có những vật nổ phải hủy nổ tại chỗ vì rất nguy hiểm nếu di chuyển. Nhưng, cũng có những vật nổ, đội trưởng có thể áp dụng các kỹ thuật được tập huấn để chuyển đến hủy cùng các vật nổ khác nhằm bảo đảm hiệu quả công việc.

Là đội đa nhiệm, các thành viên trong đội của chị Thắm ngoài nhiệm vụ rà phá tại tọa độ được chỉ định, còn kiêm thêm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo bom mìn từ người dân báo qua số điện thoại nóng. Số điện thoại nóng của Trung tâm Hành động bom, mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) được công khai trên nhiều phương tiện, trên thân xe của từng đội. Khi tiếp nhận cuộc gọi từ người dân, trung tâm sẽ điều phối đội đa nhiệm. Chỉ cần nhận được lệnh từ trung tâm, đội của chị Thắm sẽ lên đường, bất kể khoảng cách hay nắng mưa khắc nghiệt.

Các thành viên đội rà phá bom, mìn trò chuyện, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống mỗi giờ nghỉ giải lao.

Các thành viên đội rà phá bom, mìn trò chuyện, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống mỗi giờ nghỉ giải lao.

Cũng như Trịnh Thị Hồng Thắm, đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân chỉ huy 15 thành viên trong đội đa nhiệm từng trải qua rất nhiều gian khó trong quá trình rà phá bom mìn. Trong quá trình hủy nổ, nếu có bất cứ điều gì không may xảy ra với người đội trưởng thì đội phó sẽ có toàn quyền chỉ huy. Người đội trưởng tập hợp các thành viên trong đội để chuẩn bị hủy nổ một vật liệu nổ mới được phát hiện. Các cô gái trẻ nhanh chóng chuẩn bị trang thiết bị cần thiết, kiểm tra bộ đàm và loa, rồi di chuyển đến gần vị trí hủy nổ đào cát cho vào 8 bao cỡ nhỏ để lót hố và che chắn mảnh văng khi bom được kích nổ.

Giữa trảng cát nắng chang chang của miền đất lửa Quảng Trị, đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân kiểm tra lại dây dẫn, bộ kích nổ, trong khi bốn bề xung quanh cách đó 200 m, từng chiếc loa thông báo vang lên lời cảnh báo: “Hôm nay, được sự cho phép của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, chúng tôi tiến hành hủy nổ vật liệu nổ tại khu vực này, đề nghị bà con tránh xa khu vực nguy hiểm được thông báo...!”. Ánh nắng cuối năm gay gắt hắt thẳng vào những khuôn mặt đỏ bừng đã lấm tấm mồ hôi.

Tiếng bộ đàm vang lên: “3... 2... 1... Nổ!”. Hiệu lệnh phát ra, đội trưởng Hải Vân bấm kích nổ. Một tiếng “uỳnh” vang lên phá tan không gian yên lặng với một cột khói màu đen bốc lên cao cùng khoảng đất lớn bắn trên không trung. Chỉ huy Nguyễn Thị Hải Vân bước tới điểm hủy nổ để kiểm tra, nếu còn vật liệu chưa nổ, sẽ tiến hành hủy nổ lần hai. “Làm công việc này, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ là có thể trả giá bằng cả sinh mạng. Chúng tôi không có quyền làm sai hay có cơ hội để sửa chữa bất cứ một lỗi lầm nào! Chỉ đến khi nghe thấy tiếng nổ, chúng tôi mới có thể thở phào. Bởi, chúng tôi biết đã thêm một mối nguy hiểm trong lòng đất được xử lý”, chỉ huy Nguyễn Thị Hải Vân thẳng thắn chia sẻ.

Trong nỗi niềm của những người làm công việc rà phá bom mìn còn lại sau chiến tranh ở Quảng Trị, cũng có những khoảng lặng khi phải chứng kiến đồng đội của mình bị nạn trong quá trình làm việc. Chỉ huy Nguyễn Thị Hải Vân bộc bạch, cho tới tận bây giờ, tất cả thành viên của các đội vẫn không thể quên được một ngày buồn của tháng 5/2016, đội trưởng Ngô Thiện Khiết của đội khảo sát dấu vết bom chùm đã gặp nạn tại cánh đồng xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Một đồng đội khác là ông Nguyễn Văn Hảo cũng bị trọng thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Những người hồi sinh cho đất

Ông Lê Xuân Tùng, thành viên lão làng trong đội rà phá bom mìn của tổ chức NPARENEW đặt tại Quảng Trị cho biết, các đội rà phá bom mìn ở Trung tâm Hành động bom, mìn tỉnh Quảng Trị này có nhiều thành viên nữ. Trong đó có 2 đội tất cả các thành viên đều là nữ gồm Đội rà phá hiện trường đa nhiệm với 15 thành viên và Đội xử lý bom mìn lưu động có 6 thành viên. Đặc biệt, đội đa nhiệm của đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân có 100% thành viên nữ. Tất cả công việc, từ lái xe, chăm sóc y tế, rà phá, hủy nổ bom mìn... đều do các thành viên nữ đảm nhận. Và, ở đó, “nữ tướng” mang tên Nguyễn Thị Hải Vân, người đội trưởng nhiều tuổi đã làm công việc này gần 15 năm qua.

Trên trảng cát của miền ven biển, hình ảnh người đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân chỉ đạo từng thành viên hoạt động, đảm trách công việc khó khăn và nguy hiểm nhất là kiểm soát và hủy nổ, kiểm tra hậu nổ. Làm việc giữa thời tiết miền Trung khắc nghiệt, mùa mưa thì dầm dề, còn ngày nắng nóng thì như thiêu đốt da thịt, nhưng sau mỗi lớp khẩu trang, dưới vành nón tai bèo là một bông hoa rạng ngời của những người phụ nữ trong đội rà phá. Những người phụ nữ ấy, người nhiều tuổi và làm công việc này đã mười mấy năm, người trẻ tuổi cũng đã đôi ba năm đối diện với hiểm nguy nhưng họ không hề xem việc mình đang làm là đặc biệt. Họ coi rà phá bom, mìn là một công việc bình thường, cũng có lúc vui, khi vất vả như nhiều nghề nghiệp thầm lặng khác mà thôi. Nói là vậy, nhưng có tận mắt chứng kiến mới thấy những nỗ lực đến phi thường của những người rà phá bom, mìn, mà đặc biệt lại là nữ. Mỗi ngày, lại có hàng chục điểm cắm cờ đỏ báo hiệu có vật liệu nổ còn sót lại dưới lòng đất, chỉ cần một tác động vật lý nhỏ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.

Đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân phổ biến công việc cụ thể trước khi tiến hành hủy nổ.

Đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân phổ biến công việc cụ thể trước khi tiến hành hủy nổ.

Đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân chia sẻ, nhiều năm trước, khi mới bắt đầu công việc, chị từng phải mặc những bộ áo giáp chống mảnh nổ nặng hơn 30 kg. Những lúc trời nắng, mồ hôi túa ra như tắm. Còn khi trời mưa thì cả người cũng ướt như dội nước vì không thể mặc áo mưa để làm việc. Có một thời gian, khi chị Vân thực hiện công việc tại khu vực rừng núi của huyện Đakrông (Quảng Trị), khi những cơn mưa đổ xuống là vắt rừng bu kín người. Chỉ đến khi nghỉ giải lao, chị mới gỡ từng con vắt đã hút no căng một bụng ra khỏi người.

Làm công việc có phần đặc biệt như thế, những phụ nữ của biệt đội rà phá bom mìn cũng có những nỗi niềm rất phụ nữ. Như đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm chia sẻ, thì nỗi sợ bom mìn có thể khắc phục được, bởi công việc là điều quan trọng nhất. Nhưng, là phụ nữ, ai cũng có những nỗi sợ không tên của riêng mình. Những nỗi sợ ấy rất thường tình như việc sợ rắn rết, bọ cạp, sợ chuột, sợ vắt, sợ ong, sợ cả sâu hay rất nhiều động vật khác nữa. Nhưng, tất cả thành viên nữ đều phải rèn cho mình một tinh thần thép.

Có những thời điểm, khi đang mải tập trung đưa máy rà ở tọa độ thì một thành viên nữ phát hiện dưới chân mình là chú rắn độc đang cuộn tròn trong thảm lá. Nếu là người phụ nữ bình thường, có lẽ sẽ hét lên rồi bỏ chạy vì sợ, nhưng xung quanh mỗi bước chân là vô vàn nguy hiểm của vật liệu nổ còn nằm trong đất, chỉ cần bước nhầm một bước là tai họa sẽ giáng xuống. Vì thế, các thành viên nữ đều phải cắn răng vượt qua nỗi sợ hãi ấy để thực hiện công việc. Các chị em phải vượt qua nỗi sợ bom mìn, vượt qua nỗi sợ thường tình, vượt qua chính bản thân mình để trở nên gan vững với đá vàng.

Nhiều thành viên nữ trong đội rà phá bom mìn từng gặp phải nhiều vấn đề về chuyện tình cảm. Nhưng rồi, bằng ý chí kiên định và niềm tin mãnh liệt vào công việc hồi sinh cho đất, tất cả đã vượt qua và nhiều cái kết đẹp đã diễn ra. Như đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm đã kết hôn cùng một cán bộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị. Họ hiểu và đồng cảm với công việc của nhau để cùng xây đắp nên hạnh phúc, không chỉ cho mình mà cho cả những người khác. Hay, như đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân cũng được sự động viên của chồng và các con để hoàn thành tốt công việc.

Cũng như thế, nhiều thành viên trong những đội rà phá bom mìn ở đây đã nên duyên với nhau. Họ cùng động viên, chia sẻ và thấu hiểu những vất vả của công việc này, cùng hướng tới một niềm tin về vùng đất sạch trắng những “tử thần”, cho những người dân sau này cấy trồng canh tác không còn phải chịu thêm những thương tổn từ đạn bom sót lại.

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.