Sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, đây là dự án trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Ảnh: Như Ý |
Việc đầu tư dự án sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án, tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% trong giai đoạn 1, để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) lưu ý, phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Nếu có thể, nên bố trí theo phương thức vốn Trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh Như Ý |
Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tham gia 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.
Theo ông Thắng, qua tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành Giao thông cũng cho rằng, các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 - 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.
Về tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc.
Theo ông Thắng, nếu năm 2025 khởi công dự án thì hết 2026 sẽ hoàn thành. "Dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được", ông Thắng khẳng định.