BlackPink, Red Velvet, (G)I-DLE hồi sinh trào lưu nhạc cổ điển tại Kpop

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông qua các ca khúc của mình, những thần tượng Kpop đình đám như BlackPink, Red Velvet, (G)I-DLE đã làm sống lại nhiều bản nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc vĩ đại.
2022 có lẽ là một năm đại thắng của các nhóm nhạc nữ trong làng giải trí Hàn Quốc khi họ liên tục vượt xa các nam thần tượng để mang đến những bản hit vô cùng ấn tượng, với nhiều thể loại và phong cách khác nhau. Đó có thể là hình ảnh đầy mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần quyến rũ của (G)I-DLE, là sự trẻ trung của NewJeans và nét tươi sáng đến từ IVE. Trong số đó, Shut down của BlackPink, Feel my rhythm của Red Velvet và Nxde của (G)I-DLE được đánh giá cao khi khéo léo phối hợp các mẫu nhạc cổ điển cùng giai điệu pop hiện đại để tạo nên một tác phẩm độc đáo, chất lượng.

BlackPink, Red Velvet, (G)I-DLE là các nhóm nhạc nữ đình đám hàng đầu Kpop. Ảnh: SM/ YG/ CUBE
BlackPink, Red Velvet, (G)I-DLE là các nhóm nhạc nữ đình đám hàng đầu Kpop. Ảnh: SM/ YG/ CUBE
Ra mắt vào tháng 3.2022, ca khúc Feel my rhythm của Red Velvet gây tiếng vang khi tạo được sự khác biệt bằng cách sử dụng giai điệu quen thuộc của bản giao hưởng kinh điển Air on the G String - được viết bởi nhà soạn nhạc người Đức JS Bach. Nhờ vậy, Red Velvet đã thành công đem đến làng nhạc Hàn một làn gió mới, mang trọn hơi thở mùa xuân đầy tao nhã, thanh lịch và nữ tính. Ca khúc được khán giả khen ngợi không chỉ bởi âm nhạc sang trọng mà còn nhờ vào phong cách trình diễn tươi sáng của nhóm nhạc nhà SM.

Red Velvet hóa thành các tiểu thư xinh đẹp, thanh tao trong Feel my rhythm. Ảnh: SM/ YG/ CUBE
Red Velvet hóa thành các tiểu thư xinh đẹp, thanh tao trong Feel my rhythm. Ảnh: SM/ YG/ CUBE
Tiếp đó, vào tháng 9.2022, BlackPink tái xuất Kpop với Shut down - ca khúc giao thoa giữa thể loại hip hop và bản violin cổ điển La campanella của nhà soạn nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm người Ý - Niccolò Paganini. Tác phẩm này vốn được xem như một ví dụ kinh điển trong giới vĩ cầm vì sở hữu giai điệu gây nghiện và đòi hỏi trình độ biểu diễn cao. Vì lẽ đó, khi nhịp điệu nhanh, dồn dập với kỹ thuật điêu luyện của La campanella kết hợp cùng màn trình diễn tràn đầy năng lượng của BlackPink đã tạo nên một bản hit Kpop hoành tráng và cá biệt.

Shut down trở thành một bản hit tiếp theo trong sự nghiệp của BlackPink. Ảnh: YG ENTERTAINMENT
Shut down trở thành một bản hit tiếp theo trong sự nghiệp của BlackPink. Ảnh: YG ENTERTAINMENT
Trường hợp gần đây nhất là ca khúc Nxde của (G)I-DLE, khi lồng ghép nhạc pop với bản Habanera trong vở opera Carmen của nhà soạn nhạc Georges Bizet, vốn được ví như đỉnh cao của nghệ thuật opera hiện thực Pháp. Nhờ màn biến tấu hoàn hảo, Nxde đã lột tả thành công phong cách mạnh mẽ cùng thông điệp đề cao nữ quyền, thoát khỏi định kiến xã hội về những cô gái gợi cảm và mang lại nhiều thành tích đáng nể cho (G)I-DLE.

Nxde là tiếng nói của (G)I-DLE về nữ quyền trong thời đại mới. Ảnh: YG ENTERTAINMENT
Nxde là tiếng nói của (G)I-DLE về nữ quyền trong thời đại mới. Ảnh: YG ENTERTAINMENT
Có thể nói, việc các ca khúc Kpop lấy mẫu nhạc cổ điển không phải là xu hướng quá mới lạ. Trước đây, ca khúc The day after you left (1998) của nam ca sĩ Lee Hyun Woo hay Tri-Angle (2004) của TVXQ!... từng gây nhiều tiếng vang khi được sáng tác dựa trên các giai điệu cổ điển nổi tiếng. Tuy nhiên, vào những năm về sau, xu hướng này dần bị lãng quên. Điều này được cho là các nhà sản xuất nhạc bắt đầu ưa chuộng việc mua lại giai điệu từ các ca khúc sẵn có hơn là nhạc cổ điển. Vậy lý do gì khiến xu hướng này hồi sinh cùng sự phát triển trên thị trường toàn cầu của các thế hệ thần tượng thứ 3 và 4?
Theo Hankookilbo, ưu điểm lớn nhất của việc dùng mẫu nhạc cổ điển chính là sự đảm bảo về tính phổ biến. Nhờ giai điệu bắt tai, vốn quen thuộc với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, các ca khúc pop dựa trên nhạc cổ điển sẽ dễ dàng nhận được sự yêu mến của công chúng, dù cho đó có là một bài hát mới. Đây cũng là hướng đi nhanh và đơn giản nhất để âm nhạc của các nghệ sĩ Kpop tiếp cận với người hâm mộ trên khắp thế giới.

Tri-Angle (2004) của TVXQ! cũng được khai triển dựa trên nhạc cổ điển. Ảnh: SM ENTERTAINMENT
Tri-Angle (2004) của TVXQ! cũng được khai triển dựa trên nhạc cổ điển. Ảnh: SM ENTERTAINMENT
Hơn nữa, việc sử dụng beat nhạc đã được phát hành của các ca sĩ khác sẽ rất tốn kém để chi trả cho phí bản quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp lấy mẫu nhạc cổ điển, gánh nặng phí bản quyền sẽ giảm đáng kể, đây là một lợi thế cho nhà sản xuất. Do quyền tác giả thường được bảo hộ trong khoảng 70 năm sau khi người viết qua đời, nên hầu hết tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển nổi tiếng như Mozart, Beethoven, Bach hiện đang trong tình trạng bị hủy bỏ quyền tác giả.
Ngoài ra, một điểm mạnh khác của trào lưu này chính là có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, bằng cách phối hợp những gì tinh túy nhất của bản nhạc gốc với màu sắc cá nhân của nhóm nhạc thần tượng. Mang đến hơi thở retro (hoài cổ) nhưng vẫn truyền tải được thông điệp riêng một cách tinh tế chính là một chiến lược hoàn hảo cho các nghệ sĩ Kpop giữa cuộc chiến ý tưởng đầy khốc liệt hiện nay.
Theo Mỹ Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm