Bình yên và phát triển trên xứ sở cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên - vùng đất kiêu hãnh, hào hùng của Tổ quốc, nơi đồng bào các dân tộc anh em từng đồng cam cộng khổ, kiên cường đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005, năm 2008 được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh minh họa: TTXVN

Di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005, năm 2008 được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh minh họa: TTXVN

Tây Nguyên còn là biểu tượng của ý chí quật cường vượt qua gian khó trong sự nghiệp kiến thiết, phát triển. Mỗi bước đổi mới, đi lên ở "xứ sở cồng chiêng" hôm nay, với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, đều có sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Ðảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình mục tiêu ưu tiên, đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Từ dải đất bị chiến tranh tàn phá, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Nguyên đã không ngừng vươn lên, kiến thiết, xây dựng để Tây Nguyên “thay da, đổi thịt”.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 6,3 triệu người, chiếm 6% dân số cả nước, với 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số khoảng 2,2 triệu người. Đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên vùng đất đỏ bazan đã tạo nên bức tranh đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, hỗ trợ hiệu quả đồng bào nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về "Phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng Tây Nguyên", nguồn lực đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng tăng, hướng tới phát triển bền vững. Tiếp đó, nhằm tạo cú huých để Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2022, Bộ Chính trị (Khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW. Quan điểm, mục tiêu hàng đầu đặt ra trong Nghị quyết của Đảng là đưa mảnh đất hào hùng, kiêu hãnh này tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Việc triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thể hiện rất rõ mục tiêu và quyết tâm “không ngừng nghỉ” của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển ở các địa bàn này, trong đó có Tây Nguyên. Giai đoạn 2021-2025, các tỉnh Tây Nguyên được Trung ương giao trên 11.700 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình này.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước thành các chương trình hành động, chính sách, đề án, dự án phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 14 về “Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”. Tỉnh ủy Gia Lai và Tỉnh ủy Kon Tum triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”… Những chủ trương, chính sách, chương trình hành động cụ thể đó đã mang lại kết quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở “xứ sở cồng chiêng”. Minh chứng là những “con số biết nói” thể hiện qua GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002.

Người dân Tây Nguyên thấm thía hơn ai hết: “Trước đây, cái đói, cái dốt vây hãm giữa núi rừng, không biết lối nào mà đi. Không có Đảng, có Bác Hồ thì làm sao có cuộc sống của đồng bào như hôm nay”. Mỗi cánh rừng, ngọn núi, dòng sông, buôn làng trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên đều hiện hữu sinh động và in đậm nghĩa Đảng, tình dân. Nghĩa tình đó như những câu chuyện kể suốt tháng năm, như suối nguồn chảy mãi.

Hình ảnh của Đảng giữa buôn làng bao lâu nay và nhất là những ngày đầu xuân mới 2024 này, là sự hiện hữu của những chính sách, chương trình mang lại hiệu quả cho mỗi vùng quê và mỗi người dân, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, để không ai bị bỏ lại phía sau... Sự gắn bó, niềm tin vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng đồng bào Tây Nguyên cũng chính là sức mạnh đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, đập tan âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc sống bình yên của đồng bào nơi đại ngàn.

20 năm trước, cuộc gây rối do đối tượng Ksor Kok cầm đầu đòi lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” đã nhanh chóng bị "dập tắt", vạch trần. Mới đây nhất, vào tháng 6/2023 là vụ việc xảy ra ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau vụ việc, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên đã được lập lại ổn định, các buôn làng trở lại với nhịp sống bình yên. Đồng bào tiếp tục chung tay góp sức hiện thực hóa các chương trình, chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, song hành với các chủ trương, chính sách phát triển Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt coi trọng việc bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ở địa bàn chiến lược này. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân ngay từ cơ sở, trong mỗi buôn làng Tây Nguyên.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo các ban, ngành và 5 tỉnh Tây Nguyên ngay sau vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai khẳng định tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Tây Nguyên, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp căn cơ nhất là phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn Tây Nguyên.

Tại Tây Nguyên, mỗi mảnh đất, buôn làng, thành thị đều có những lợi thế và bản sắc riêng. Đắk Lắk với đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ là thủ phủ cà phê. Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất nước. Gia Lai với bạt ngàn hồ tiêu, cao su... hình thành những vùng chuyên canh cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, làm thay đổi bộ mặt buôn làng, nâng cao đời sống nhân dân.

Những kết quả đó có được nhờ quá trình khai thác, phát triển dựa trên những tiềm năng nổi bật của Tây Nguyên về đất đai, khí hậu, tài nguyên. Đại ngàn bên dãy Trường Sơn với 3,2 triệu ha đất rừng cùng 1 triệu ha đất đỏ bazan và 1,8 triệu ha đất đỏ vàng, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu điều hòa... Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng, giàu khoáng sản, là vùng sản xuất lớn các loại cây công nghiệp; có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh... Bên cạnh đó là điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển, song cũng còn đó những băn khoăn khi các tiềm năng, lợi thế đó chưa được khai thác, phát huy mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội Tây Nguyên vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng đói nghèo, phá rừng làm rẫy, thiếu đất sản xuất... chưa được giải quyết thấu đáo, nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự còn tiềm ẩn.

Thế nên, để vùng đất cách mạng này ổn định và phát triển bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của chính đồng bào nơi đây, sự giúp sức của Trung ương, các vùng, các tỉnh khác với tinh thần "Tây Nguyên vì cả nước và cả nước vì Tây Nguyên"; cần giải quyết đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, tập trung giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá. Đặc biệt, phải ưu tiên xây dựng, củng cố vững chắc thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. "Phải dựa vào nhân dân", "phải đoàn kết với nhân dân", "giáo dục nhân dân cảnh giác thì địch không làm gì được", như Lời dạy của Bác Hồ trong bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình 61 năm về trước.

Có thể bạn quan tâm