(GLO)- Ngày mới ra trường đi làm, tôi rất háo hức với những chuyến công tác xa, dài ngày. Là dịp được tìm hiểu vùng miền mới, hấp dẫn bởi có nét khác lạ, ít ra chỉ với riêng mình. Dành thời gian rỗi lang thang, đôi khi phương tiện chỉ bằng đôi chân và sức trẻ thế mà vui, nhớ mãi.
Một góc thị trấn Kông Chro. |
Hơn 20 năm trước, hồi ấy huyện mới thành lập, thị trấn Kông Chro buồn thỉu buồn thiu với cơ sở hạ tầng loanh quanh vài cung đường trải nhựa, trải đá cấp phối; mấy dãy nhà các cơ quan, ban ngành của huyện mới xây; chợ huyện tịnh không một bóng người, dành chỗ cho “công ty hai sọt” dạo vòng vào giữa buổi sáng mỗi ngày; thưa thớt mấy ngôi nhà dân xây cất đơn sơ nấp dưới bóng tán cây rừng còn sót lại. Con đường đất được mở rộng, dài khoảng 30 km nối thị xã An Khê với trung tâm huyện là huyết mạch chính đem “ánh sáng văn minh” về huyện mới. Ngày hè, chiều xuống chậm, nắng vàng sậm ngoi mình qua dãy núi, trải sắc vàng úa ngớp ngỏi lên đồng mía, rẫy mì hòa vào màu xanh lá tạo sắc vàng tím nhợt. Tắt nắng, cái sắc vàng nhợt nhạt dài thêm ra, yếu dần tạo cảm giác hiu buồn trùm lên thị trấn. Vào thời khắc hoàng hôn bập bùng ấy, phần lớn cán bộ, công chức đã về nhà ở An Khê hay những làng không xa, thị trấn chừng như vắng bóng người. Tiếng chim trời là âm thanh chiếm ngự không gian, rộn rã và inh ỏi!
Đêm xuống, heo hắt ánh đèn đêm. Khu chợ ngủ muộn nhất có quán cháo gà bà Tám, vài người phụ nữ ngồi co ro nón lá sùm sụp đội đầu bên rổ trứng vịt lộn, ngọn đèn dầu heo hắt bóng. Thi thoảng có bóng người đi xe đạp ghé lại. Mọi thanh âm dù rất khẽ cũng đủ làm xao động màn đêm.
Chuyến công tác kéo dài gần một tuần giúp tôi “trốn” ngày mưa lướt mướt khu vực Tây Trường Sơn. Thị trấn Kông Chro sực ấm dìu bước lãng du mỗi buổi bình minh, mỗi chiều vàng nắng cùng phố huyện. Tôi thong dong tản bộ hay chậm trôi trên chiếc xe đạp cũ cũng đủ “khám phá” để khái quát rằng, địa hình thị trấn khá bằng phẳng, diện tích khiêm tốn với người đi xe máy. Con người khiêm cung chân chất. Môi trường tự nhiên còn vương nét hoang sơ, có dòng sông Ba vắt mình uốn qua góp phần điều hòa khí hậu; nương mía, bãi mì thấp thoáng đồi bát úp xung quanh không chỉ tạo cảnh quan mà còn cho thấy cư dân ở đây lấy nông nghiệp làm nguồn thu nhập chính. Rải rác cây rừng cổ thụ còn sót lại cho tiếng chim trời cất giọng đón, tiễn ngày…
Chính cái sự thưa vắng nên buổi sớm ở đây thật tuyệt! Gió bát ngát, khoáng đạt. Hơi sương mỏng loãng chỉ đủ cho ta cảm bằng xúc giác rười rượi làn hơi nước mơ hồ kích thích hệ hô hấp an nhiên trao đổi dưỡng khí. Yên bình tiếng chim cu vọng lại tứ bề gọi bình minh lên, gọi bạn tình trên tán cây cao, gọi bình yên thôn dã khi thị trấn còn lơ mơ ngái ngủ. Mấy chú chó túm tụm, đuổi giỡn trên đường rồi bất giác cất tiếng sủa dồn khi phát hiện bước chân, dáng người lạ đủ để biết ở đây thưa vắng khách, cho nên tìm người phố huyện chỉ cần hỏi tên mà không cần địa chỉ.
Trưa râm ran nắng. Dọc bờ sông Ba ghé chân bến vắng bên bãi bồi sau mùa thu hoạch bắp. Dưới bóng gốc si già vấn điếu thuốc rê cùng chú Bảy Hải quê gốc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là đời thứ ba làm nghề đánh cá trên sông này chờ cá mắc “lưới trời” kể chuyện đi câu, giăng lưới bắt được con chép, mè, trắm, lóc… nặng từ 3 kg đến hơn 10 kg ở khúc sông này lúc giữa trưa hay đêm tối. Để nghe trong lời kể đầy tự hào xen về loài cá đá miệng rộng, mép dày trưởng thành chỉ bằng ngón trỏ người lớn sống bám vào rêu mỏm đá dòng chảy nước trong cho thịt thơm ngon chẳng kém loài cá tiến vua đầu nguồn sông Đà, sông Mã. Giọng quê chân chất, nét quê hồn hậu gợi nhớ ngư dân dọc hạ lưu sông Côn, nơi tuổi thơ tôi gắn bó…
Tiếp khách là tôi buổi chia tay sau bữa cơm chiều biêng biêng men rượu gạo, mời nhau “văn hóa, văn nghệ”. Bạn ôm ghi ta gỗ bập bùng, tôi cùng các bạn đũa tre gõ vào chén bát, xoong nồi u ơ phụ họa. Đêm chưa sâu mà tưởng chừng khuya lắm, đưa nhau về có tiếng chó sủa theo chân.
Vài ngày làm khách trọ mà sao tôi cứ nhớ. Phút chạnh lòng, thị trấn bình yên hiện ra về cùng bao gương mặt người, cùng bao cảnh vật dẫu biết thời gian đã đổi thay rồi…
Nguyễn Đình Phê