Biên cương vươn mình mạnh mẽ - Bài 2: Nghĩa tình nơi biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Báo SGGP trở thành “cầu nối” kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ đồng bào vùng biên giới Việt - Lào bằng những việc làm thiết thực.

Trong đó, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã xây dựng, trang bị 17 trạm xá không chỉ là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho bà con nhân dân nơi biên ải mà còn là địa điểm giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng đến với đồng bào các dân tộc.

Bác sĩ quân y BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế tại trạm xá quân dân y xã A Đớt sơ cứu cho cháu bé bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong bị tai nạn

Bác sĩ quân y BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế tại trạm xá quân dân y xã A Đớt sơ cứu cho cháu bé bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong bị tai nạn

Trạm xá “lưỡng quốc”

Mới 6 giờ sáng, Trạm xá quân dân y xã A Đớt (công trình do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP tài trợ, khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015) đã có khoảng 10 người đến khám, chữa bệnh. Như hiểu nguyện vọng bà con đến sớm để về nhà lên rẫy nên công tác chuẩn bị của các y, bác sĩ quân y tại đây triển khai rất nhanh.

Bà Kăn Uông (70 tuổi, thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ) cho biết: “Giờ chỉ cần đến trạm quân y là bộ đội biết bệnh ngay. Các chú bộ đội khám, cho thuốc đúng bệnh nên mau khỏi. Chỉ lúc bệnh nặng mới phải đi bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thôi”.

Khám bệnh cho đồng bào khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Khám bệnh cho đồng bào khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Còn với người dân bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong, Trạm quân dân y xã A Đớt là địa chỉ quen thuộc lúc đau ốm. Đưa con trai 9 tuổi đến khám bệnh viêm phổi, chị Nang La, bản Ka Lô khoe túi thuốc vừa được cấp miễn phí. Chị cho biết: “Từ ngày có Trạm xá quân dân y xã A Đớt, bà con nhân dân bản Ka Lô không phải băng rừng, lội suối về trung tâm huyện Kà Lừm với quãng đường hàng trăm cây số để khám bệnh như trước kia nữa. Các bác sĩ quân y ở đây không chỉ giỏi tay nghề mà còn tận tình, chu đáo”.

Thời điểm trước năm 2014, việc khám chữa bệnh của bà con thôn Palin (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn bởi con đường độc đạo từ trung tâm xã vào thôn lúc nào cũng lầy lội, hiểm nguy rình rập. Thấu hiểu sự khó khăn của bà con thôn Palin cùng hàng ngàn người dân nước bạn Lào sinh sống dọc đường biên, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã khảo sát và vận động Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ 2 tỷ đồng xây dựng Trạm xá quân dân y Palin.

Khám bệnh cho đồng bào và lực lượng vũ trang khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Khám bệnh cho đồng bào và lực lượng vũ trang khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Tháng 2-2014, công trình có diện tích gần 250m2, bao gồm các hạng mục: nhà giao ban, nhà ở của nhân viên, bếp ăn, khu khám và điều trị bệnh nhân… đưa vào hoạt động trong niềm vui vỡ oà của bà con. Từ đây, đồng bào dần thay đổi nhận thức về khám chữa bệnh, đẩy lùi nhiều hủ tục. Trong đó, khác biệt lớn nhất là thai phụ không còn ra chòi sinh nở.

“Trước đây, thai phụ ở Palin gần ngày sinh được gia đình dựng cái chòi sau vườn và cho ra đó ở một mình. Họ tự vượt cạn trong lằn ranh sinh - tử, tự chăm sóc bản thân và trẻ sơ sinh một thời gian, rồi mới được vào nhà. Trường hợp đứa con không sống, người mẹ tự xử lý mọi việc xong mới được phép cho lên nhà trên. Hủ tục ấy là nỗi ám ảnh đối với các thai phụ do đối mặt nhiều nguy cơ, nhất là các tai biến sản khoa. Tuy nhiên, từ ngày bác sĩ quân y vận động, đưa thai phụ đến Trạm xá quân dân y Palin sinh nở an toàn thì mọi người đều tin và làm theo”, bà Hồ Thị Hoa, từng sinh nở tại Trạm xá quân dân y Palin chia sẻ.

Qua từng câu chuyện mà các bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, chúng tôi còn được biết, những trạm xá quân dân y do Báo SGGP cùng các mạnh thường quân tài trợ còn là địa điểm giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng đến với đồng bào các dân tộc tại khu vực biên giới.

Cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào và lực lượng vũ trang khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào và lực lượng vũ trang khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ. Ảnh: VÕ TIẾN

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, các trạm xá quân dân y ở biên giới Việt - Lào mà người dân địa phương vẫn quen gọi là những trạm xá “lưỡng quốc” do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn thực hiện, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho đồng bào.

Những công trình thấm đượm nghĩa tình

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Nỏng Bốc (tỉnh Khammouane, nước bạn Lào, có chung đường biên giới với tỉnh Hà Tĩnh), các đơn vị thi công đang huy động tối đa máy móc cùng nhân công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2024, theo đúng Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ.

Công trình gồm các hạng mục như: trạm bơm và trạm biến áp cấp 1, cấp 2; hệ thống kênh dài hơn 2km và tuyến đường chạy dọc theo kênh, kè bờ sông Mê Công dài 500m... với tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng (trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam khoảng 260 tỷ đồng, số còn lại là đối ứng của nước bạn Lào) do UBND tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công trình nhằm góp phần chống sạt lở cho các khu vực bờ sông Mê Công; dẫn dòng nước mát từ dòng Mê Công về phục vụ tưới tiêu cho hơn 500ha đất canh tác thuộc 4 bản cụm Song Muông - nơi được xem là vựa lúa của huyện Nỏng Bốc.

Công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Nỏng Bốc (tỉnh Khammouane, nước bạn Lào, có chung đường biên giới với tỉnh Hà Tĩnh) sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Nỏng Bốc (tỉnh Khammouane, nước bạn Lào, có chung đường biên giới với tỉnh Hà Tĩnh) sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Tháng 7-2022, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã làm bừng lên ánh sáng vùng biên giới nước bạn Lào tại cụm bản Na Chắt, tỉnh Khammouane khi công trình chiếu sáng vùng biên dài 1,5km và cổng chào đầu bản được triển khai với 48 bộ cột đèn năng lượng mặt trời.

Ông Chăn Tha, Trưởng bản Na Chắt, cho biết: “Hệ thống đèn chiếu sáng không những thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng mà còn giúp bà con nhân dân cùng các em học sinh có điều kiện đi lại, học tập tốt hơn”.

Trường Tiểu học Sê Sáp- công trình do tỉnh Thừa Thiên Huế xây tặng học sinh biên giới Lào tại huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong. Ảnh: VĂN THẮNG

Trường Tiểu học Sê Sáp- công trình do tỉnh Thừa Thiên Huế xây tặng học sinh biên giới Lào tại huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong. Ảnh: VĂN THẮNG

Còn tại cụm bản Lằng Khằng, huyện Bua La Pha, tỉnh Khammouane, đại diện tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị đã tổ chức tặng quà và khánh thành, bàn giao các công trình dân sinh trị giá hơn 700 triệu đồng tặng chính quyền, nhân dân cụm bản này. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, cho biết, đây là chuỗi hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, “đồng cam, cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi” của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đối với chính quyền, nhân dân cụm bản Lằng Khằng. Đồng thời, là biểu tượng của sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới của hai tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khammouane.

Khánh thành công trình ánh sáng vùng biên giới nước bạn Lào tại cụm bản Na Chắt, tỉnh Khammouane. Ảnh: MINH PHONG

Khánh thành công trình ánh sáng vùng biên giới nước bạn Lào tại cụm bản Na Chắt, tỉnh Khammouane. Ảnh: MINH PHONG

Dọc biên giới Việt Nam - Lào hiện hữu nhiều công trình dân sinh như trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện… mang dấu ấn về mối quan hệ hữu nghị, thủy chung Việt Nam - Lào, góp phần đưa những vùng đất nơi biên ải này ngày một khang trang. Tại hội đàm giữa Quảng Trị và hai tỉnh của nước bạn Lào là Savannakhet, Salavan tổ chức tại TP Đông Hà mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thành tựu đạt được của Quảng Trị trong phát triển kinh tế, xã hội đều mang dấu ấn đậm nét của sự sẻ chia, hợp tác, giúp đỡ quý báu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Savannakhet và Salavan.

Ngoài việc ưu tiên hợp tác các dự án tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn; củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân biên giới, các địa phương trên tuyến biên giới này đang tiếp tục mở rộng không gian phát triển, mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông - Tây…

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...