Bí mật những đường dây đẻ thuê - Kỳ 1: Cuộc gọi cầu cứu trong đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một buổi tối, Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) nhận được cuộc gọi cầu cứu từ Thanh Hóa. Ở đầu dây bên kia, giọng một phụ nữ nấc nghẹn, khẩn thiết: "Các anh ơi! Các anh cứu con tôi với... Nó sắp bị bán đi Trung Quốc rồi...".

 Công an thành phố Hạ Long làm việc với những người mang thai thuê cho người Trung Quốc - Ảnh: KHÁNH HÀ
Công an thành phố Hạ Long làm việc với những người mang thai thuê cho người Trung Quốc - Ảnh: KHÁNH HÀ



Những bà bầu xuất cảnh sang Trung Quốc nhưng khi về nước bụng đã xẹp mà chỉ có một mình, không thấy em bé đâu. Công an Trung Quốc từng phát hiện gần chục bà bầu Việt gần đến ngày sinh ở chung nhà trọ và đã trao trả lại cho Việt Nam.

Ca trực đêm 20-7, Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) nhận được cuộc gọi cầu cứu từ Thanh Hóa. Ở đầu dây bên kia, giọng một phụ nữ nấc nghẹn, khẩn thiết: "Các anh ơi! Các anh cứu con tôi với... Nó sắp bị bán đi Trung Quốc rồi...". Sáng sớm hôm sau, khi 3 người phụ nữ trong một phòng trọ ở phường Trần Phú (TP Móng Cái) đang sửa soạn để chờ người dẫn đi vượt biên thì cảnh sát ập vào...

 


Nhà em về được là may rồi. Chỉ mong bà con thông cảm, vì cuộc sống khó khăn.

ĐINH VĂN ĐỨC



Hai lần báo công an tìm con

Sẩm tối, bà Hoàng Thị Dương (đã đổi tên) mới về đến nhà ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Căn nhà "hiên tây mái chảy" xây từ những năm 90 của thế kỷ trước thấp le te, rêu mọc đầy trên mái ngói. Người phụ nữ 65 tuổi làm lao công cho một bệnh viện ở thành phố Thanh Hóa, cách nhà hơn chục cây số. Hết giờ làm, bà tranh thủ tạt vào bờ đê, cắt thêm bao cỏ, vắt ngang trên chiếc xe đạp điện chở về cho bò.

Ở nhà, bé Thanh (đã đổi tên) không đợi được bà về mở cổng nên trèo tường vào nhà nấu cơm tối. Thanh đã 13 tuổi, học lớp 8. Mẹ của bé là Hoàng Thị Quyên (đã đổi tên), một trong ba người phụ nữ chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc đẻ thuê thì bị công an bắt giữ.

Quyên đi làm biền biệt, để bé Thanh sống với bà. Thanh cũng không biết mặt bố đẻ. "Hôm mẹ cháu về là đúng sinh nhật cháu, ngày 17-7. Đêm đó mẹ cũng đi luôn. Mấy hôm sau thì bà cháu bảo mẹ bị bắt ở gần Trung Quốc. Mẹ cũng về rồi nhưng ở nhà chú người yêu, cùng làng này nhưng không ai thấy mặt mẹ cháu cả. Mẹ cũng không về nhà" - cô bé kể chuyện, đôi mắt ngây thơ nhìn xa xa vào khoảng tối mịt mù.

Chiều muộn không rõ mặt người, bà Hoàng Thị Dương về đến nhà. Nhắc đến con gái, người phụ nữ tóc đã bạc trắng nhìn đứa cháu rồi gạt nước mắt. Đôi gò má sạm đen, đôi bàn tay khô khốc, nhăn nheo run lên vì xúc động. Bà kể Quyên đi làm xa, thỉnh thoảng mới về nhà. Năm ngoái Quyên nói đi sang Campuchia, không gọi được điện thoại, bà Dương đứng ngồi không yên. "Không biết hắn sang đó làm gì? Rồi hơn tuần sau, hắn bảo ở TP.HCM. Tôi báo công an, nhờ các anh ấy tìm con hộ", bà kể.

Lần ấy, công an tìm ra Quyên ở cùng xóm trọ với Nguyễn Thị Cẩm, kiểm tra hành chính không vi phạm gì. Tháng 7 vừa rồi Quyên về, dẫn theo Cẩm và cậu bồ nhí của Cẩm. Bà Dương mới giật mình thấy con gái mình "chửa ễnh" ra, lại còn khoe thai đôi con trai. Hỏi chồng đâu thì cả lũ cười khùng khục: "Bố nó ở bên Tây".

Bà Dương khó chịu lắm, chẳng hiểu làm thế nào mà Quyên lại chơi thân với Cẩm. Năm ngoái chính Cẩm thường xuyên "khủng bố" điện thoại bà Dương, đòi bà phải trả số tiền 9 triệu đồng mà Quyên nợ. Cẩm còn đăng cả ảnh của Quyên và cậu người yêu ở cùng làng lên mạng xã hội để đòi tiền. Thế mà lần này về nhà, cả bọn "dí da dí dủm" với nhau. Cậu "bồ nhí" của Cẩm mặt búng ra sữa, dễ kém người yêu đến dăm tuổi, cũng tỏ vẻ thân thiết lắm. Tối hôm ấy, chúng nói thuê xe ra thành phố chơi, nhưng xe chạy thẳng ra Móng Cái. Cẩm đón thêm một người nữa rồi đưa cả Quyên, Cẩm ra Móng Cái, định vượt biên sang Trung Quốc sinh con.

Tuy nhiên, gần đến biên giới, Quyên đâm lo. Cô nhắn tin cho bà Dương kể lại sự việc. Lúc này, bà Dương mới vỡ lẽ con mình nhận lời của Cẩm mang thai hộ cho người Trung Quốc. Cẩm đã đưa Quyên sang Campuchia để cấy phôi, rồi đưa về TP.HCM dưỡng thai. Đến gần ngày sinh, Cẩm đưa Quyên sang Trung Quốc, sinh con bên đó để trao cho người ta và nhận tiền.

"Nghe đâu số tiền cũng lớn lắm, hơn 400 triệu, bằng căn nhà này - bà Dương nói - Nhưng nó sợ sang Trung Quốc rồi không có đường về. Lúc trước nó bảo đẻ ở Việt Nam rồi trả con cho người ta, nhưng rồi cái Cẩm nó không chịu, phải đẻ ở Trung Quốc".

Bà Dương nói Quyên về rồi, ở với người yêu, cùng làng nhưng chẳng ai gặp mặt cả. "Ở đây ai cũng biết chuyện đó, xấu hổ chẳng dám gặp ai" - bà Dương nói rồi chỉ cho tôi căn nhà Quyên đang ở.

Tôi đi tìm căn nhà mặt đường đóng cửa im ỉm. Gọi mãi thì một cậu thanh niên đi xe máy về. Đinh Văn Đức (đã đổi tên) ái ngại nhìn khách lạ. "Quyên không ở nhà đâu anh... "Nhà" em về được là may rồi. Chỉ mong bà con thông cảm, vì cuộc sống khó khăn..." - Đức nói nhát gừng, buồn buồn, tủi tủi...

 

 Người mẹ 2 lần gọi điện cho cảnh sát tìm con - Ảnh: VŨ TUẤN
Người mẹ 2 lần gọi điện cho cảnh sát tìm con - Ảnh: VŨ TUẤN


Từ mang thai hộ trở thành "cò đẻ"

Tháng 9-2019, Nguyễn Thị Cẩm, 31 tuổi, quê ở Kiên Giang, kết bạn trên mạng xã hội với một nickname "Phương Nam". Cẩm không biết tên thật, cũng không rõ địa chỉ, chỉ biết người này là phụ nữ. "Phương Nam" chat với Cẩm rằng nếu mang thai hộ, từ lúc cấy phôi đến khi sinh con sẽ được nhận 300 triệu đồng. Cẩm đồng ý.

Mười ngày sau, Cẩm được hướng dẫn sang Campuchia gặp một người tên Vin. Vin đưa đến một bệnh viện để cấy phôi thai. Vin "thật thà" cho Cẩm biết ông chủ đã thuê cô mang thai hộ trả nhiều hơn rất nhiều số tiền Phương Nam trả. Phương Nam chỉ là một "cò" ở Việt Nam.

Cẩm xin được địa chỉ tài khoản Wechat rồi nói chuyện với Wan - người Trung Quốc đã thuê Phương Nam làm "cò" để Cẩm đẻ thuê. Rồi sau đó, Cẩm nhanh chóng "cắt cầu" Phương Nam và lại trở thành "cò đẻ thuê" cho Wan.

Trở về TP.HCM dưỡng thai, Cẩm đăng bài trên trang "Mang thai hộ" theo cách Phương Nam đã làm. Chẳng tốn thời gian, Cẩm bắt mối ngay được với Hoàng Thị Quyên và Nguyễn Thị Bích Hồng (đã đổi tên).

Cẩm hứa sẽ trả công cho Quyên và Hồng mỗi người 13.000 USD (khoảng 300 triệu đồng).

Sau khi cấy phôi sẽ nhận được 200 USD, đậu thai nhận thêm 300 USD, nghe thấy tim thai sẽ được thêm 500 USD. Các chu kỳ thai 8 tuần, 16 tuần, 20 tuần, 25 tuần và 30 tuần sẽ được nhận mỗi lần 1.000 USD. Số còn lại 7.000 USD được thanh toán khi sinh con. Nếu thai đôi, số tiền thưởng cũng gấp đôi.

Hai thai phụ được bao toàn bộ chi phí khám, dưỡng thai. Mỗi tháng còn được "cò" Cẩm cho thêm 3 triệu đồng tiêu vặt.

Gần đến ngày sinh, Cẩm đưa Quyên và Hồng ra Móng Cái, thuê một người tên Phong dẫn sang Trung Quốc. Phong đòi 5.500 tệ (khoảng 16 triệu đồng) mỗi người để Phong dẫn sang Trung Quốc. Cả nhóm chưa kịp vượt biên thì bị công an thành phố Móng Cái phát hiện, bắt giữ.

 


"Quy trình" mang thai thuê

"Quy trình" mang thai thuê được "cò" ghi rõ trong hợp đồng: cấy ghép phôi thai ở Campuchia, dưỡng thai ở Việt Nam và sinh con ở Trung Quốc.

Theo Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Quảng Ninh, trước đây người mang thai thuê được cấy ghép phôi thai ngay ở Trung Quốc, sau đó dưỡng thai ở Việt Nam hoặc ở Trung Quốc. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét mạnh, chính quyền Trung Quốc cũng có những quy định chặt chẽ hơn trong việc cấy ghép phôi thai (tương tự như ở Việt Nam). Vì thế, đường dây mang thai thuê sẽ đưa người sang Campuchia cấy ghép.

Người muốn có con sẽ gửi tinh trùng, trứng ở bệnh viện bên Campuchia, sau đó cấy vào tử cung người mang thai hộ.

Toàn bộ chi phí khám sức khỏe, cấy ghép, khám định kỳ, dưỡng thai... đến khi sinh nở, các "cò đẻ thuê" ra mặt chi trả. Người mang thai thuê được chu cấp mỗi tháng từ 3 triệu đến 5 triệu đồng để sinh hoạt.




Kỳ tới: Đường dây "thuê bụng" ở nước ngoài
 

Theo VŨ TUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.