Bi kịch "tốc độ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không sợ trời, chẳng sợ đất, tất cả chỉ vì đam mê mù quáng và ý nghĩ điên rồ của thanh niên mới lớn tự phong cho mình danh hiệu “quái xế” trên những cung đường đêm. Cái giá phải trả quá chát đắng, bi kịch “tốc độ” giáng xuống biết bao gia đình, nỗi buồn kéo dài thăm thẳm.
Chấm dứt đời thanh xuân
Đã hơn 1 năm trôi qua, căn nhà trọ của mẹ con bà Nguyễn Thị Gái (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) vẫn luôn tăm tối, đượm buồn. Người mẹ chỉ vừa bước qua tuổi 40 nhưng mái tóc đã nhuộm màu sương gió bởi sự giày vò thân xác và nỗi đau khổ cùng cực về đứa con trai Lê Công Khiêm (19 tuổi). Khiêm là đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha, từ nhỏ chỉ biết mỗi mẹ và ông bà ngoại. Đang học lớp 11, Khiêm bỏ giữa chừng để theo mẹ lên Tp. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Bà Gái đã tính sau khi ổn định cuộc sống, chờ Khiêm đủ tuổi, sẽ cho học lái xe để đi làm tài xế.
Bà Gái mải miết đi làm trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân, còn Khiêm nằm dài ở nhà chờ tuổi 18. Vốn nhanh nhẹn, lại đam mê chạy xe nên Khiêm dễ dàng kiếm được tấm bằng lái A1. Bà Gái góp nhặt, vay mượn thêm mua cho con trai chiếc xe máy hiệu Sirius trị giá 21 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời được sở hữu chiếc xe máy, Khiêm vô cùng vui sướng, tự hào khoe với chúng bạn ở quê giờ này vẫn đang “còng lưng” ôn tập thi tốt nghiệp.

CSGT Công an TP Hồ Chí Minh ra quân xử lý đua xe trái phép.
CSGT Công an TP Hồ Chí Minh ra quân xử lý đua xe trái phép.
Khiêm đăng ký chạy xe ôm công nghệ (Grab). Những tháng ngày ra đời kiếm sống, Khiêm dần quen biết một vài người bạn cùng chung sở thích với xe. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được, thay vì đưa cho mẹ để trang trải chi phí thì Khiêm mang đi độ nòng, độ máy, thay sên cho ý định một ngày nào đó “đi bão đêm”. Và, ngày đó đã đến, Khiêm cùng nhóm bạn trẻ trâu tóc xanh tóc đỏ, tay chân xăm trổ rồng phượng, rắn rết âm thầm tổ chức một cuộc đua xe trên đoạn đường vắng giáp ranh giữa Long An và Tp. Hồ Chí Minh.
Đêm ấy, Khiêm máu mê nổi lên, lòng căng tràn khí thế thể hiện đam mê tốc độ. Tiếng rồ ga xé toạc màn đêm, tưởng như đâm thủng cả bầu trời. Những phút giây điên cuồng ấy đã cướp đi cuộc đời của thanh niên vừa qua tuổi 18. Trong một pha bốc đầu, rồ ga, Khiêm đã lao xuống cống, đầu đập vào bờ bê tông, nằm bất động. Chúng bạn sợ quá, phải 30 phút sau mới gọi được người tới giúp. Khiêm được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Kết quả chẩn đoán, Khiêm bị chấn thương sọ não nặng, bị gãy xương sườn, xương bả vai. Ngồi bất thần bên con trên giường bệnh, bà Gái vẫn chưa tin những gì đang xảy ra với bà và đứa con trai duy nhất.
Khiêm may mắn giữ được mạng sống nhưng đầu óc chỉ còn 30% tỉnh táo và không thể đi đứng bình thường do di chứng của các đốt xương bị gãy.
Thanh xuân và bao nhiêu ước mơ phía trước đã kết thúc đối với cuộc đời của Khiêm. Bà Gái phải nhờ mẹ ruột từ Tiền Giang lên phòng trọ chăm sóc con trai. Còn bà ngày đêm lao động không ngơi nghỉ, bà muốn quên đi sự thật bi thương đang choán lấy cuộc sống của hai mẹ con. Khiêm nằm một chỗ, bắt đầu tập cầm nắm, đi lại như một đứa trẻ lên 3. 
Cho đến bây giờ, bà Gái vẫn không tài nào hiểu nổi sở thích quái đản của thằng con trai. Sau này, nghe mấy đứa bạn thân ở dưới quê kể lại, bà Gái mới sửng sốt, đúng là bà đã bỏ mặc con từ khi nó bắt đầu biết nhận thức. Khiêm mê xe và tốc độ từ năm lớp 6. Thậm chí, nó đã từng tổ chức một cuộc đua xe đạp khốc liệt tại bờ ruộng. Không có xe đạp, Khiêm rủ bạn đua bơi lội ở nhánh sông Tiền. Trong các cuộc chơi, Khiêm luôn là người chiến thắng. Vì tính hiếu thắng mà trong bất cứ cuộc chơi nào, nếu Khiêm là người thua cuộc thì sẽ dùng tay đấm vào gốc cây hoặc hòn đá đến tóe máu, bầm tím.
Cái giá phải trả cho sự nông nổi, bồng bột của tuổi mới lớn quá khủng khiếp với Khiêm, sự ân hận của người mẹ cũng đã muộn màng.

Gần 100 thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép trên Quốc lộ 1 bị lực lượng Công an Tiền Giang đưa về trụ sở xử lý.
Gần 100 thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép trên Quốc lộ 1 bị lực lượng Công an Tiền Giang đưa về trụ sở xử lý.
Bi kịch của “quái xế”
Vẫn biết, kết cục của những cuộc chơi tốc độ không bao giờ tốt đẹp. Đua xe trở thành tệ nạn nhức nhối đối với xã hội, gây ra những hệ lụy lâu dài cho gia đình và bản thân người chơi. Trong suy nghĩ của “quái xế” thì đam mê chính là đẳng cấp, bất chấp mọi thứ, ngay cả cái chết.
Đã 6 tháng trôi qua, mỗi ngày đối với ông Lê Văn Tảo (56 tuổi) đều nặng nề, chất ngất sầu khổ. Nhìn vào di ảnh của con, ông Tảo không cầm nổi nước mắt, lúc nào nó cũng ám ảnh người làm cha.
Ông Tảo có hai người con, Lê Trọng Hiếu (SN 1999) là con trai út của ông Tảo, phía trên còn một chị gái. Hiếu học xong lớp 12 thì nghỉ và đi học nghề sửa xe máy. Đầu năm 2020, Hiếu ra nghề, đi làm cho một tiệm sửa xe ở Tp. Biên Hòa (Đồng Nai). Vợ chồng ông Tảo khấp khởi vui mừng vì thằng con nay đã có công ăn việc làm, chí ít cũng tự nuôi thân. Dự định của vợ chồng ông Tảo là cuối năm 2020 sẽ đầu tư mở cho Hiếu một tiệm sửa xe gần nhà ở Tp. Thủ Dầu Một.
Nhưng, niềm vui thoảng như gió, rồi tai ương bỗng ập xuống gia đình. 3 giờ sáng, điện thoại của ông Tảo reo vang. Đầu dây bên kia là giọng run rẩy của thằng bạn, thông báo Hiếu bị tai nạn.
Vợ chồng ông Tảo tức tốc phóng xe xuống Bệnh viện Đồng Nai nhưng không kịp. Vợ ông gục ngã, ngất xỉu. Ông Tảo cố gắng tỉnh táo để lo thủ tục đưa con về nhà. Khi mọi thứ đã xong, con trai yêu thương của ông đã trở về với cát bụi, ông Tảo mới cảm giác nỗi đau đớn thống thiết ập lấy thân xác mình.
Hiếu bị tai nạn do tham gia đua xe dưới Vũng Tàu. Người bạn “quái xế” trong nhóm kể, đây không phải lần đầu tiên Hiếu “bão đêm”. Lần này, do Hiếu hăng máu thể hiện màn bốc đầu rồi nẹt pô cho tóe lửa nhằm phô trương kỹ năng thiện nghệ. Do va chạm với một “quái xế” khác cùng tốc độ “bàn thờ” khiến hai chiếc xe máy bay lên lộn xuống rồi trượt lê dưới đất mấy chục mét. Xe máy tan nát, người cũng nát tan. Hiếu tử vong trên đường đến bệnh viện, còn người kia may mắn thoát chết nhưng sống đời bại liệt do gãy đốt sống cổ.

Hàng loạt xe máy của “quái xế” bị Công an tạm giữ.
Hàng loạt xe máy của “quái xế” bị Công an tạm giữ.
Hiếu mê xe, lại là thợ sửa xe nên anh chàng tự thiết kế chiếc xe đua của mình rất độc đáo. Biệt danh Hiếu “bốc đầu” nổi tiếng trong giới quái xế. Khi lưu thông bình thường, thỉnh thoảng Hiếu cũng có sở thích biểu diễn chạy bằng một bánh khiến người đi đường khiếp vía tránh xa. Có lần tham gia đua xe, gặp công an, Hiếu liền bốc đầu lao vút vào cánh rừng cao su tối đen như mực, tẩu thoát ngoạn mục.
Ông Tảo cho biết, bình thường, Hiếu là đứa con có hiếu với cha mẹ. Từ bé tới lớn, chưa bao giờ Hiếu dám cãi lời người lớn. Ông Tảo cũng biết Hiếu có sở thích xe và tốc độ nhưng không ngờ con trai lại liều lĩnh và đam mê đến nỗi phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Bản thân ông Tảo rất dị ứng với “quái xế”. Năm 2019, trên đường đi làm về, ông Tảo phát hiện 4 thanh niên ngồi trên 2 chiếc xe máy bắt đầu đua. Ông liền lao lên phía trước, chỉ tay quát: “Bọn mày đua xe hả, tao báo công an bây giờ”. Gặp “kỳ đà cản mũi”, hai thanh niên bước xuống xe lao vào đấm đá ông Tảo liên tiếp khiến ông ngã sấp mặt xuống đường. Chúng ném cho ông một câu chửi thề rồi bỏ đi. Ông Tảo bị bong gân cánh tay, bầm tím mặt.

“Quái xế” trên đường đua.
“Quái xế” trên đường đua.
Không thể ngờ, một ngày, đứa con trai mà ông hết mực thương yêu, đặt nhiều kỳ vọng phải bỏ mạng vì sở thích tốc độ. “Những ngày tháng sau này, tôi không biết mình phải sống ra sao khi không còn con trai nữa”, ông Tảo nói mà đôi mắt ngấn lệ.
Lên mạng khoe chiến tích
Thời đại 4.0, trên mạng xã hội xuất hiện các hội, nhóm “đam mê tốc độ” không ngần ngại chia sẻ về “thành tích” đua xe hoặc tụ tập, kêu gọi, khiêu khích nhau đua xe trái phép. 
Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 26-3-2021, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài gần 5 phút ghi lại cảnh khoảng 100 người chặn xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang), để đua xe. Nhóm đua này có tuổi đời rất trẻ, từ 18-25 tuổi.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, đơn vị này vừa phối hợp với Công an huyện Cái Bè mời làm việc 11 người trong nhóm thanh, thiếu niên chặn xe trên Quốc lộ 1 để đua xe trái phép.
Khi Công an đang củng cố hồ sơ xử lý nghiêm vụ việc trên thì khoảng 4 giờ 30 ngày 11-4, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát cơ động, mật phục trên Quốc lộ 1, đoạn gần nghĩa trang thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), phát hiện hàng trăm thanh, thiếu niên tụ tập chặn phương tiện để đua xe trái phép. Nhóm “quái xế” đang rú ga tranh tài thì cảnh sát tiến hành bao vây. Tại hiện trường, công an giữ hơn 80 thanh, thiếu niên cả nam và nữ, tạm giữ hơn 100 xe máy các loại. Trong đó có nhiều xe đã được độ chế thay đổi hình dáng, kết cấu máy để đua xe. Nhiều xe không gắn biển số hoặc biển số bị che bằng băng keo và khẩu trang.
Trước tình trạng nạn đua xe tái diễn, lãnh đạo Bộ Công an vừa chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc chủ động bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tuần tra, kiểm soát và lực lượng khác để ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn đua xe trái phép.
Ngọc Thiện (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.