Bí ẩn gia tộc "dị ngón"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gia đình ông Trần Thanh Tòng ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã trải qua 3 đời sở hữu đôi bàn tay và chân thừa ngón.
Tiếp chúng tôi bên căn nhà gỗ cũ kỹ, ông Tòng không giấu nổi niềm vui có khách đến thăm. Ông sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Trước đây, cha ông chỉ thừa 1 ngón trên 1 bàn tay và 2 ngón chia đều ở đôi chân. Đến thế hệ sau, chỉ có ông Tòng và người chị thứ hai có đến 24 ngón tay, chân; 2 người còn lại vẫn bình thường.
Ảnh: Thốt Nốt
Ảnh: Thốt Nốt
Gia cảnh khó khăn nên ông Tòng phải nghỉ học từ sớm để đi làm thuê đỡ đần cha mẹ. Đến khi lập gia đình, sinh đứa con gái đầu lòng thấy chân và tay y như chồng, vợ ông quyết dứt áo ra đi. Vượt qua nỗi đau, ông Tòng gom góp ít tiền mua chiếc xe máy cà tàng chạy xe ôm nuôi con ăn học.
"Hồi nhỏ, thấy người ta 5 ngón, còn mình có tới 6 ngón nên thấy nó thừa thừa nhưng riết rồi cũng quen. Những người thừa ngón như tôi thì làm việc gì cũng chậm hơn người khác. Tôi nhớ có lần đi đăng ký thi giấy phép lái xe, người ta chê tôi khuyết tật vì thừa ngón nên không chịu cho nộp hồ sơ. Lúc đó, tôi đã tìm mọi cách để chứng minh đôi tay của mình vẫn bình thường nên cuối cùng cũng được thi" - ông Tòng bộc bạch.
Chúng tôi đang dở câu chuyện thì con gái ông Tòng là bé Trần Thị Thanh Tuyền (học lớp 6) tan học về nhà. Tỏ ra tự hào về con gái nhưng ông Tòng cũng lo lắng rằng dị tật này làm ảnh hưởng đến tương lai con trẻ. Ông muốn đi phẫu thuật cho con ngặt nỗi gia đình không đủ tiền. Như thấu hiểu nỗi lòng của cha, Thanh Tuyền tâm sự: "Hồi con học mẫu giáo, mấy bạn hỏi sao con có 6 ngón nên cũng mặc cảm lắm! Con từng có ý định cắt bỏ mấy ngón thừa này cho giống những người bình thường nhưng ba nói nhà không có tiền thì làm sao cắt được. Bây giờ, con không còn buồn mà thấy vui do giống ba".
Ảnh: Thốt Nốt
Ảnh: Thốt Nốt
Nhiều thế hệ trong gia đình anh Nguyễn Văn Bình ngụ xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đều có người bị bàn tay và bàn chân chỉ có 1 ngón.
Ngày trước, ông nội anh bị dị tật 1 ngón tay, 1 ngón chân. Sau khi ông lấy vợ, sinh rất nhiều con thì chỉ có cha anh là ông Nguyễn Văn Cộng bị di truyền tật 1 ngón. Cha mẹ anh lại có 5 người con, anh và một người đã mất cũng chỉ có 1 ngón, còn 3 em gái của anh tay chân lành lặn.
Đến khi anh lập gia đình, sinh ra đứa con gái lớn thì giống mẹ bình thường, còn đứa thứ 2 và con trai mới sinh được gần 2 tháng lại mang di truyền của gia đình. Do không có điều kiện nên anh không đi khám để tìm nguyên nhân.
Kể về cha mình, mắt anh Bình vẫn ánh lên niềm tự hào. Thời trai trẻ, ông Cộng có sức khỏe hơn người. Dù chỉ có 1 ngón tay, 1 ngón chân nhưng việc bốc vác, làm đồng áng, lội sông… không hề thua bất cứ thanh niên trai tráng nào.
"Một lần, cha tôi tham gia tuyển quân đi chống Mỹ, cán bộ thấy ông bị dị tật liền không nhận. Cha tôi nài nỉ xin cho ông biểu diễn màn tháo lắp súng. Thấy cha thao tác tháo lắp súng cực nhanh, cầm súng bắn chuẩn chỉ bằng đôi tay dị tật nên hội đồng tuyển quân đồng ý ngay" - anh Bình kể lại.
Sau đó, ông Cộng trở về quê hương. Có tài năng về quân sự nên ông Cộng được chính quyền địa phương giao phụ trách huấn luyện thanh niên. Trong cuốn sổ do ông Cộng để lại, ông ghi rõ từng mốc thời gian như con cái sinh năm nào, đám giỗ ông bà vào ngày nào… Đặc biệt, viết chữ rất đẹp, nên ông được giao làm thư ký ở xã. Nhiều cô gái thấy ông Cộng khác thường nên e ngại chuyện xây dựng gia đình. Duy nhất có cô hàng xóm Nguyễn Thị Anh thấy ông Cộng tháo vát, siêng năng, "trong bụng đã thấy ưng" nên về chung một nhà, rồi sinh ra anh Bình.
Cũng bởi bị tật ở chân nên anh Bình và con gái lớn chỉ có thể đi dép quai hậu, nếu dép thường sẽ bị tuột, không đi được. Trước đây, có người thương hoàn cảnh khó khăn, thuê anh bốc vác, một ngày kiếm 120.000-150.000 đồng lo cho con cái. Nhưng bây giờ, anh phải ở nhà để đưa đón con gái thứ 2 đi học, mọi thu nhập trong nhà đều trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ.
Lúc sinh con đầu lòng, chị Trần Thị Tuyết Mai (vợ anh Bình) mừng lắm vì con gái sinh ra lành lặn. Nhưng đến khi sinh con gái thứ 2 vào năm 2013, chị Tiên khóc hết nước mắt. "Do cuộc sống khó khăn, tôi đành lên Bình Dương làm công nhân rồi gửi tiền về để anh lo cho con ăn học. Biết mang thai đứa con thứ ba, tôi mừng và ước con mình lành lặn. Đến lúc thai được 6 tháng, bác sĩ bảo thai nhi cũng chỉ có 1 ngón, nhiều người biết nhưng không dám hỏi vì sợ tôi buồn" - chị Mai kể lại.
Ngồi trên bàn, chỉ với bàn tay 1 ngón, cháu Nguyễn Thị Như Tiên (7 tuổi, con gái thứ 2 của anh Bình) viết chữ thoăn thoắt. Để được như hôm nay là cả quá trình nỗ lực vượt khó của Tiên. Mấy ngày đầu đi học, cô giáo cầm tay tập viết, về nhà cháu rất đau. Nhờ chịu khó, siêng năng, Tiên đã hoàn thành chương trình lớp 1, cuối năm còn được nhận giấy khen.
Tuy nhà thiếu trước hụt sau nhưng vợ chồng anh Bình rất thương yêu nhau và đều lo cho con học tới nơi tới chốn. Theo ông Nguyễn Văn Chúng, phụ trách thương binh - xã hội của UBND xã Tam Ngãi, anh Bình đang nhận trợ cấp 405.000 đồng/tháng, cháu Tiên là 675.000 đồng/tháng do khuyết tật, còn chị Mai được nhận 270.000 đồng/tháng do chăm sóc người khuyết tật. Năm 2013, chính quyền xã cũng vận động được một doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa cho gia đình anh Bình.
THỐT NỐT - CA LINH

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.