Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết mưa gió liên tục mấy ngày qua khiến người già, trẻ nhỏ và cả những người có sức khỏe tốt tại TP HCM, Hà Nội cũng phải vào bệnh viện
Tại TP HCM, số người lớn, trẻ nhỏ nhập viện điều trị tăng gần 50%. Nhiều bệnh viện, chuyên khoa nhi ở Hà Nội, số trẻ từ 1 đến 3 tuổi nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp cũng gia tăng.
Giai đoạn giao mùa
TS, bác sĩ (BS) Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhân Dân Gia Định TP HCM, cho biết cách đây vài tuần, số nằm viện nội trú chỉ khoảng 60 trường hợp thì nay là hơn 80 ca. Các bệnh chủ yếu như viêm phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi. Những người có bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), hen cũng nhập viện nhiều hơn.
Theo BSCK2 Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Nhân Dân Gia Định TP HCM, trong vòng một tháng trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh hô hấp tăng cao. Khoa có 50 giường nhưng hiện không còn chỗ nằm, phải kê ra hành lang làm chỗ nằm tạm cho trẻ.
ThS-BSCK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115 TP HCM, cho hay gần đây số người đến khám, cấp cứu liên quan bệnh hô hấp gia tăng. Trong tháng 10, tăng gần 20%.
BS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Nhi trung ương, cho biết hầu hết các trường hợp nhập viện thời điểm này đều bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản. Bệnh chủ yếu tập trung vào lứa tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi. Một số trường hợp bị viêm phổi nặng có kèm suy hô hấp là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Theo BS Hanh, nguyên nhân gây các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ thường do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, giai đoạn giao mùa, không khí chuyển lạnh, ẩm khiến virus dễ sinh sôi, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp cho trẻ và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tại trung tâm, hiện có khoảng 50 bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp.
Tương tự, tại Khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BS Đặng Thị Thúy cho biết căn nguyên gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ thường gặp là virus theo mùa như: cúm A, virus hợp bào hô hấp... Đáng ngại là trên cơ địa trẻ bị nhiễm những loại virus này sẽ dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo. Đã có một số trường hợp phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao.
 
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Ảnh: NGỌC DUNG)
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Ảnh: NGỌC DUNG)
Chú ý phòng biến chứng
Theo các BS, dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh về đường hô hấp là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Đây là những triệu chứng rất thường gặp khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên. Với bệnh cúm do virus các triệu chứng đầu tiên của bệnh gồm sốt (trên 38 độ C, có thể tăng cao 39 - 40 độ C), đau đầu, đau mỏi toàn thân... sau đó mới xuất hiện triệu chứng đường hô hấp như viêm họng, đau rát cổ họng, ho khan, đau tức ngực, ho có đờm, chảy nước mũi trong kèm ngạt mũi.
BS Đặng Thị Thúy tư vấn: Đối với trẻ em, khi bị cúm, tình trạng sốt cao có thể gây nên trạng thái co giật, nếu không được xử lý sớm sẽ dẫn tới tổn thương thần kinh không phục hồi. Ngoài ra, bệnh cúm cũng có thể gây ra nhiều biến chứng ở trẻ như viêm tai giữa, tiêu chảy kéo dài... Do đó, khi trẻ bị cúm mùa, bố mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ; tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đi BV khám ngay. Không nên tự ý mua kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tình trạng lây chéo, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh. Khi trẻ bị các bệnh đường hô hấp cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên, khu vui chơi... để tránh lây lan nguồn bệnh.
BS Dương Anh Phượng, Khoa Nội tổng quát BV Quốc tế City, khuyến cáo mùa mưa không khí thường có độ ẩm cao thích hợp cho virus, vi khuẩn phát triển nên các bệnh hô hấp thường gia tăng. Để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh các bệnh hô hấp vào mùa mưa như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm phổi… cần chăm sóc sức khỏe cẩn thận như giữ ấm, uống đủ nước, bổ sung dưỡng chất, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngủ đủ giấc.
Mỗi buổi sáng hoặc sau khi đi ra ngoài về trong những ngày mưa, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng, làm sạch mũi với các dung dịch, dụng cụ vệ sinh mũi có bán ở nhà thuốc.
XUÂN THU - NGỌC DUNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.