(GLO)- Theo kết quả xác minh chính thức của Công an phường Trà Bá- TP. Pleiku công bố ngày 23-10-2015 vừa qua thì những chấn thương vùng vai, mặt của cháu Bùi Thị Như Ý (sinh ngày 27-7-2014) là do bị bạn xô ngã và cào, cắn chứ không hề có việc cháu bị bạo hành.
Theo đó, vào lúc 16 giờ 50 phút ngày 21-10-2015, Công an phường Trà Bá nhận được đơn trình báo của chị Đào Thị Hạnh (SN 1991, hộ khẩu thường trú 114/4 Lê Duẩn, tổ 10- phường Phù Đổng, TP.Pleiku, Gia Lai) về việc con gái mình là Bùi Thị Như Ý (sinh ngày 27-7-2014), bị xâm hại sức khỏe tại lớp mầm non tư thục Họa Mi (07 Nguyễn Hữu Thọ, làng Ngó, phường Trà Bá-TP. Pleiku, Gia Lai) và yêu cầu cơ quan Công an điều tra làm rõ. Ngày 22-10-2015, lãnh dạo Công an phường đã cử 2 cán bộ trực tiếp tới địa chỉ lớp mầm non tư thục Họa Mi để điều tra rõ vụ việc.
Sức khỏe cháu Ý hiện đang tốt dần lên. Ảnh: N.N |
Qua công tác điều tra, xác minh vụ việc, kết quả như sau: Lớp mẫu giáo mầm non tư thục Họa Mi ở địa chỉ 07 Nguyễn Hữu Thọ thuộc làng Ngó, phường Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai có quyết định thành lập số 29 do UBND phường Trà Bá cấp ngày 22-3-2002 do cô giáo Trần Thị Kim Sương (cùng địa chỉ) làm chủ. Ngoài cô giáo Sương còn có cô giáo Nguyễn Thị Phượng phụ trách lớp.
Khoảng 15 giờ ngày 20-10-2015, tại lớp mầm non tư thục Họa Mi, cô giáo Trần Thị Kim Sương đang tập trung cho các học sinh xếp hàng, cô Nguyễn Thị Phượng đang đi xách nước để tắm rửa cho các học sinh mầm non. Lúc này cháu Nguyễn Thượng Trường Vũ (tên thường gọi: Ken, ở tổ 8, phường Trà Bá, TP. Pleiku, Gia Lai) cùng cháu Ý ngồi chơi vui đùa tại bục tam cấp ở khu vực bếp ăn (nơi cuối đường luồng đi vào bếp). Do mâu thuẫn cháu Ý chọc ghẹo cháu Vũ (theo như lòi khai cháu Vũ nói với mẹ mình là chị Trần Thị Mỹ Hiền) nên cháu Vũ đã xô ngã cháu Ý và cắn, cào cấu làm cháu Ý bị thương nhiều nơi trên thân thể (ở mắt phải, xung quanh vùng mắt phải, má bên trái và cánh tay phải) và hiện nay đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Làm việc với các cháu học sinh lớp mầm non tư thục Họa Mi chứng kiến sự việc thì các cháu đều xác nhận đúng như sự việc nêu trên.
Căn cứ vào kết quả xác minh điều tra thì không có dấu hiệu tội phạm, không có chuyện bạo hành giữa cô giáo đối với cháu Bùi Thị Như Ý.
Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Chớ-Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo TP. Pleiku cho biết: “Như vậy là không có chuyện cháu Ý bị bạo hành. Vụ việc đến nay đã sáng tỏ nhưng qua đây cũng cần phải rút kinh nghiệm. Chuyện đi học, các cháu có va chạm là điều bình thường nhưng vết thương gây ra đối với cháu Ý như trên tôi cho là không bình thường chút nào nếu các cô giáo có kinh nghiệm xử lý tình huống tốt, quán xuyến lớp chặt chẽ chắc chắn những việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra hoặc nếu có hậu quả sẽ không lớn như trên. Là Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình cháu Như Ý”.
Chăm sóc trẻ mầm non luôn là công việc nhiều áp lực. Ảnh: N.N |
Theo Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleku, việc quản lý các lớp mầm non tư thục hiện nay trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn vì nhân lực của phòng còn hạn chế. Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non ở các loại hình công lập, tư thục thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nâng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nhà giáo, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ. Tăng cường dự giờ thăm lóp, kịp thời uốn nắn, hướng dẫn giúp đỡ, tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ giúp các nhóm, lớp này thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non (GDMN); tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa giáo viên công lập và giáo viên tư thục, trao đổi thống nhất về việc xây dựng kế hoạch giáo dục, xác định mục tiêu, yêu cầu nội dung, phương pháp GDMN, việc tổ chúc các hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ theo chế độ sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ trong các cơ sở GDMN.
Ngoài ra, phòng Giáo dục-Đào tạo tham mưu UBND xã, phường về việc thực hiện công tác quản lý đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tự phát đang hoạt động; kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) các hoạt dộng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ, quản lý trẻ, đội ngũ giáo viên, nhân viên và các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường lớp học...; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định.
Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các thôn, làng, tổ dân phố về các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp cho con em học. Phát huy vai trò của nhân dân ở các thôn, làng, tổ dân phố trong việc phát hiện, tố giác những hoạt động giáo dục trái quy định, không đảm bảo an toàn cho trẻ, đề nghị các cấp chính quyển xử lý theo quy dịnh.
Như Nguyện