Báu vật của người J’rai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bao đời nay người Jrai ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai xem cánh rừng gỗ hương (họ gọi là "kyâo săn") như báu vật, giữ gìn nghiêm ngặt cho con cháu nên không một lâm tặc nào có thể bén mảng

"Ơi bà con! Cánh rừng này do xã quản lý, có nhiều "kyâo săn". Bây giờ tất cả bà con mình cùng nhau giữ lấy cánh rừng này. Nếu không, con cháu đời sau của chúng ta không còn biết "kyâo săn" như thế nào nữa" - ông Rơ Mah Lel - Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ - hô lớn tại một cuộc họp dân làng mới đây.

Giữ rừng bằng mọi cách

Cánh rừng gỗ hương 4 ha tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nằm lọt thỏm giữa xung quanh là bạt ngàn cao su, nương rẫy của người dân. Thế nhưng, cánh rừng này quanh năm xanh tốt, không một lâm tặc nào có thể bước vào.

Từ nhiều năm nay, ngày nào ông Rơ Mah Lel cũng mang theo dao rựa đi tuần tra khắp các ngõ ngách trong cánh rừng. Vừa dẫn chúng tôi vào sâu trong rừng, ông Rơ Mah Lel vừa kể, vào tháng 3-1999, địa phương ồ ạt trồng cây cao su. Những cánh rừng tự nhiên ở huyện Đức Cơ dần dần bị các công ty san ủi. Lúc này, ông Lel đang là Phó Bí thư xã Ia Kriêng, thấy ở làng Grôn có khoảnh rừng còn nhiều cây gỗ hương quý, to mọc san sát nhau, sắp bị san ủi. Ông vội vã báo ngay với Đảng ủy xã tìm cách giữ lại cánh rừng.

Những cây gỗ hương đường kính lớn được sự chung tay bảo vệ của người dân xã Ia Kriêng

Những cây gỗ hương đường kính lớn được sự chung tay bảo vệ của người dân xã Ia Kriêng

Cùng thời gian này, người dân sống ở khu vực lân cận thường xuyên vào phá rừng để lấy đất sản xuất. Trong các cuộc họp buôn làng, ông đều lồng ghép việc cần giữ cánh rừng này cho con cháu mai sau. Từ đó, người dân 8 thôn của xã đã chung tay giữ lại cánh rừng này. Không một ai đụng vào cánh rừng.

Ngày đó, cũng chính ông Lel kêu gọi hơn chục người đàn ông khỏe mạnh ở các thôn mang dao rựa phát đường ranh bao quanh cánh rừng lại. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ "rừng là vàng", với nhiều cây gỗ hương quý như vậy mà bị san ủi thì sau này con cháu tôi sẽ không còn được nhìn thấy loài cây quý này nữa. Vì vậy tôi phải tìm mọi cách vận động người dân cùng chung tay giữ lại. Rất may, mọi người đồng tình nên cánh rừng mới còn lại như ngày hôm nay" - ông Rơ Mah Lel kể.

Ông Rơ Mah Lel cũng tự tin khi nói rằng cánh rừng "kyâo săn" nguyên sinh ở xã Ia Kriêng là độc nhất vô nhị của tỉnh Gia Lai với nhiều cây to đẹp. Toàn xã, ai ai cũng biết cánh rừng này quý, được bảo vệ nên không ai có ý định xâm phạm, tác động xấu đến cánh rừng này. Lâm tặc cũng không dám bước chân vào rừng.

"Cơm nhà, áo vợ" bảo vệ rừng

Từ khi rừng cây "kyâo săn" được khoanh giữ thì có 2 người đàn ông xung phong bảo vệ cánh rừng là ông Nguyễn Hữu Manh và ông Rơ Mah Kem. Mỗi ngày, công việc chính của 2 ông là đi tuần tra xung quanh xem có cây rừng nào bị tác động, để mắt tới những "lâm tặc" nhòm ngó đến cánh rừng. Hôm nào đến ngày mùa, hai ông thay nhau đi tuần tra để người còn lại lo việc gia đình. Thấm thoát đã hai chục năm trôi qua, đến nay các ông thuộc cánh rừng này như thuộc lòng bàn tay của mình. "Thân thuộc đến nỗi bây giờ đêm ngủ mà nghe tiếng cành cây nào gãy, rơi xuống, tôi cũng biết" - ông Kem cười nói.

Còn ông Rơ Mah Lel bảo rằng yêu cánh rừng đến nỗi khi còn là cán bộ xã thì mỗi khi rời khỏi cơ quan là ông lại phóng xe vào rừng đi dạo một vòng, mắt ngắm thân gỗ, tai nghe chim hót. Đến tháng 6-2019, sau khi nghỉ hưu thì ông Lel xin vào làm bảo vệ cho khu rừng.

Chính vì có hàng ngàn cây gỗ hương to lớn nên cánh rừng đã trở thành miếng mồi trong mắt thèm thuồng của biết bao lâm tặc. Không thèm sao được khi chỉ cần trộm được một cây gỗ hương là đã có thể kiếm được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, chính nhờ sự bảo vệ, chăm sóc của những người yêu rừng ở đây nên đã hơn 20 năm cánh rừng "kyâo săn" chưa một lần có cây gỗ lớn nào bị mất.

"Sợ nhất vào mùa mưa lâm tặc sẽ lợi dụng để vào chặt hạ cây. Ngày thường, lâm tặc chỉ cần bén mảng tới là bà con phát hiện ngay" - ông Rơ Mah Lel nói. Chỉ duy nhất cách đây gần chục năm, chính quyền tỉnh Gia Lai yêu cầu di dời 10 cây lớn đưa về trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết của tỉnh thì cánh rừng mới có chỗ trống.

Hiện chính quyền địa phương đã làm căn nhà nhỏ hơn chục m2 dưới gốc cây gỗ hương lớn để ba người canh giữ rừng cả ngày lẫn đêm. Chính quyền huyện Đức Cơ cũng hỗ trợ 60 triệu đồng/năm. "Không thấm vào đâu, nhưng từ khi vào bảo vệ cánh rừng cho con cháu mai sau, chúng tôi đã xác định ăn cơm nhà, mặc áo vợ để giữ rừng rồi" - ông Manh cười sảng khoái.

Sẽ phát huy giá trị

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết sau này, khi diện tích cao su xung quanh đến kỳ tái canh thì sẽ đề nghị thu hồi để khoanh nuôi tái sinh, mở rộng diện tích rừng cây gỗ hương. Trước mắt sẽ hỗ trợ bằng cách kéo điện, nước vào thí điểm cho một đơn vị trồng cây dược liệu. "Từ đó, người dân thấy được lợi ích của việc trồng cây dưới tán rừng, thấy được giá trị kinh tế lâu dài của cây gỗ hương, các loại sản vật bên dưới sẽ góp phần bảo vệ loài gỗ quý này hơn nữa" - ông Phận nói.

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.