Bầu Đức - Người góp công thay đổi bóng đá Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bóng đá Việt Nam có không ít “ông bầu”. Mỗi người trong số họ, dù ít hay nhiều đều để lại dấu ấn đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà. Nhưng góp công lớn nhất để làm thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam thì không ai khác chính là ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), người vẫn thường được gọi với cái tên thân mật là bầu Đức.



“Chắp cánh” cho bóng đá Việt bay cao

(GLO)- Trong 2 năm qua, dưới thời huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái được những thành tích vang dội trên đấu trường quốc tế. Với tài cầm quân của ông Park, đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018, lấy lại ngôi vị số 1 Đông Nam Á sau tròn 10 năm chờ đợi; lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu Á tại Asian Cup 2019 và thẳng tiến tại bảng G vòng loại World Cup 2022. Ở cấp độ đội tuyển Olympic, ông Park cùng các học trò đã đi tới tận bán kết Asiad 2018. Còn tại Giải U23 châu Á 2018, đội U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã xuất sắc giành ngôi á quân. Và mới đây nhất, tại SEA Games 30 trên đất Philippines, ông Park tiếp tục tạo nên kỳ tích khi cùng các tuyển thủ U22 Việt Nam vô địch môn bóng đá nam. Đây là tấm huy chương vàng đầu tiên mà bóng đá nam Việt Nam giành được tại đấu trường này.

Bầu Đức (bìa phải) và huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Anh Tiến
Bầu Đức (bìa phải) và huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Anh Tiến



Đọc đến đây, có thể ai đó sẽ thắc mắc, tại sao viết về bầu Đức mà lại nhắc nhiều đến công trạng của HLV Park Hang-seo. Xin thưa, chính ông chủ của đội bóng Phố núi là người đã lặn lội sang tận Hàn Quốc để đàm phán ký hợp đồng đưa ông Park qua Việt Nam làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Và cũng chính bầu Đức là người tự bỏ tiền túi ra trả lương cho ông Park trong suốt hơn 2 năm qua. Ghi nhận điều đó, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và UAE ngày 14-11-2019, trên khán đài Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, người hâm mộ đã giăng một tấm băng rôn với nội dung: “Nếu không có bầu Đức và ông Park Hang-seo sẽ không có bóng đá Việt Nam như ngày hôm nay. Chúng tôi yêu ông Park Hang-seo, yêu bầu Đức”.

Nếu không có bầu Đức sẽ không có bóng đá Việt Nam ngày hôm nay. Đó không phải là một lời nói quá mà là sự thật. Ở thời điểm bóng đá Việt Nam mới bắt đầu những bước đi lên chuyên nghiệp cách đây gần 20 năm, bầu Đức đã làm điều khó tin khi đưa danh thủ số 1 Đông Nam Á Kiatisak về khoác áo HAGL. Sự có mặt của Zico Thái cùng đội hình được coi là “Dream team” không chỉ giúp HAGL thăng hạng ngay năm 2002 rồi liên tiếp vô địch V.League 2 mùa giải tiếp theo mà còn giúp nâng tầm chất lượng giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Đến năm 2007, trang sử mới của Câu lạc bộ HAGL cũng như bóng đá Việt Nam tiếp tục được mở ra khi bầu Đức bắt tay với đội bóng lừng danh Arsenal do huấn luyện viên Arsene Wenger dẫn dắt ở Giải Ngoại hạng Anh để thành lập Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG. Sự ra đời của học viện này đã tạo nên cú hích để sau đó hàng loạt lò đào tạo trẻ khác xuất hiện trên cả nước như: Hà Nội, Viettel, PVF… Bóng đá Việt Nam từ đây dần thoát khỏi cảnh “xây nhà từ nóc” như lời cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl từng nói. Để đến hôm nay, những học viên lứa đầu tiên của các lò đào tạo này như: Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Quang Hải, Duy Mạnh… đã trưởng thành, liên tục giúp bóng đá Việt Nam tạo được dấu ấn vang dội trên đấu trường quốc tế trong 2 năm qua.

Giấc mơ World Cup 2026

Mới đây, HLV Park Hang-seo đã gia hạn hợp đồng thêm 3 năm với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Mặc dù không còn trả lương cho ông Park kể từ tháng 1-2020 nhưng bầu Đức vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc thuyết phục HLV này đồng ý gia hạn hợp đồng. Tuy không nói thẳng nhưng phát biểu sau đây của ông chủ đội bóng Phố núi phần nào cho thấy điều đó: “Nói thật là trước đây tôi cũng lo lắng vì ông Park đắn đo chọn lựa cho mình một bến đỗ mới hấp dẫn và nhiều thử thách hơn. Tôi và ông ấy hay chia sẻ với nhau và tôi biết có rất nhiều đội bóng nước ngoài sẵn sàng trả cao hơn gấp đôi mức lương mới, lên đến cả trăm ngàn USD mỗi tháng nhưng ông Park không nhận lời. Bây giờ, ông Park đã đồng ý tiếp tục ở lại là một điều vô cùng tốt đẹp về nhiều mặt, không chỉ riêng về bóng đá. Cá nhân tôi luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông Park và bóng đá Việt Nam”.

Đội tuyển U22 Việt Nam ăn mừng sau khi giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 30. Ảnh: internet
Đội tuyển U22 Việt Nam ăn mừng sau khi giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 30. Ảnh: internet



Theo giới chuyên môn, ngoài tình cảm sâu nặng với bầu Đức, lý do HLV Park gia hạn hợp đồng có thể bởi bóng đá Việt Nam hiện đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng như: Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Linh… chỉ mới 23 đến 25 tuổi. Từ đây cho đến khi ông Park hết hợp đồng mới ký, những gương mặt này sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ hoàn hảo của sự nghiệp “quần đùi áo số”. Trong khoảng thời gian này, chiến lược gia người Hàn Quốc có thể sẽ gặt hái thêm nhiều thành công với các cấp độ đội tuyển Việt Nam, thậm chí có thể hiện thực hóa giấc mơ góp mặt tại vòng chung kết World Cup 2026.

Để góp phần giúp bóng đá Việt Nam hướng tới “giấc mơ World Cup 2026”, cuối tháng 8-2019, bầu Đức đã dốc hầu bao đưa lứa cầu thủ thuộc biên chế khóa 4 Học viện HAGL JMG sang tập huấn tại đội bóng hàng đầu Hà Lan là Feyenoord Rotterdam trong vòng 1 tháng. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, những cầu thủ này được kỳ vọng sẽ là nhân tố chính giúp bóng đá Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ tham dự vòng chung kết World Cup sau 6 năm nữa.

 

 HỒNG THỦY

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.